PHIÊN HỌP MỞ RỘNG THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

07/04/2023

Chiều ngày 7/4, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp mở rộng Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy chủ trì Phiên họp.

LẤY Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

DỰ THẢO LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI): CÂN NHẮC MỞ RỘNG PHẠM VI ÁP DỤNG ĐỂ ĐIỀU CHỈNH CÁC DỊCH VỤ KHÔNG PHẢI LÀ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG

Tham dự Phiên họp còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Tạ Đình Thi, Nguyễn Phương Tuấn cùng các thành viên của Ủy ban; đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phạm Đức Long cùng đại diện các đơn vị liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.

Toàn cảnh Phiên họp.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Sau hơn 12 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý góp phần quan trọng thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thị trường, phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, đáp ứng nhu cầu của người dân và phát triển kinh tế-xã hội đất nước…

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Tờ trình của Chính phủ, nhiều quy định của Luật Viễn thông không còn phù hợp; cần sớm sửa đổi, bổ sung để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi, để đáp ứng xu thế phát triển mới, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đảm bảo thống nhất với các luật mới ban hành.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, quyết định đưa dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) vào Chương trình xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đôn đốc việc gửi hồ sơ dự án Luật tới Quốc hội, đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia thẩm tra ngay khi nhận được hồ sơ dự án Luật; tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế tại địa phương, tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học.

Thường trực Ủy ban tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến (dự kiến vào ngày 17/4/2023), quyết định trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 5 tới đây.

Để Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có đầy đủ cơ sở và thông tin phục vụ xây dựng và hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị các đại biểu cho ý kiến về việc dự án Luật đã đủ điều kiện để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội hay chưa?

Các đại biểu tham dự Phiên họp.

Về nội dung, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị các đại biểu phát biểu, cho ý kiến tập trung vào một số vấn đề: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh; Nội dung của dự thảo Luật, bao gồm 3 nhóm: Nhóm nội dung khắc phục những bất cập của Luật Viễn thông 2009; Nhóm các vấn đề mới cần bổ sung để thúc đẩy phát triển viễn thông; Nhóm quy định về hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp. Sự phù hợp của nội dung dự thảo Luật với chủ trương, đường lối của Đảng; Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; Tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật; Việc giao và chuẩn bị văn bản quy định chi tiết; Điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành Luật....

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật nội dung của Phiên họp./.

Bích Lan - Ánh Nguyệt - Nghĩa Đức