TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 05/4: HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI) VÀ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

05/04/2023

1986 lượt xem

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 05/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: LẮNG NGHE CÁC Ý KIẾN SÂU SẮC VÀ TÂM HUYẾT CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH ĐỂ CHUẨN BỊ TỐT NHẤT CHO KỲ HỌP THỨ 5

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 5/4: KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH

Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều ngày 05/4/2022

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp

14h00: Đại biểu Nguyễn Vân Chi – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Cân nhắc với các dự án đấu thầu có liên quan đến bất động sản

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Vân Chi cho biết, về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, Điều 62 của dự thảo Luật có quy định 2 phương pháp. Theo đó, phương pháp thứ nhất là đánh giá lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước được áp dụng để đánh giá nhà đầu tư chào phương án thực hiện dự án đầu tư kinh doanh có hiệu quả sử dụng đất hoặc hiệu quả đầu tư, phát triển ngành, lĩnh vực cao nhất. Phương pháp thứ hai là đánh giá theo tiêu chí cố định được áp dụng đối với dự án có yêu cầu đặc thù theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực mà cần xác định tiêu chí cố định khi đánh giá hiệu quả đầu tư, phát triển ngành, lĩnh vực. 

Đối với các phương pháp khác được quy định chung tại dự thảo luật, đại biểu đề nghị làm rõ thêm thời điểm bên mời thầu báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét các phương pháp khác trong chu trình đấu thầu, chu trình đánh giá hồ sơ dự thầu, xét duyệt trúng thầu. Phương pháp khác này được cơ quan mời thầu xây dựng trên cơ sở nào, đề cập trong hồ sơ mời thầu hay không?

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ, trong trường hợp phương pháp khác này được xác định trước, được đưa vào trong hồ sơ mời thầu, thì liệu có cách nào tránh được việc các cơ quan mời thầu xây dựng cơ chế mời thầu, xét duyệt thầu khác nhau theo từng dự án. Cơ chế này có mở rộng hơn so với quy định của Luật Đấu thầu hay không. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ với các dự án đấu thầu có liên quan đến sử dụng đất, bất động sản.

14h06: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Không nên quy định tổ chức đấu thầu trước

Góp ý về tổ chức đấu thầu trước, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu thực tế thời gian qua việc tổ chức đấu thầu trước có nhiều hệ lụy, bởi nếu tổ chức đấu thầu trước nhưng hồ sơ mời thầu chưa xong, cấp thẩm quyền chưa cho ý kiến hoặc trong quá trình giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, giá trị xây lắp tăng, giá nhân công tăng dẫn tới đội vốn… phát sinh nhiều tiêu cực. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc quy định không nên quy định đấu thầu trước trong dự thảo luật. 

Về chỉ định thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh về sự cần thiết nhất là trong những trường hợp đặc biệt đẻ đảm bảo các tiêu chí đề ra tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không dám chỉ định thầu vì có nhiều quy định ràng buộc, trách nhiệm của nhà đầu tư rất lớn, do vậy cần quy định cụ thể về nội dung này. Đại biểu cũng thống nhất với quy định về đấu thầu dự án, nhưng dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn đảm bảo khách quan, công bằng cho các nhà đầu tư, tránh hình thức.

Ngoài ra, quy định về tổ thẩm định giá, chuyên gia thẩm định giá có vai trò rất quan trọng, đại biểu đề xuất quy định rõ tiêu chí, quy định rõ trách nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với những trường hợp này.

14h14: Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: Cân nhắc kỹ quy định về chỉ định thầu để tránh bị lợi dụng 

Quan tâm phát biểu ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh cho rằng, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, minh bạch, sẽ giúp quá trình mua sắm công của nước ta tốt hơn. 

Tuy nhiên, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị bổ sung thêm nội dung về đấu thầu rộng rãi, theo đó cần có quy định đấu thầu chỉ về giá cho các gói thầu thông thường. Bởi  ở nước ta hàng năm thực hiện hàng ngàn gói thầu, trong đó có rất nhiều gói thầu thông thường với quy mô dưới 50 tỷ, cùng một loại công trình xây dựng…

Do vậy, đại biểu cho rằng, cần có giải pháp để cho các nhà thầu chỉ đấu thầu về giá, giúp giảm chi phí cho nhà thầu và đặc biệt hạn chế được nhà thầu phải gặp chủ đầu tư trước khi đấu thầu, bởi làm như vậy thì nó sẽ không khách quan.

Đặc biệt, về nội dung tại Điều 23 quy định chỉ định thầu, dự thảo Luật quy định gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng. 

Đại biểu Minh cho rằng, gói thầu về mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia là gói thầu đặc biệt, có thể phải chỉ định thầu trong suốt quá trình. Tuy nhiên gói thầu về khắc phục sự cố thiên tai hoặc bất khả kháng thì chỉ cần trong một thời gian ngắn. Do vậy, để đảm bảo chặt chẽ, dự thảo Luật cần quy địch tách ra. Quy định như vậy, sẽ tránh được kẽ hở bị lợi dụng.

