CÓ NÊN HẠN CHẾ QUYỀN CHUYỂN NHƯỢNG VỐN GÓP CỦA THÀNH VIÊN HỢP TÁC XÃ?

05/04/2023

Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại dự thảo luật nhận được nhiều quan tâm và ý kiến tranh luận từ các đại biểu Quốc hội.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 5/4: KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH

Các đại biểu tại Hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và đã chỉnh lý quy định theo hướng “cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu”. Dự thảo luật không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Quy định như vậy phản ánh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Như vậy, trong dự thảo mới nhất, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) chỉ cho phép các thành viên chuyển nhượng vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, không chuyển nhượng cho thành viên mới bên ngoài.

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang tán thành với tiếp thu của cơ quan thẩm tra về nội dung liên quan đến chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Nữ đại biểu cho rằng, không nên đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức ngoài hợp tác xã, liên minh hợp tác xã. Bởi nếu cho phép sẽ làm mất đi bản chất hợp tác xã, làm cho các tổ chức kinh tế hoạt động như công ty cổ phần.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang lại cho rằng, vốn của các thành viên hợp tác xã góp là tài sản và quyền tài sản đối với mỗi cá nhân phải được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Đại biểu phân tích, khi đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể như hợp tác xã lại bị hạn chế quyền tài sản này, không được mua bán, chuyển nhượng trong một số điều kiện thì sẽ ai còn muốn đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể nữa. Do vậy, đại biểu Lâm đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần nghiên cứu thêm, không nên hạn chế quyền mua bán, chuyển nhượng phần góp vốn của thành viên góp tài sản vào hợp tác xã.

 Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Trường hợp, chuyển nhượng làm thay đổi tính chất của hợp tác xã thì yêu cầu bắt buộc chuyển sang mô hình kinh tế khác phù hợp thay vì cấm hay hạn chế chuyển nhượng tài sản, nhất là chuyển nhượng tài sản cho cá nhân ngoài hợp tác xã. Thành viên nhận chuyển nhượng đó chưa phải là xã viên thì việc nhận chuyển nhượng như thủ tục kết nạp thành viên. Quy trình làm sao tương tự kết nạp thành viên mới thì không có gì khó khăn, phức tạp cả.

Trước các ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thực tế có hiện tượng “chui” vào hợp tác xã rồi chuyển nhượng, thâu tóm nên dự thảo chỉ đang cho phép chuyển nhượng giữa nội bộ thành viên hiện hữu.

Dự thảo luật còn khống chế tỷ lệ mức vốn góp tối đa của mỗi thành viên chính thức; tổng phần vốn góp tối đa của tất cả thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật đang cố gắng đưa ra “van”, “khoá” để chống trục lợi, thâu tóm hợp tác xã”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết việc cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên và bảo đảm quyền lợi cho các thành viên. Điều này cũng tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành thành viên chính thức.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh 

Theo quy định, thành viên chính thức hoặc thành viên liên kết góp vốn có nhu cầu chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp phải thông báo cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các thành viên.

Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các thành viên khác không nhận chuyển nhượng, thành viên thì có thể xin ra khỏi, chấm dứt tư cách thành viên và được trả lại phần vốn góp. Dự thảo Luật không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Quy định như vậy phản ánh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội và tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần.

Đồng thời, quy định này cũng hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với một số hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ phối hợp Ủy ban Pháp luật báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục xử lý làm rõ vấn đề này./.

Thu Phương