DOANH NGHIỆP VIỄN THÔNG SỞ HỮU HẠ TẦNG DÙNG CHUNG THAY ĐỔI ĐƠN GIÁ CHO THUÊ CẦN PHẢI ĐƯỢC SỰ PHÊ DUYỆT CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

28/03/2023

Đóng góp vào dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), một số đơn vị viễn thông đề nghị cần có quy trình phê duyệt của cơ quan quản lý Nhà nước khi doanh nghiệp sở hữu hạ tầng dùng chung thay đổi đơn giá cho thuê (theo hướng tăng so với đơn giá hiện tại). Theo đó, doanh nghiệp thay đổi đơn giá cho thuê phải được sự phê duyệt của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, có quyết định phê duyệt bằng văn bản về đơn giá cho thuê mới thì mới được áp dụng.

DỰ THẢO LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI): CÂN NHẮC MỞ RỘNG PHẠM VI ÁP DỤNG ĐỂ ĐIỀU CHỈNH CÁC DỊCH VỤ KHÔNG PHẢI LÀ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG

DỰ KIẾN TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT, CHO Ý KIẾN VÀO DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI) TẠI KỲ HỌP THỨ 5 TỚI

Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 11 chương, 79 điều dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới. Một trong những điểm mới, nội dung đáng chú ý được đề cập trong dự thảo Luật là việc quản lý công trình viễn thông đã bổ sung thêm quy định về việc cơ quan quản lý Nhà nước quản lý đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động dùng chung; Kiểm soát, đình chỉ áp dụng giá cước viễn thông khi doanh nghiệp viễn thông áp đặt, phá giá giá cước viễn thông… Các quy định này được áp dụng cho truyền hình trả tiền, dịch vụ viễn thông nói chung

Có thể khẳng định, truyền hình, truyền hình trả tiền, dịch vụ viễn thông nói chung từ lâu trở thành xu hướng, là một phần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Ngoài chức năng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đem đến cho người dân món ăn tinh thần với nhiều thông tin cập nhật chính thống, phong phú, đa dạng thì thông qua các kênh chương trình truyền hình còn đưa ra các luận cứ khoa học để phản bác, chống lại và xoá bỏ các luận điểm sai trái, nội dung xấu, độc của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc trên mặt trận văn hoá, tư tưởng.


Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, các đơn vị cung ứng dịch vụ truyền hình trả tiền, viễn thông trên cả nước đang phải gánh chịu rất nhiều loại chi phí ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh. Ví dụ như việc phải đầu tư công nghệ mới theo kịp xu thế thời đại, thường xuyên cải tạo, nâng cấp hạ tầng mạng viễn thông, chi phí bản quyền các kênh truyền hình; nội dung chương trình trong và ngoài nước không ngừng tăng cao. Chi phí cho công tác biên tập, biên dịch, kiểm duyệt nội dung hầu hết các kênh nước ngoài theo quy định Luật Báo chí (hơn 40 kênh) với thời lượng 24/24 mỗi ngày; chi phí thiết bị truyền dẫn miễn phí phục vụ cho việc phát 21 kênh thiết yếu quốc gia, phí viễn thông, phí truyền hình trả tiền, phí thuê trụ điện… Đặc biệt là sự cạnh tranh trên lĩnh vực truyền hình – viễn thông ngày càng khốc liệt, nhất là vài năm trở lại đây có thêm sự xuất hiện nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, phim ảnh trên nền tảng OTT xuyên biên giới từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam như Netflix, Iflix, Amazon, … đã trực tiếp gây ảnh hưởng nặng nề, làm sụt giảm mạnh đến doanh thu của các đơn vị truyền hình trả tiền, viễn thông trong nước.

Theo Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật là một chính sách đang được Nhà nước khuyến khích nhằm tránh việc các đơn vị thi công rải rác, không đồng bộ, ảnh hưởng đến quy hoạch chung. Đồng thời, pháp luật viễn thông luôn khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ cơ sở hạ tầng “nhằm bảo đảm thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông hiệu quả, thuận lợi, nhanh chóng hoặc bảo đảm yêu cầu về cảnh quan, môi trường và quy hoạch đô thị” (theo khoản 1 Điều 45 Luật Viễn thông năm 2009). Đây cũng là mục tiêu chính khi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng công trình ngầm xã hội hóa.