14h17 Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Cần khuyến khích áp dụng đấu thầu tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước

Về đối tượng điều chỉnh, áp dụng đấu thầu, dự thảo đưa ra 2 phương án, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng nguyên tắc khuyến khích áp dụng đấu thầu. Thực tiễn doanh nghiệp ngoài quốc doanh thực hiện đấu thầu hiệu quả. Do đó các doanh nghiệp có vốn nhà nước càng phải minh bạch càng rõ khi sử dụng tiền, tài sản của nhà nước, nhân dân. Vì vậy phải quy định theo hướng cố gắng vận dụng đấu thầu.

Về đấu thầu trước, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng quy định này chưa có đủ căn cứ, cơ sở để thực hiện.

Đại biểu cho biết, đấu thầu vướng mắc trong khu vực nhà nước chủ yếu là do tổ chức thực hiện. Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị phải rõ, phải bảo đảm công khai minh bạch, cạnh tranh, tuân thủ các quy định cam kết quốc tế.

Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị xem xét lại quy định áp dụng chỉ định thầu với gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu cho rằng quy định này khác với Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng thẩm quyền của Quốc hội. Đại biểu đề nghị cân nhắc nghiên cứu kĩ lưỡng để quy định đúng vai của các cơ quan.

Góp ý về về đấu thầu thuốc và vật liệu y tế, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị xem xét vấn đề đấu thầu tập trung, đấu thầu quốc gia và đấu thầu địa phương. Đại biểu cho biết trong lĩnh vực này, người đấu thầu là người không sử dụng. Tại địa phương, Sở là đơn vị đấu thầu rồi mới cấp phát cho các đơn vị. Thực tiễn giám sát các địa phương vừa qua cho thấy có một số tỉnh do chậm trễ trong đấu thầu dẫn đến cả tỉnh chậm thuốc, tương tự như vậy đối với vật tư y tế cũng như quy mô quốc gia. Trong đó có những loại thuộc người bệnh rất cần, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng Nhân dân. Trong khi có rất nhiều doanh nghiệp, bệnh viện có đủ cơ sở, có dủ khả năng để mua thuốc phù hợp với giá thị trường nhưng vẫn phải chờ Sở đấu thầu theo rất nhiều quy trình. 

Chỉ rõ bất cập này, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị riêng với ngành y tế là ngành đặc thù nên cần phải xem xét về quy định về đấu thầu tập trung, đấu thầu thuốc để có quy định phù hợp.

14h27: Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Đảm bảo minh bạch, liêm chính và công bằng trong quản lý tài sản nhà nước

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đánh giá dự thảo luật lần này đã đạt chất lượng tốt, đáp ứng các tiêu chí về minh bạch, liêm chính theo chuẩn quốc tế. Về đối tượng điều chỉnh, đại biểu cho rằng cần chọn phương án 2 để đảm bảo minh bạch, liêm chính và công bằng trong quản lý tài sản nhà nước. 

Với Điều 6 trong dự thảo Luật quy định về “bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu”, đại biểu đề nghị cần bổ sung đầy đủ nội dung thành “bảo đảm cạnh tranh minh bạch trong đấu thầu. Khoản 1 của Điều 6 quy định: Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển. Đại biểu đề nghị làm rõ thế nào là “độc lập về pháp lý” và “độc lập về tài chính” để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch, rõ ràng trong văn bản pháp luật.

Đối với vấn đề cung cấp và đăng tải thông tin về đấu thầu, Điều 8, khoản 1 điểm b có quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm đăng tải thông tin quy định tại các điểm a, h và k khoản 1 Điều 7 của Luật này. Đại biểu đề nghị cần có quy định hợp lý và thật cụ thể về thời hạn đăng tải để đảm bảo tính công bằng giữa các nhà thầu.

14h34: Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Cân nhắc thu hẹp phạm vi đối tượng điều chỉnh đấu thầu doanh nghiệp nhà nước

Góp ý vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Phan Đức Hiếu góp ý liên quan đến đối tượng điều chỉnh đấu thầu doanh nghiệp nhà nước, theo phương án mà Uỷ ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét thêm mở rộng đối tượng so với Chính phủ, bao gồm công ty con sở hữu 100% vốn của doanh nghiệp nhà nước và công ty con sở hữu 50% vốn của doanh nghiệp nhà nước. Đây là 2 đối tượng được mở rộng thêm theo đề xuất của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách. Đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị nên xem xét thu hẹp phạm vi đối tượng điều chỉnh chỉ áp dụng đối với công ty con có sở hữu 100% vốn doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu đưa ra 3 lí do xem xét quy định này:

Thứ nhất, cần cân bằng lợi ích Nhà nước và cân bằng sự linh hoạt của hoạt động sản xuất kinh doanh và sự đa dạng của thực tiễn. 

Thứ hai, xét về mặt lợi ích, đại biểu cho rằng, cần bảo vệ, trong nhiều trường hợp khi công ty con sở hữu trên 50% vốn doanh nghiệp nhà nước thì lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các nhà đầu tư tư nhân là tuơng đương nhau. Do vậy, cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tư nhân để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, bảo đảm tính nhanh nhạy, vì lợi ích doanh nghiệp.

