CẦN NÂNG MỨC XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI GIẾT MỔ, SĂN BẮN, TIÊU THỤ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ
Quang cảnh Tọa đàm
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh và Quyền Trưởng Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Quang Tùng đồng chủ trì tọa đàm.
Dự tọa đàm có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy; Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng đại diện các cơ quan hữu quan.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, là nơi cư trú của một số loài động, thực vật hoang dã thuộc nhóm tiêu biểu và nguy cấp, quý hiếm trong Sách đỏ thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia sớm tham gia các Công ước và hợp tác quốc tế về bảo tồn, bảo vệ động, thực vật hoang dã.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu
Nhận thức về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và vai trò của các loài động, thực vật hoang dã, đồng thời thực hiện cam kết quốc tế, trong thời gian qua, Việt Nam luôn quan tâm đến bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, triển khai nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả. Bên cạnh đó, từng bước nội luật hóa và ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng tính đa dạng sinh học có biểu hiện suy giảm, số loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng, cần được bảo vệ ngày càng nhiều. Những hạn chế của văn bản pháp luật và sự chồng chéo, vướng mắc giữa các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và về cơ quan quản lý chuyên ngành… cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ, quản lý động, thực vật hoang dã.
Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp Michelle Owen
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp Michelle Owen cho biết, Dự án hướng tới những nỗ lực toàn diện, mang tính hệ thống và có tác động mạnh mẽ nhằm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật. Đồng thời tin tưởng sự tham gia và hành động của Quốc hội là công cụ mạnh mẽ nhất thu hút sự chú ý của công chúng đối với vấn đề buôn bán và tiêu thụ trái pháp luật động vật hoang dã. Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp cũng bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ của Quốc hội, qua đó mong muốn các giải pháp, sáng kiến các đại biểu đề xuất tại tọa đàm sẽ được triển khai thực tế
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo tồn, quản lý động thực vật hoang dã và công tác tuyên truyền nhằm giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã; đưa ra định hướng tuyên truyền về công tác bảo tồn, quản lý động thực vật hoang dã; bàn về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật bảo vệ động, thực vật hoang dã; vai trò của ngành y tế trong công tác tuyên truyền về thực chất hiệu quả sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã.
Ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Giám đốc ban quản lý trung ương dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp tại Tọa đàm
Phản ánh thực tiễn công tác tuyên truyền bảo vệ, bảo tồn động vật, thực vật hoang dã, TS.Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cho biết, nhiều chiến dịch tuyên truyền, giảm cầu tiêu thụ động vật hoang dã đã được thực hiện, cùng với đó là những khảo sát về nhu cầu sử dụng sản phẩm động vật hoang dã, tập trung vào những loài nguy cấp, quý, hiếm như voi, hổ, tê giác, tê tê; huy động, thu hút sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế trong việc tuyên truyền bảo vệ động thực vật hoang dã.
Tuy nhiên, theo TS.Vương Tiến Mạnh, việc thực hiện các quy định của pháp luật còn gặp khó khăn, thách thức do có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành gây lãng phí nguồn lực. Các văn bản pháp luật khá đầy đủ nhưng còn chưa đồng bộ, một số hành vi xã hội mới phát sinh, chưa được điều chỉnh. Hợp tác liên ngành, đặc biệt trong chia sẻ thông tin, thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức, giảm cầu còn thiếu cơ chế điều phối. Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ đông vật hoang dã, nâng cao nhận thức còn hạn chế, nguồn lực quốc tế đầu tư dàn trải, thiếu cơ chế điều phối.
TS.Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam
Các đại biểu cho rằng, các bộ, ngành cần thực thi đầy đủ Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật. Tăng cường hợp tác trong đào tạo, nâng cao năng lực các cơ quan thực thi pháp luật trong vấn đề kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, đưa giáo dục bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiểm vào giảng dạy ở chương trình phổ thông…
Tham gia ý kiến về công tác tuyên truyền việc quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Tự Nam cho rằng công tác này còn chưa đồng bộ, toàn diện, thường xuyên, còn vướng mắc ở vấn đề truyền tải nội dung chuyên sâu, kinh phí thực hiện.
Các đại biểu tại Tọa đàm
Do vậy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, Nhà nước cần có kế hoạch phân bổ ngân sách ở mức thỏa đáng cho công tác tuyên truyền quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Cần phổ biến rộng rãi và có kế hoạch kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện Hướng dẫn số 13-HD/BTGTW về tăng cường tuyên truyền việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.
Từ thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm về bảo vệ các loài hoang dã, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, công tác này còn gặp khó khăn trong áp dụng văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách; trong dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, cần thường xuyên thực hiện công tác nắm tình hình để nhận diện các tuyến, địa bàn trọng điểm về buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, đặc biệt chú trọng đến địa bàn có đường biên giới, cửa khẩu, cảng biển.
Cùng với đó, cần triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện đường dây, tổ chức tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã liên tỉnh, xuyên quốc gia. Phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân để nắm bắt thông tin về hoạt động mua bán, nuôi nhốt, săn bắt trái phép động vật hoang dã. Tích cực tiếp nhận, giải quyết nguồn tin, đơn thư phản ánh, giải quyết nhanh các “điểm nóng” về buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, kiên quyết đưa ra xử lý vi phạm để có tính răn đe với toàn xã hội.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao những ý kiến sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh các ý kiến này đã đánh giá chi tiết về khung pháp lý liên quan đến bảo vệ động, thực vật hoang dã, qua đó xác định các vấn đề chủ yếu, đề xuất giải pháp kiện toàn công tác bảo vệ động vật hoang dã trong nước.
Khẳng định Quốc hội có vai trò lớn trong việc đấu tranh, phòng chống buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu cho biết, các sáng kiến nêu tại Tọa đàm sẽ được tiếp thu đầy đủ, làm nền tảng cho các công tác bảo vệ động, thực vật hoang dã trong thời gian tới, hướng đến xây dựng xã hội có lối sống trách nhiệm, tuân thủ pháp luật và phát triển bền vững.