KỲ VỌNG NHỮNG CHÍNH SÁCH CỐT LÕI CỦA DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) SẼ ĐƯỢC THẢO LUẬN KỸ LƯỠNG, ĐA CHIỀU TẠI HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH

06/04/2023

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra từ ngày 5 -7/4 tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Theo chương trình, Hội nghị sẽ thảo luận về 7 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới, trong đó có dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Quan tâm tới sự kiện này, một số ý kiến chuyên gia, cử tri kỳ vọng, các vị ĐBQH chuyên trách sẽ tập trung góp ý, thảo luận làm rõ những vấn đề trọng tâm, cốt lõi của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 5/4: KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 khai mạc vào sáng ngày 5/4

Sửa đổi Luật Đất đai được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (10/2022) và đã được lấy ý kiến Nhân dân về các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào sáng 5/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, thời gian qua, việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo luật đã được thực hiện nghiêm túc, nhận được sự hưởng ứng tích cực rộng khắp của các cơ quan, tổ chức các tầng lớp Nhân dân. Thống kê sơ bộ cho thấy, đến nay có khoảng 11,5 triệu lượt ý kiến góp ý. Tại hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách lần này, dự kiến cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo với đại biểu Quốc hội chuyên trách một số tóm tắt một số vấn đề lớn cần xin ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Quan tâm tới sự kiện này, một số ý kiến chuyên gia, cử tri kỳ vọng, các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách với đặc thù dành toàn bộ thời gian cho hoạt động của Quốc hội sẽ tập trung góp ý, thảo luận kỹ lưỡng nhằm làm rõ những vấn đề cốt lõi của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, trọng tâm là những quy định nhận được nhiều ý kiến đóng góp thời gian qua như: quy định liên quan đến giá đất, thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;...

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp – Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là điều kiện rất thuận lợi để các vị đại biểu không những được cung cấp nhiều hơn thông tin về quá trình soạn thảo, chỉnh lý... mà còn đóng góp ý kiến, tham gia trực tiếp vào quá trình tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Từ đó, giúp cho dự thảo luật được bàn thảo kỹ lưỡng, đa chiều hơn trước khi trình Quốc hội cho ý kiến trong quy trình tiếp theo.

Bày tỏ kỳ vọng vào phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội nghị, PGS.TS Doãn Hồng Nhung mong muốn, các vị đại biểu sẽ tập trung cho ý kiến, thảo luận kỹ lưỡng, để làm rõ hơn 09 nhóm vấn đề cơ bản của dự thảo Luật, gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; Hộ gia đình sử dụng đất.

Đặt biệt quan tâm tới quy định về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất, PGS.TS Doãn Hồng Nhung đề xuất, cần xây dựng công thức để tính giá đất, phương pháp định giá đất, các tiêu chí để phân định, xác định quyền và nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất. Các điều khoản chuyển tiếp thực thi đối với các dự án đã được giao, cho thuê, cho thuê lại đất... Đặc biệt là các trường hợp người sử dụng đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê 50 năm.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung đề xuất, nên chăng Nhà nước cần có văn bản hướng dần chi tiết quy trình, thủ tục mới được phép thực hiện..., cách tính số tiền chuyển một phần dự án sang mục đích khác, ví dụ đang là đất thương mại dịch vụ, chuyển thành đất nhà ở hoặc cho thuê. Số tiền thuê trả một lần cho cả thời gian thuê sẽ chỉ cần điều chỉnh, bố sung thêm phần chênh lệch tiền sử dụng đất từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở chứ không phải làm lại các thủ tục từ đầu bởi lẽ họ đã trả tiền cho cả thời gian thuê là 50 năm...

Ngoài ra, liên quan đến giải pháp xác định giá đất thực tế làm căn cứ phục vụ các công tác như giải phóng mặt bằng, tính thuế,… PGS.TS Doãn Hồng Nhung kiến nghị, có thể nghiên cứu cơ chế thành lập các Hội đồng định giá đất độc lập với sự tham gia của nhiều bên, chuyên gia, nhà nước và cả người dân.

Khẳng định Nghị quyết số 18, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã thể hiện tư duy mới về xác định giá đất, PGS.TS Doãn Hồng Nhung lưu ý cần quan tâm rà soát lại quy định tại Nghị quyết để thể chế hoá đầy đủ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời, nghiên cứu đưa ra quy định mang tính nguyên tắc về tiêu chí, quy trình, thủ tục để vận hành quá trình định giá đất đảm bảo thống nhất, khả thi.

Quan tâm tới nội dung sẽ được thảo luận tại Hội nghị, luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cho rằng, Luật Đất đai là văn bản quy phạm pháp luật có sức tác động lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến từng cá nhân và mội trường đầu tư, kinh doanh. Để phù hợp với thực tiễn, các chính sách mới và nội dung cơ bản của dự thảo luật đã có nhiều điểm mới nổi bật và mang tính đột phá quan trọng như: đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; … Đây là các chính sách vô cùng thiết thực, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

Nhấn mạnh việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp tại kỳ họp thứ 5 tới đây, luật sư Đặng Thành Chung kỳ vọng, các vị đại biểu chuyên trách sẽ đào sâu phân tích dưới nhiều góc độ để đưa ra những góp ý, nhận định xác đáng trực tiếp vào các điều, khoản quy định cụ thể tại dự thảo luật. Đồng thời, góp ý toàn diện về cấu trúc, các định nghĩa và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi),...

Tham gia góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua các tổ chức đoàn thể tại cơ sở, một số cử tri cũng bày tỏ tin tưởng, qua thảo luận tại Hội nghị, các quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai sẽ được tiếp thu, chỉnh lý đảm bảo tính khả thi. Đặc biệt là quy định về quyền tiếp cận thông tin đất đai, quyền tham gia góp ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về đất đai,…sẽ được đảm bảo trên thực thi sau khi dự luật được ban hành./.

Lê Anh