Do vậy, theo Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung cần phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, địa phương vì nếu đơn giá này quá cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp đang và sẽ thuê hạ tầng kỹ thuật dùng chung. Từ đó, gây tác động tiêu cực đến việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu quốc gia như truyền hình, viễn thông và đến người dân tại những địa phương đó. Hiện tại, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền, viễn thông đều đồng thuận cam kết đầu tư ngầm hoá hạ tầng kỹ thuật dùng chung để có thể trao đổi, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm, tránh bị đẩy giá quá cao, đột ngột gây khủng hoảng không đáng có, cũng như tránh tình trạng “độc quyền” có thể xảy ra nếu giá cho thuê quá cao và không đơn vị nào theo nổi.


Người dân có nhiều cơ hội lựa chọn dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền (ảnh minh họa: Internet).

Theo Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày 30/12/2013 về hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, tại khoản 1, Điều 6 quy định “Tổ chức, cá nhân căn cứ quy định tại Điều 3 và phương pháp xác định giá thuê tại Thông tư liên tịch này để định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung do mình đầu tư (ngoài nguồn ngân sách nhà nước) và thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng” và tại khoản 3, Điều 8 “Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung do tổ chức, cá nhân định giá thì niêm yết giá thuê do tổ chức, cá nhân đã thông báo đăng ký giá thuê với cơ quan có thẩm quyền gắn với chất lượng, thông số kinh tế - kỹ thuật chủ yếu, điều kiện áp dụng giá và không được cho thuê cao hơn giá đã niêm yết”. Theo đó, các bên liên quan có thể thỏa thuận đơn giá thuê, đảm bảo phù hợp nhu cầu, thỏa thuận của các bên, phù hợp với quy định pháp luật liên quan, tránh tình trạng độc quyền trong cho thuê hạ tầng kỹ thuật dùng chung, ảnh hưởng đến sự tồn vong của một doanh nghiệp.

Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam kiến nghị tại Điều 67 của Luật Viễn thông (sửa đổi) đề cập Quản lý công trình viễn thông đã bổ sung thêm quy định về việc cơ quan quản lý Nhà nước quản lý đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động dùng chung. Theo đó, quy trình phê duyệt của cơ quan quản lý Nhà nước khi doanh nghiệp sở hữu hạ tầng dùng chung thay đổi đơn giá cho thuê (theo hướng tăng so với đơn giá hiện tại) thì phải được sự phê duyệt của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, có quyết định phê duyệt bằng văn bản về đơn giá cho thuê mới thì mới được áp dụng. Trong thời gian chờ phê duyệt đơn giá cho thuê mới thì đơn giá hiện hữu vẫn được áp dụng. Bởi hiện tại, các quy định pháp luật và Thông tư Liên tịch: 210/2013/TTLT – BTC-BXD-BTTTT chưa quy định rõ ràng về vấn đề quản lý của cơ quan nhà nước khi một doanh nghiệp sở hữu hạ tầng kỹ thuật dùng chung thay đổi đơn giá cho thuê, dẫn đến có sự tranh chấp giữa các doanh nghiệp về đơn giá.


Bà Lưu Hương Ly, Phó Trưởng phòng, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp.

Liên quan đến giá cước viễn thông, bà Lưu Hương Ly, Phó Trưởng phòng, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp nêu quan điểm: Điểm đ khoản 1 Điều 60 dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm “Kiểm soát, đình chỉ áp dụng giá cước viễn thông khi doanh nghiệp viễn thông áp đặt, phá giá giá cước viễn thông gây mất ổn định thị trường viễn thông, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông khác và Nhà nước”; đồng thời, điểm a khoản 2 Điều này quy định doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm “Không được áp đặt, phá giá giá cước viễn thông gây mất ổn định thị trường, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, của doanh nghiệp viễn thông khác và của Nhà nước”.

Theo bà Lưu Hương Ly, các quy định trên tạo ra nghĩa vụ không rõ ràng và cũng không hợp lý cho doanh nghiệp viễn thông, cần hiểu thế nào là hành vi “áp đặt, phá giá giá cước viễn thông gây mất ổn định thị trường, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, của doanh nghiệp viễn thông khác và của Nhà nước”? Có thể hiểu đây là hành vi định giá quá cao hoặc định giá quá thấp. Trong một thị trường viễn thông cạnh tranh, về nguyên tắc, hành vi định giá quá cao hoặc định giá quá thấp của doanh nghiệp viễn thông cũng không ảnh hưởng tới cạnh tranh trên thị trường hay mất ổn định thị trường, trừ trường hợp doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền.

Trong khi đó, Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018 cũng đã có quy định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm, trong đó có hành vi “Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh” và “Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng”. Vì vậy, theo bà Lưu Hương Ly, các quy định tại điểm đ khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 60 dự thảo Luật là không cần thiết, chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nên đề nghị thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành./.

Bích Lan