Thứ ba, hiện nay nhận thức và trình độ của các doanh nghiệp chỉ sử dụng 1 phần vốn điều lệ lo lắng việc bị lạm dụng đấu thầu để thâu tóm lợi ích của doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp đã thiết kế các quy trình, thủ tục đấu thầu đảm bảo các lợi ích tốt nhất cho các cổ đông của chính doanh nghiệp đó, không nhất thiết áp dụng quy trình cứng nhắc. 

Với những lí do trên, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị nên cân nhắc chỉ giới hạn mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với công ty con sở hữu 100% vốn doanh nghiệp nhà nước, không nên mở rộng đối tượng đối với công ty con sở hữu trên 50% vốn doanh nghiệp nhà nước.

14h37: Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Rà soát các nội dung liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế

Đại biểu Nguyễn Tạo đánh giá cao dự thảo luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này được tiếp thu tương đối hoàn thiện, công khai, minh bạch, rõ ràng của các đối tượng đấu thầu. Tuy nhiên, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của Nhân dân có nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu mua sắm tại một số địa phương và đơn vị. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại những nội dung liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế để kịp thời bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.

Về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc và trang thiết bị y tế, đối với những vùng gần đô thị, gần trung tâm, gần cảng biển, gần sân bay rất thuận lợi nhưng ở vùng sâu, vùng xa thì khó khăn vì chi phí vận chuyển cao, có tình trạng nhà cung cấp né tránh cung cấp cho những gói thầu tại vùng sâu, vùng xa…  Bên cạnh đó mua sắm tập trung đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền ban hành danh mục trang thiết bị về y tế, vật tư đấu thầu tập trung cần phải tháo gỡ.

Đối với quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đại biểu cho biết, các gói thầu thường được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp thì nên áp dụng, như gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh nhằm phục vụ kịp thời trong tình huống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại… theo quy định của cấp có thẩm quyền. Theo đại biểu Nguyễn Tạo cũng cần vận dụng linh hoạt tương tự như trong trường hợp sửa đổi Điều 130 của Luật Xây dựng.

Cũng liên quan đến quy định tại Luật Xây dựng về kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể cho dự án thể hiện tại Điều 33. Theo đó, khoản 1, khoản 2 quy định: Căn cứ vào quy mô, tính chất phức tạp, công tác đấu thầu của dự án, chủ đầu tư của cơ quan chuẩn bị dự án trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư tập thể hoặc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt lựa chọn nhà thầu của dự án mà không lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể được lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi.

14h42: Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Chưa rõ ràng trong quy định về việc tham gia thực hiện của cộng đồng 

Tham gia phát biểu, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết, Điều 27 của dự thảo luật quy định về tham gia thực hiện của cộng đồng. Cụ thể, cộng đồng dân cư, tổ, nhóm thợ đủ năng lực tại địa phương nơi có gói thầu được giao thực hiện toàn bộ hoặc một phần gói thầu đó trong các trường hợp: Gói thầu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công mà nhà nước và nhân dân cùng làm; Gói thầu xây lắp mà nhà nước và nhân dân cùng làm có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng. 

Đại biểu nhấn mạnh, đây là quy định tương đối mới, cụ thể hóa chủ trương của Đảng và một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu. Tuy nhiên, quy định ở đây chưa rõ và còn trùng lắp, thậm chí có chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Việc làm. 

Đại biểu đề nghị cần làm rõ những nội dung trong Điều 27 để đảm bảo cụ thể hóa đúng tinh thần nghị quyết, bám sát thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển các địa phương, để đảm bảo tính khả thi, rõ ràng, cụ thể của dự án Luật.

14h46: Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Góp ý dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí khẳng định quan điểm: Đối với các thiết bị, sinh phẩm, vật tư mà hiếm và ít thì phải đấu thầu tập trung.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Tạ Văn Hạ, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng quy định đấu thầu tập trung đối với những sản phẩm như với thuốc, thiết bị, vật tư mà dùng nhiều, dùng số lượng lớn mà thực hiện đấu thầu tập trung là rất cồng kềnh. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, nếu số lượng lớn, rất lớn thì nên quy định để các cơ sở y tế, các bệnh viện tự đấu thầu là chính, hạn chế đấu thầu tập trung vì họ sẽ chủ động hơn, sẽ không cồng kềnh, không chờ đợi, đặc biệt là không lãng phí.

14h49 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn báo cáo làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội chuyên trách

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ tổng hợp đầy đủ rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội và sẽ có báo cáo đại biểu Quốc hội.

Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ, về phạm vi điều chỉnh là nhóm đối tượng doanh nghiệp nhà nước cần cân nhắc kĩ lưỡng các phương án và lưu ý rằng thực tế tại các tập đoàn, tổng công ty thì hoạt động sản xuất kinh doanh, các dự án đầu tư chủ yếu diễn ra ở công ty công con. 

