THÁO GỠ VƯỚNG MẮC CỦA THỊ TRƯỜNG GIAO DỊCH HÀNG HÓA TƯƠNG LAI

05/04/2023

Luật Thương mại năm 2005 đã dành một mục tại Chương II quy định về các giao dịch hàng hóa tương lai diễn ra trên thị trường tập trung. Trên cơ sở đó, Chính phủ, các bộ ngành ban hành nhiều văn bản hướng dẫn hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường giao dịch hàng hóa tương lai đang tồn tại một số vướng mắc, bất cập cần kịp thời tháo gỡ.

TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ THÚC ĐẨY LĨNH VỰC MUA BÁN HÀNG HÓA QUA SỞ GIAO DỊCH PHÁT TRIỂN CHUYÊN NGHIỆP

Toàn cảnh Hội thảo 

Vừa qua, tại hội thảo “Hoàn thiện pháp luật bảo đảm sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tương lai trong bối cảnh cam kết của Việt Nam theo các Hiệp định EVFTA VÀ CPTPP” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức (ngày 4/4), bức tranh tổng quan về hiện trạng vận hành cũng như những thách thức đặt ra đối với thị trường giao dịch hàng hóa tương lai đã được các chuyên gia phân tích, làm rõ.

Theo TS. Phạm Đình Thưởng, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Công thương, vì vai trò quan trọng của sở giao dịch đối với thương mại và nền kinh tế, nhiều nước đã có chính sách phát triển các sở giao dịch từ rất sớm. Đến nay, trên thế giới có gần 100 sở giao dịch hàng hoá phái sinh, cả ở các nước phát triển và đang phát triển, trong đó Châu Á có đến hơn 30 sở giao dịch. Trên cơ sở các nghiên cứu và đề xuất của các chuyên gia kinh tế, trong những năm 2003 – 2005, Bộ Thương mại đã đề xuất Chính phủ đưa các quy định về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch vào Luật Thương mại sửa đổi (Luật Thương mại 2005).

Mặc dù từ những năm 2000, hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch được các doanh nghiệp thực hiện rất nhiều nhưng chủ yếu thông qua các ngân hàng thương mại. Đến năm 2010, mới có một sở giao dịch được cấp phép (Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam - VNX).

Đến năm 2018, Bộ Công Thương đề xuất và Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2006/NĐ-CP, trong đó sửa đổi một số quy định không phù hợp và bổ sung quy định mới nhằm thúc đẩy phát triển thị trường. Nhờ có một số quy định mới của Nghị định 51/2018/NĐ-CP, số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia trên thị trường này đã tăng lên. Tuy nhiên, quy mô thị trường mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá còn rất nhỏ.

Cũng theoTS. Phạm Đình Thưởng, mặc dù được gọi là “sở giao dịch hàng hoá” nhưng Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) – sở giao dịch duy nhất hiện nay đang hoạt động, không phải là một sở giao dịch hàng hoá thực sự. Vì MXV chưa có sản phẩm nào được niêm yết. Trên thực tế, MXV hoạt động trên cơ sở liên thông với các sở giao dịch nước ngoài thông qua các thành viên của các sở giao dịch và vận hành là một môi giới của thành viên sở giao dịch nước ngoài (chưa được là thành viên của một sở giao dịch ở nước ngoài).

Để xây dựng được một sản phẩm niêm yết được trên sở giao dịch, cần rất nhiều điều kiện, bao gồm điều kiện về khối lượng giao dịch thương mại, khả năng tiêu chuẩn hoá sản phẩm, tính thanh khoản của thị trường và năng lực vận hành của sở giao dịch. Việt Nam có nhiều sản phẩm có thế mạnh trên thị trường quốc tế, về mặt lý thuyết là có khả năng xây dựng sở giao dịch của riêng mình cho các sản phẩm đó. Tuy nhiên, quá trình này không đơn giản, cần phải trải qua những giai đoạn phát triển thị trường hàng hoá tương lai đến khi chín muồi mới có thể xây dựng được.

Phân tích về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, đây là thị trường có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Sự vận hành thị trường tạo điều kiện để thực hiện giá trị, phân bổ nguồn lực, thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới sáng tạo. Sự vận hành thị trường này góp phần phát huy các loại tiềm năng thị trường, kết nối thị trường trong nước với quốc tế nhất là các sở giao dịch hàng hóa quốc tế.

Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, với mục tiêu chiến lược đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao năm 2030, tác động của các thị trường cần được huy động trong đó có thị trường giao dịch hàng hóa tương lai. Việt Nam có khả năng cung ứng lượng hàng hóa lớn theo các loại của các sở giao dịch hàng hóa quốc tế cho nên có thể có khả năng thu hút sự quan tâm quốc tế và sở giao dịch hàng hóa Việt Nam có có vị thế xứng đáng trong khu vực nếu tổ chức thị trường hiệu quả. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra không nhỏ.

Một trong những thách thức được PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng chỉ rõ là, thách thức trong huy động cao nhất nguồn lực trong nền kinh tế thông qua tín hiệu của thị trường sở giao dịch hàng hóa. Các nguồn lực này gắn việc tổ chức nguồn hàng ổn định, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn các sàn giao dịch để có thể cung ứng hàng theo các hợp động giao hàng thật. Đồng thời, cần tham gia hiệu quả thị trường để nhập khẩu hàng từ đối tác có giá cả cạnh tranh và cần vận dụng chính xác, chuyên nghiệp kỹ thuật thị trường để thu lợi từ các sản phẩm phái sinh, kỹ thuật dự báo thị trường để cải thiện thu nhập hợp lý.

Từ thực tiễn hoạt động, Ths. Vũ Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết, từ thời điểm được cấp giấy phép thành lập năm 2010 đến nay, hoạt động Sở Giao dịch hàng hóa (MXV) chưa được quy định mã ngành, nghề kinh tế riêng, cụ thể theo các văn bản quy phạm pháp luật tương ứng (Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam ngày 23/01/2007 hay Quyết định 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ngày 06/7/2018). Do đó, dẫn đến thực trạng trong nhiều năm qua, MXV cũng như các Thành viên của Sở thường được hướng đến kê khai dưới mã ngành 4610: Đại lý, môi giới, đấu giá hàng hóa để tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình. Việc sử dụng mã ngành 4610 không đúng với bản chất hoạt động kinh doanh làm phát sinh 1 số tồn tại và có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn ở nhiều mặt.

Ngoài ra, cũng còn có một số bất cập khác như: Mức xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH chưa tương xứng với quy mô hoạt động hiện nay của thị trường; Chính sách về chế độ thuế, phí, lệ phí cho các thành phần tham gia giao dịch, mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính chưa được thật sự rõ ràng và hỗ trợ phát triển của thị trường tại Việt Nam.

Trên cơ sở đánh giá, phân tích rõ hiện trạng, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp, khuyến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật bảo đảm sự phát triển bền vững, minh bạch và chuyên nghiệp của thị trường giao dịch hàng hóa tương lai./.

Lê Anh