SỬA ĐỔI LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG: “CHÌA KHÓA” TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG TIẾP CẬN TÍN DỤNG CHO NỀN KINH TẾ

23/03/2023

Tại phiên họp thứ 21 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này là cơ hội, “chìa khóa” để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho cả nền kinh tế.

UBTVQH CHO Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2023

Bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân

Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XII thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2011, đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Các quy định của Luật đã chứng minh được sự phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu quản lý và định hướng cho hoạt động, phát triển các tổ chức tín dụng trong một thời kỳ khá dài, góp phần tạo sự ổn định về môi trường pháp lý cho hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Các tổ chức tín dụng đã bộc lộ những hạn chế nhất định và chưa đảm bảo đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, cần thiết xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực ngày 31/12/2023, chỉnh sửa, hoàn thiện, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long 

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được xây dựng với các chính sách: Hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng; Hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân; Hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…

Tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng, 06 chính sách được đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tương thích trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, đây là dự án Luật khó, phức tạp, liên quan đến nhiều luật và nhiều cam kết quốc tế, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với các cam kết quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tại phiên họp

Bàn về chính sách hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cơ quan soạn thảo đã đề xuất nhiều giải pháp để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến nội dung này. Tuy nhiên, một số vấn đề tồn tại, vướng mắc đã được chỉ ra tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật nhưng chưa được nghiên cứu để đề xuất sửa đổi; chưa có giải pháp để giải quyết được căn nguyên cốt lõi của một số tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo tổng kết.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, đối với các hoạt động mới như giao đại lý ngân hàng hoặc dịch vụ ngân quỹ, cần phải phân tích thêm về kinh nghiệm quốc tế; đánh giá tổng thể về chủ thể, đối tượng triển khai, khả năng quản trị rủi ro của tổ chức tín dụng, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và tác động khi triển khai.

Các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát các quy định nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, như quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, giới hạn cấp tín dụng, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn....; tăng cường các quy định về phòng ngừa rủi ro, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, xử lý các tình huống phát sinh ảnh hưởng lớn đến thanh khoản của tổ chức tín dụng và của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với các hoạt động mới như giao đại lý ngân hàng hoặc dịch vụ ngân quỹ, cần phải phân tích thêm về kinh nghiệm quốc tế; đánh giá tổng thể về chủ thể, đối tượng triển khai, khả năng quản trị rủi ro của tổ chức tín dụng, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và tác động khi triển khai.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát các quy định nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, như quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, giới hạn cấp tín dụng, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn....; tăng cường các quy định về phòng ngừa rủi ro, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng; xử lý các tình huống phát sinh ảnh hưởng lớn đến thanh khoản của tổ chức tín dụng và của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho cả nền kinh tế

Quan tâm đến dự án luật này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, trong các phần xác định vấn đề bất cập, bối cảnh và mục tiêu xây dựng chính sách chưa đề cập đến vấn đề tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này là cơ hội để cải thiện mạnh mẽ khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung về thực trạng, quan điểm và mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật.

TS. Đậu Anh Tuấn, Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Bày tỏ quan tâm đến nội dung nảo vệ quyền lợi của khách hàng khi ngừng giao dịch trực tuyến trong dự án Luật, TS. Đậu Anh Tuấn, Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Điều 10.5 của Dự thảo quy định về việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi TCTD dừng giao dịch. Tuy nhiên, dường như quy định này mới chỉ áp dụng cho hình thức giao dịch trực tiếp. Trong khi đó, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều đã có hình thức giao dịch trực tiếp qua website hoặc các ứng dụng điện thoại.

Theo TS.Đậu Anh Tuấn, việc dừng giao dịch trực tuyến tiềm ẩn một số rủi ro. Trong trường hợp ngân hàng dừng giao dịch trực tuyến kèm với một số tin tức tiêu cực về ngân hàng đó có thể dẫn đến việc người dân lo lắng và rút tiền hàng loạt như đã từng diễn ra với trường hợp của ngân hàng SCB cuối năm 2022. Do đó, quy định về dừng giao dịch trực tuyến cần được nghiên cứu và thiết kế một cách thận trọng.

Cùng quan tâm đến dự án Luật, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch Bảo đảm (NRAST) cho rằng, những nội dung trong dự thảo Luật cần tiếp tục được xem xét hoàn thiện hơn, nhất là khi việc pháp điển hóa Nghị quyết 42 vào trong Luật Các tổ chức tín dụng sẽ làm mất đi “đặc quyền ưu tiên” áp dụng quy định tại Điều 17, Nghị quyết 42. Việc áp dụng quy định đã được đưa vào tại Luật Các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Luật Ban hành văn bản pháp luật và Điều 4 của Bộ luật Dân sự. Do đó, cần rà soát kỹ để tránh có những khoảng trống pháp lý trong xử lý các vấn đề thuộc hoạt động ngân hàng nói chung, xử lý nợ xấu nói riêng.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch Bảo đảm

Cùng với đó, nhiều chuyên gia cũng góp ý, thuật ngữ “hoạt động ngân hàng” và “cho vay” tại khoản 12 và khoản 16, Điều 4 Dự thảo Luật còn chưa bao quát được dạng thức cấp tín dụng, bao gồm cấp tín dụng có áp dụng biện pháp bảo đảm và cấp tín dụng không áp dụng biện pháp bảo đảm. Việc giải thích “cho vay” bó hẹp “trong một thời hạn nhất định” và “với nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi” là chưa bao quát và đang tạo rào cản pháp lý đối với nghĩa vụ trong tương lai và việc thanh toán nợ thông qua việc xử lý tài sản bảo đảm.

Đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, Giáo sư Andrew Godwin, Cố vấn Ngân hàng Thế giới cho rằng, mục tiêu của việc sửa đổi luật là nhằm định rõ quyền hạn để tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của các cơ quan quản lý, bao gồm cả ngân hàng trung ương, duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, bảo vệ người gửi tiền trong phạm vi cơ chế bảo hiểm tiền gửi và ưu tiên người gửi tiền, giảm thiểu các rủi ro tài chính công.

Các chuyên gia cho rằng, những yếu tố chính để các ngân hàng trung ương thực hiện hiệu quả quyền hạn của mình là sự độc lập về hoạt động, trách nhiệm giải trình, nguồn lực và sự bảo vệ về mặt pháp lý đối với bộ phận giám sát, từ đó, Ngân hàng Nhà nước cần tận dụng tốt sự độc lập về hoạt động trong thực thi các thẩm quyền giải quyết.

Minh Hùng

Các bài viết khác