Về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, ngoài 8 phương thức lựa chọn nhà thầu còn có quy định thêm riêng cho mua sắm tập trung, mua sắm trang thiết bị y tế . Dự thảo dành nhiều điều khoản cho lĩnh vực này. không chỉ thực hiện theo Điều 57 mà còn có mua sắm trực tiếp, hay thực hiện chuyển tiếp…do đó đề nghị nhìn tổng thể các quy định có trong dự thảo Luật. 

Về chỉ định thầu, qua thảo luận các đại biểu cơ bản thống nhất hạn chế chỉ định thầu. Tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng lưu ý rằng đấu thầu nhằm lựa chọn được nhà thầu chất lượng với giá cả hợp lý. Nhưng hơn hết đấu thầu là nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh, bình đẳng cho các nhà sản xuất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh một trong những mục tiêu của Luật Đấu thầu tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho nhắc các nhà sản xuất, các nhà cung cấp để có thể được tham gia vào các gói thầu của khu vực công, các khu vực ở trong xã hội. Các nước trên thế giới dù có những điều kiện khác nhau nhưng vẫn đều tiến hành đấu thầu bình thường. Nếu chỉ thông qua con đường chỉ định thầu ấy thì tất cả những dự án sẽ vào những công ty lớn. Sau đó, công ty lớn chia cho công ty nhỏ. Khi đó những công ty khởi nghiệp sáng tạo sẽ không bao giờ tham gia được vào. Từ những phân tích trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn đề nghị đại biểu cân nhắc liên quan đến chỉ định thầu. 

Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng có giải trình làm rõ nội dung về bảo đảm tính độc lập pháp lý, độc lập tài chính; về kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

15h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự án Luật, tập trung vào các vấn đề như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các trường hợp chỉ định, các phương pháp lựa chọn nhà thầu, đấu thầu trước, mua sắm thuốc…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật. Sau đó, cơ quan chủ trì thẩm tra cần có văn bản xin ý kiến Chính phủ về các nội dung tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm cho ý kiến, làm rõ quan điểm khi trình Quốc hội, chuẩn bị đầy đủ các văn bản cần thiết kèm theo. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật theo đúng quy định của pháp luật, hướng tới trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

15h02: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp để rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, khảo sát, làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý để hoàn chỉnh, hoàn thiện dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự án Luật. Tại phiên họp thứ 20, cơ quan chủ trì thẩm tra đã có văn bản xin ý kiến Chính phủ về nội dung tiếp thu, chỉnh sửa; Chính phủ đã có văn bản thống nhất với các nội dung xin ý kiến.

Trên cơ sở kết luận Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, đưa ra thảo luận tại hội nghị hôm nay. Các nội dung của dự thảo luật cơ bản đã đạt được sự thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. 

Theo chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy sẽ trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

15h04: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) 

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, liên quan đến khái niệm người tiêu dùng (tại khoản 1 Điều 3), sau khi nghiên cứu ý kiến ĐBQH và trên cơ sở ý kiến kết luận của UBTVQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với Cơ quan soạn thảo bổ sung đối tượng “tổ chức” vào nội dung quy định giải thích từ ngữ về người tiêu dùng và thể hiện một phương án theo loại ý kiến thứ nhất như trong dự thảo Luật.

Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án (Mục 5 Chương V), tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH và trên cơ sở kết luận của UBTVQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với Cơ quan soạn thảo lựa chọn một phương án theo loại ý kiến thứ nhất và thể hiện như trong dự thảo Luật, quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định như vậy tuy có thể làm gia tăng khối lượng công việc của hệ thống Tòa án nhưng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, dự thảo Luật đã chỉnh lý khoản 2 Điều 70 vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Điều 78 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự, để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Về việc bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Trên cơ sở ý kiến ĐBQH và kết luận của UBTVQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với Cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý, hoàn thiện một số quy định trong dự thảo Luật nhằm đảm bảo phù hợp và cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng, không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Cụ thể: Thay đổi từ “trách nhiệm” thành “nghĩa vụ” tại Điều 5, rà soát điều chỉnh tương ứng trong các điều, khoản liên quan (Điều 1). Đồng thời, dự thảo Luật đã hoàn thiện Điều 5 theo hướng phân tách rõ ràng 6 nghĩa vụ của người tiêu dùng; bổ sung một khoản quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật. Chỉnh lý khoản 2 Điều 39 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng theo hướng không quy định lại trách nhiệm chung mà các đối tượng là tổ chức, cá nhân kinh doanh đều phải tuân thủ, chỉ quy định về trách nhiệm gắn liền với BVQLNTD trong các giao dịch đặc thù. Theo đó, khoản 2 Điều 39 được chỉnh lý như sau “Tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 37, Điều 38 của Luật này và Mục 2 Chương III trong trường hợp cung cấp dịch vụ liên tục”…

Ngoài các vấn đề nêu trên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát giải trình, tiếp thu các ý kiến của các vị ĐBQH; thể hiện lại văn phong pháp lý, sắp xếp bố cục dự thảo Luật cho khoa học và hợp lý hơn. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 Chương, 79 Điều; sửa đổi, bổ sung 58 Điều (bao gồm các Điều được bỏ, chuyển nội dung sang Điều khác, bổ sung 02 Điều), giữ nguyên 21 Điều ; và sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự  để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

