TIẾP TỤC CỤ THỂ HÓA CÁC NHÓM CHÍNH SÁCH TẠI NGHỊ QUYẾT 20-NQ/TW VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN, NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TẬP THỂ

05/04/2023

Sáng 5/4, theo chương trình Hội nghị đại biểu chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật đã cụ thể hóa nhiều chính sách phát triển hợp tác xã, các đại biểu cũng đề nghị cần phải tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hơn về vai trò, quyền và nghĩa vụ của các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, làm rõ nội dung động lực thúc đẩy nhất là đối với hợp tác xã nông nghiệp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 5/4: KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH

Thảo luận tại hội nghị, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc, trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan, sự chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Nhiều ý kiến phát biểu nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý và đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật như: Cụ thể hóa, thể chế hóa 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị phải hoàn thiện thêm các quy định về tổ hợp tác; tổ chức đại diện, hệ thống liên minh hợp tác xã; quy định về thành viên hợp tác xã, tổ chức quản trị tài chính, tài sản, quỹ trung không chia điều lệ và nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động tín dụng nội bộ, góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, kế toán, kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Theo đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) lần này cơ bản đã thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về kinh tế tập thể, trong đó có 8 nhóm chính sách trong Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, đại biểu Dương Văn Phước cũng cho rằng cần phải nghiên cứu và tiếp tục quán triệt đầy đủ hơn nữa tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW.

Nghị quyết 20-NQ/TW đã chỉ rõ là kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế làm trọng tâm, bao gồm lợi ích của các thành viên, tập thể và nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn và là một kênh rất quan trọng để thực hiện các chính sách văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Trong khi đó dự thảo luật lần này những nội dung này thể hiện vẫn còn mờ nhạt và chưa thật đầy đủ.

Đại biểu chỉ rõ, thực tiễn đã chứng minh lịch sử hình thành và phát triển hợp tác xã ở Việt Nam cho thấy là ngoài những việc thực hiện sản xuất, kinh doanh theo phương thức tập thể để tạo thu nhập thuận lợi thì nhiều hợp tác xã đã xây dựng các nhà văn hóa, thư viện, trường mẫu giáo, trung tâm thể dục thể thao, hệ thống điện, nước, đài truyền thanh, v.v. để cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho các thành viên của mình và cho cả cộng đồng khu dân cư địa phương. Do đó, việc luật hóa các nội dung này là cần thiết, nhằm phát huy vai trò của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đối với phát triển văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đóng góp tích cực, hiệu quả và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo cần phải tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ hơn nữa Nghị quyết 20-NQ/TW về vai trò, quyền và nghĩa vụ của các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong việc tham gia thực hiện các chính sách phát triển văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình ghi nhận dự thảo luật đã thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW từ 1 điều tại dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 8 điều, từ Điều 20 đến Điều 27 và quy định riêng về những nội dung từng chính sách. Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh các quy định này đã thể chế hóa được các chủ trương tại Nghị quyết 20-NQ/TW, cơ bản phù hợp và thống nhất với pháp luật có liên quan.

Để cụ thể hơn và phù hợp hơn với yêu cầu của thực tiễn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh  đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định trong nội dung chính sách tiếp cận vốn và bảo hiểm quy định tại Điều 23. Theo đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung trong dự thảo luật quy định các ngân hàng thương mại cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vay vốn tín dụng thương mại như các tổ chức kinh tế khác dựa trên xem xét, đánh giá về năng lực tài chính và hiệu quả dự án sản xuất, kinh doanh cần vay vốn của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Quy định về tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được sử dụng giá trị tài sản hình thành từ quỹ chung mang tên riêng của mình để bảo đảm an toàn cho số vốn cần vay, giúp cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đáp ứng được điều kiện có tài sản đảm bảo tiền vay tại ngân hàng thương mại.

Về chính sách bảo hiểm đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị xem xét bổ sung quy định về cách thức và chế độ hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia các quỹ bảo hiểm rủi ro đang hoạt động ở Việt Nam. Quy định về cách thức thành viên, người lao động làm việc thường xuyên có nhận tiền công, tiền lương của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Quy định về cách thức và chế độ hỗ trợ thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đồng thời, quy định về cam kết của tất cả các thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về chia sẻ trách nhiệm bảo đảm trả nợ các khoản vay tín dụng cả vốn và lãi từ các ngân hàng thương mại và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; cam kết của tất cả các thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả các khoản vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; cam kết về tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện theo pháp luật và được hỗ trợ của Nhà nước.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình lại cho rằng mặc dù dự thảo luật cơ bản thể chế hóa tương đối rõ và cụ thể các nhóm chính sách hỗ trợ, tuy nhiên các chính sách còn dàn trải, phân tán, cào bằng và chưa theo sát với từng loại hình hợp tác xã, với từng vùng miền, chưa thấy nội dung nào là động lực để thúc đẩy.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cũng cho rằng các chính sách còn chung cho các tổ chức kinh tế hợp tác mà chưa nhấn mạnh đến tính chất đặc thù của các hợp tác xã nông nghiệp, trong khi các tổ chức này chiếm đến gần 70%. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm một điều tại Chương II về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp. Luật Hợp tác xã năm 2012 tại khoản 3 Điều 6 cũng đã có những quy định, những chính sách được hỗ trợ ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp. Nhóm chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp thì có nhiều chính sách cần phải cụ thể hóa mới có thể triển khai được trong thực tiễn, ví dụ như chính sách về đất đai, về tiếp cận tín dụng cho các hợp tác xã. Các chính sách ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp cần giao cho Chính phủ cụ thể hóa tại dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã theo đúng chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW là có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cũng tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã có tiếp thu giải trình một số vấn đề quan tâm đồng thời cho biết sẽ tiếp tục cùng các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật trong đó cụ thể hóa tối đa các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã./.

Bảo Yến