15h12: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu cho ý kiến về việc dự án Luật đã đáp ứng quan điểm, mục tiêu, chính sách lớn đặt ra khi trình sửa đổi luật hay chưa, đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay chưa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề: phạm vi đối tượng điều chỉnh, việc bổ sung tổ chức, khái niệm người tiêu dùng đã đảm bảo phù hợp chưa, việc đổi tên Điều 8 “bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương” thành “bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ưu tiên bảo vệ”, quy định về việc bảo vệ quyền lợi đã khả thi, đáp ứng phù hợp với thực tế hay chưa; các quy định về kinh phí của các tổ chức xã hội đã phù hợp với các quy định về kinh phí, ngân sách nhà nước hay chưa…

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về các vấn đề các đại biểu quan tâm.

15h14: Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước: Đề nghị bổ sung quyền được trả lại sản phẩm, hàng hoá để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Cơ bản thống nhất nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang góp ý vào khoản 6 Điều 4 về quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định quyền được trả lại sản phẩm, hàng hoá và được hoàn trả toàn bộ chi phí mua sắm sản phẩm, hàng hoá cần được áp dụng không chỉ đối với hàng hoá có khuyết tật mà còn với sản phẩm, hàng hoá không đúng như quảng cáo giới thiệu, cam kết hoặc công bố của tổ chức, cá nhân kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh bổ sung điểm d, khoản 3, Điều 39 của dự thảo luật để hoàn chỉnh hơn như sau: cho phép người tiêu dùng được phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp, đồng thời hiển thị đầy đủ và chính xác kết quả phản hồi, đánh giá, trừ những trường hợp phản hồi, đánh giá đó có vi phạm pháp luật và trái với đạo đức xã hội để phù hợp với thực tiễn và tăng tính khả thi cũng như hiệu lực, hiệu quả.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung Điều 39 các quy định về nền tảng số cần thực hiện các biện pháp giám sát, phát hiện, cảnh báo cho người tiêu dùng về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng có dấu hiệu nghi ngờ bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ…. Đồng thời quy định về thời hạn loại bỏ khỏi nền tảng những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Về quy định các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhận thấy, quy định như dự thảo không thống nhất với các quy định tại các Điều 100, Điều 317 của Bộ luật tố tụng dân sự, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

15h18: Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cấm chia sẻ thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa được đồng ý

Góp ý về Điều 10 về các hành vi bị cấm của dự thảo luật, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị bổ sung thêm quy định: Cấm hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ các trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển giao thông tin được thu thập phù hợp với quy định của luật này và pháp luật có liên quan cho bên thứ ba lưu trữ, hoặc phân tích nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của bên chuyển giao và hai bên đã thỏa thuận bằng văn bản về việc bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng theo quy định của luật này.

Tại Khoản 3, Điều 18 dự thảo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng thông tin của người tiêu dùng chính xác, phù hợp với mục đích, phạm vi đã thông báo và phải được người tiêu dùng đồng ý. Đại biểu Dương Khắc Mai cho biết, Luật An toàn thông tin mạng và Thông tư số 20 ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra yêu cầu về nghĩa vụ thông báo của bên kiểm soát dữ liệu hoặc chủ sở hữu hệ thống dữ liệu khi có sự cố hoặc hành vi xâm phạm dữ liệu xẩy ra. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại nội dung quy định tại dự thảo luật, nhằm đảm bảo sự tương thích, thống nhất nội dung trong các văn bản pháp luật có liên quan.

Đối với các quy định tại Mục 1, Chương III về giao dịch từ xa, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát quy định các nội dung liên quan đến giao dịch điện tử như: giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa (Điều 38), giao dịch trên không gian mạng (Điều 39) cho phù hợp, thống nhất với các quy định tại dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang lấy ý kiến.

15h21: Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: Đề xuất bổ sung quy định phát hiện, ngăn chặn hàng hóa không đủ tiêu chuẩn ảnh hưởng đến người tiêu dùng

Quan tâm phát biểu ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh cho rằng, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc hoàn thiện dự thảo Luật Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trình tại Hội nghị hôm nay…

Đại biểu Phạm Đình Thanh bày tỏ thống nhất việc bổ sung quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức chứ không phải chỉ là cá nhân như dự thảo luật trình xin ý kiến trước đây. 

Về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu cho rằng nội dung này đã được tiếp thu, bổ sung nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng phải được thực hiện tương sớm, kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng thư sớm, theo đại biểu Phạm Đình Thanh, ngoài các nội dung dự thảo Luật quy định, cần thiết bổ sung thêm quy định cơ quan nhà nước, tổ chức trong trường hợp cụ thể phải có trách nhiệm giám sát, phát hiện, ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn hành vi sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có thể gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng hoặc gây thiệt hại về kinh tế của người tiêu dùng…

Đặc biệt là những sản phẩm, hàng hóa mà người tiêu dùng sử dụng hàng ngày như lương thực, thực phẩm. Ví dụ như hành vi sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn, tình trạng trồng rau hai luống, lợn hai chuồng; tình trạng bơm nước, tạp chất vào thịt, cá, tôm để đưa đi tiêu thụ để xuất hiện rất nhiều. 
Đại biểu dẫn chứng, thời gian qua, trong thực tế đã xảy ra vụ việc người tiêu dùng, nhất là công nhân, học sinh khu công nghiệp, trường học đã trở thành nạn nhân của các hành vi này. Rất nhiều trường hợp dĩ đã bị ngộ độc thực phẩm, ngộ độc thức ăn…

Đại biểu cho rằng, những hành vi này nếu được phát hiện, ngăn chặn từ sớm trong quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển thì những sản phẩm hàng hóa này sẽ không đến tay người tiêu dùng và sẽ không gây thiệt hại đối với người tiêu dùng như xảy ra thời gian vừa qua.

15h50: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng “vừa thừa, vừa thiếu” 

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, các quy định về thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang ở trạng thái “vừa thừa, vừa thiếu”, không đảm bảo thống nhất với các quy định về thủ tục tố tụng trong hệ thống pháp luật, chưa sát với tình hình xử lý trong thực tiễn.

Đại biểu cho rằng, những nội dung quy định này dễ gây áp dụng không thống nhất khi luật được ban hành, do vậy, cần tiếp tục rà soát, tổng kết từ các vụ việc thực tiễn, từ công tác xét xử các vụ án liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để có quy định khả thi, sát với thực tế, hạn chế các trường hợp bỏ sót tình tiết, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan.

Ngoài ra, đối với quy định về hợp đồng theo mẫu, đại biểu đề nghị cần quy định về cỡ chữ trong hợp đồng theo mẫu để người tiêu dùng có thể dễ dàng nắm bắt toàn bộ thông tin về hợp đồng trước khi ký hợp đồng, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giao dịch.

15h53: Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Đề nghị quy định chặt chẽ hơn về người tiêu dùng thuộc nhóm ưu tiên bảo vệ

Đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành  một cách công phu, khoa học và cầu thị, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn góp ý về Điều 3, giải thích từ ngữ, và cho rằng, quy định như dự thảo chưa bao quát tình huống trên thực tế. Đại biểu đề xuất sửa quy định này theo hướng: cung cấp hàng hoá, dịch vụ tại nơi ở, nơi làm việc và tại điểm khác theo yêu cầu của người tiêu dùng để giải quyết các trường hợp phát sinh trên thực tế. 

Về người tiêu dùng thuộc nhóm ưu tiên bảo vệ tại Điều 8, đại biểu nhận thấy, quy định này chưa chặt chẽ. Bởi vì đây là quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Và theo quy định của Bộ luật Dân sự, trách nhiệm này chỉ phát sinh khi đầy đủ cả 3 yếu tố: phải có hành vi vi phạm xảy ra, phải có thiệt hại thực tế xảy ra, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với thực tế thiệt hại xảy ra. Do đó, đại biểu  đề nghị sửa quy định này chặt chẽ để đảm bảo phù hợp, thống nhất với Bộ luật Dân sự, đặc biệt phù hợp với bản chất quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 10, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ đề nghị các quy định như dự thảo chưa bao quát đầy đủ các hành vi có tính chất phổ biến xảy ra trong thời gian gần đây, và đối chiếu với pháp luật liên quan cũng chưa đầy đủ. Do vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như: hành vi cung cấp, chia sẻ, phát tán, mua bán và trao đổi trái phép thông tin của người tiêu dùng. Đồng thời đề nghị rà soát thêm các pháp luật liên quan khác đang cấm các hành vi này để đảm bảo bao quát đấy đủ các hành vi này.

Ngoài ra, đại biễu cũng góp ý vào quy định đảm bảo cung cấp hàng hoá, dịch vụ an toàn tại Điều 14.

16h01: Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện thương lượng

Cơ bản đồng tình cao với dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, về giải thích từ ngữ, cần bổ sung khái niệm “tổ chức” vào khoản 1, và sắp xếp lại khoản 1 như sau: “Người tiêu dùng là tổ chức, cá nhân, gia đình mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt, không vì mục đích thương mại” để làm rõ chủ thể được quan tâm bảo vệ trong dự thảo Luật. 

Khoản 4 Điều 57 trong dự thảo Luật quy định: “Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển yêu cầu của người tiêu dùng đến tổ chức, cá nhân kinh doanh được yêu cầu thương lượng.”

Đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không thực hiện thương lượng. Đồng thời, cần làm rõ những thủ tục cụ thể trong việc cơ quan nhà nước tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng.

16h05: Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Cơ chế bảo vệ người tiêu dùng cần khả thi và phù hợp thực tiễn.

Đại biểu Trịnh Xuân An đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu phát biểu trước và cho rằng khi xác định cơ chế để bảo vệ được người tiêu dùng phải thực sự khả thi và phù hợp với thực tiễn, nên cần có cơ chế thực sự hiệu quả và đảm bảo tính khả thi trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Đại biểu đồng tình với cách tiếp cận sửa đổi luật, trong đó bổ sung khái niệm bảo vệ người tiêu dùng là tổ chức. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 3 vẫn quy định người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm nên cần làm rõ tổ chức trong dự thảo luật.

Góp ý tại khoản 9 Điều 4, khoản 2 Điều 5 quy định người tiêu dùng được lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh, bền vững… đại biểu đề nghị rà soát khái niệm lành mạnh, bền vững cho phù hợp để đảm bảo tính khả thi. 

Điều 10 về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đồng tình với việc tiếp thu, chỉnh lý của ban soạn thảo nếu thực hiện tốt 12 điều cấm đối với tổ chức kinh doanh, 4 điều cấm tổ chức kinh doanh số nhưng đại biểu băn khoăn về tính khả thi về các quy định này.

Liên quan đến vai trò của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị xã hội, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng các quy định này chưa đủ mạnh, chưa tạo được động lực, cơ sở để các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là các hội chủ động khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, cần có thêm quy định về hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức có đủ nguồn lực, đủ cơ sở để họ tham gia việc bảo vệ quyền lợi dùng.

16h12: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Liên quan đến khái niệm người tiêu dùng, qua thảo luận các đại biểu cơ bản thống nhất bổ sung đối tượng là tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết để quy định này khả thi cần tiếp tục rà soát các chế định liên quan. 

Liên quan đến thủ tục rút gọn là một trong 4 phương thức giải quyết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bên cạnh thương lượng, hòa giải, trọng tài, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng đây là nội dung đã có quy định từ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 rồi thế. Tuy nhiên, thực tế không thực hiện được. Nguyên nhân là do quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Bộ luật Tố tụng dân sự không thống nhất. Một số các điều kiện cụ thể về địa điểm cư trú; các yếu tố có liên quan yếu tố nước ngoài … không đồng bộ với nhau.

Do đó, để tiếp tục kế thừa quy định đã có trong Luật hiện hành và đảm bảo câu chuyện thực thi, các cơ quan sửa đổi hoàn thiện Điều 70 và Điều 78 đảm bảo thống nhất giữa Bộ  luật Tố tụng dân sự và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn, kết cấu phù hợp khả thi.

Liên quan đến bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ đây là vấn đề rất quan trọng. Bên cạnh các thông tin về nhân thân còn có các thông tin như quá trình giao dịch, các hành vi mua bán cũng là những thông tin quan trọng có thể bảo vệ bởi pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, đối với những thông tin này, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập hoặc các bên thứ ba được ủy quyền khi sử dụng, thu thập thông tin của người tiêu dùng đều phải có sự đồng ý và thỏa thuận của người tiêu dùng. Kể cả qua các giao dịch truyền thống cũng như ứng dụng nền tảng số đều phải có cơ chế đồng thuận của người tiêu dùng mới có thể cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, các tổ chức trung gian thu thập và xử lý, sử dụng các thông tin của người tiêu dùng theo đúng các mục đích được yêu cầu. 

Liên quan đến việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ ở Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà là một hệ thống pháp luật có liên quan. Vì vậy, quan điểm khi xây dựng này chủ yếu tập trung là bảo vệ quyền lợi của nhiều người tiêu dùng. Đồng thời tiếp thu ý kiến các đại biểu để nghiên cứu có quy định đồng bộ với Luật giao dịch điện tử để các chế định của các nền tảng số trung gian phục vụ cung cấp các dịch vụ hàng hóa sản phẩm đảm bảo đồng bộ, thống nhất.

Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là người yếu thế, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết cơ quan chủ trì thẩm tra đã sửa tên điều gọi “người dễ bị tổn thương” thành “người được ưu tiên bảo vệ”. Đồng thời tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội sẽ cấu trúc lại Điều 8 dự thảo Luật để bảo đảm quy định cụ thể ai là những đối tượng dễ bị tổn thương, đối tượng yếu thế; họ được hưởng những các ưu đãi hay hỗ trợ gì và trách nhiệm của các chủ thể để bảo vệ cho các đối tượng tổn thương.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tiếp cận theo hướng đảm bảo khả thi, làm rõ vai trò của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cả tôn chỉ mục đích, có điều kiện thuận lợi để bảo vệ tốt hơn cho người tiêu dùng.

16h23: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau thời gian thảo luận, đã có 7 lượt ý kiến phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã giải trình các ý kiến các đại biểu quan tâm.

Các đại biểu đã nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo Luật, đặc biệt là các nội dung như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, khái niệm người tiêu dùng, hoạt động cụ thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc giải quyết tranh chấp tại tòa án, các quy định liên quan đến đảm bảo công bằng, quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tích cực nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật. Sau đó, cơ quan chủ trì thẩm tra cần có văn bản xin ý kiến Chính phủ về các nội dung tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm cho ý kiến, làm rõ quan điểm khi trình Quốc hội, chuẩn bị đầy đủ các văn bản cần thiết kèm theo. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật theo đúng quy định của pháp luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.

16h25: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Giá (sửa đổi)

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Giá (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi) với 115 lượt ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và tại hội trường. 

Sau kỳ họp, Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp để rà soát, tiếp thu, chỉnh lý và làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và quản lý để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự án luật này tại phiên họp thứ 21. Trên cơ sở kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, đưa ra thảo luận tại hội nghị hôm nay.

Theo chương trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà sẽ trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Giá (sửa đổi).

16h27: Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà báo cáo một số vấn đề lớn về Dự án Luật Giá (sửa đổi)

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về Dự án Luật Giá (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo đã thống nhất: (1) Bỏ 03 Điều ; (2) Bổ sung 05 Điều ; (3) Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung 04 nội dung của các Luật có liên quan; (4) Bổ sung thêm Phụ lục số 1 quy định Danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; (5) Từng điều khoản đã được hoàn chỉnh về kỹ thuật lập pháp. 

Về bình ổn giá, tiếp thu ý kiến đa số, Thường trực Ủy ban TCNS cho biết: (1) Giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan ổn định thị trường, do đó cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch. Đồng thời, việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong Luật cũng khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”. (2) Việc thực hiện quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc trong tổ chức thực hiện. (3) Để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật Giá hiện hành và dự thảo Luật cũng đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định. Vì vậy, đề nghị cho giữ như quy định của Luật hiện hành.

Nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo cho rằng, trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu vì: (1) Quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. (2) Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước; quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở…

Trong trường hợp vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị trong quản lý, điều hành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả.

Về định giá, Thường trực Ủy ban TCNS đã rà soát, chỉnh lý, bổ sung một số quy định về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp, tiêu chí, thẩm quyền, cơ sở pháp lý của văn bản định giá và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá nhằm bảo đảm khả thi, minh bạch, bảo vệ những người làm công tác định giá.

Một số ý kiến đề nghị không quy định giá trần đối với dịch vụ tại cảng biển và dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa; một số ý kiến và Bộ Giao thông vận tải đề nghị cần quy định giá trần đối với các dịch vụ này. Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy, đây là vấn đề lớn, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, đời sống người dân, doanh nghiệp, ngân sách nhà nước. Vì vậy, đề nghị: (1) Chính phủ đánh giá tác động cụ thể trong trường hợp bỏ giá trần theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có căn cứ cho Quốc hội xem xét, quyết định. (2) Đề nghị các vị ĐBQH cho ý kiến về nội dung này trong Hội nghị ĐBQH chuyên trách và xin ý kiến các vị ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5.

Về thẩm định giá, Thường trực Ủy ban TCNS đã bổ sung quy định về chuẩn mực thẩm định giá; chỉnh lý quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức liên quan trong đào tạo, thi, cấp, quản lý, thu hồi chứng chỉ và thẻ thẩm định viên về giá, đăng ký hành nghề thẩm định giá, bảo đảm cơ sở pháp lý, tính bao quát.
Về thẩm định giá của Nhà nước, Thường trực Ủy ban TCNS nêu rõ, Dự thảo Luật đã quy định rõ nguyên tắc và cơ chế thực hiện thẩm định giá nhà nước. Đối với các trường hợp cụ thể phải thẩm định giá của Nhà nước, để bảo đảm tính hợp lý, đầy đủ, do đó, các đạo luật chuyên ngành sẽ xác định cụ thể; đồng thời quy định tăng cường phân cấp, phân quyền cho các Bộ, ngành, địa phương. Về việc xác định trách nhiệm, Dự thảo Luật xây dựng theo nguyên tắc từng cá nhân, tổ chức, cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với công việc mà mình thực hiện.

Thường trực Ủy ban TCNS đã rà soát, chỉnh lý, quy định cụ thể nhiều nội dung về hoạt động thẩm định giá của Nhà nước, theo đó đã bổ sung 02 Điều bao gồm quy định về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập Hội đồng thẩm định giá và quy định về quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá; chỉnh lý làm rõ quy định về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước; bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định giá tại khoản 3 Điều 60 Dự thảo Luật; bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thẩm định giá...

16h43: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận

Phát biểu gợi ý nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đại biểu lưu ý một số vấn đề của cơ quan thẩm tra xin ý kiến về một số nội dung: Dự thảo luật đã đáp ứng quan điểm, mục tiêu, định hướng chính sách lớn khi đặt yêu cầu sửa đổi luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua hay chưa. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu thảo luận về các nội dung cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về các hành vi bị cấm, trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong kê khai giá, niêm yết giá, bình ổn giá, định giá, thẩm định giá. 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu lưu ý các nội dung qua thảo luận còn nhiều ý kiến tham gia như: áp dụng pháp luật, tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý giá, thẩm quyền quyết định mặt hàng bình ổn giá, các quy định về Quỹ bình ổn giá, Quỹ bình ổn giá xăng dầu, quy định về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp, tiêu chí, thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá…

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội