ĐỂ NHÀ Ở ĐẾN ĐƯỢC VỚI CÔNG NHÂN, LAO ĐỘNG THU NHẬP THẤP: CẦN QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM VÀ TẠO ĐIỀU KIỆN CHO CHỦ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

22/03/2023

Giải quyết nhà ở cho công nhân, lao động thu nhập thấp là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới. Đóng góp vào vấn đề này, nhiều chuyên gia nêu quan điểm, cần quy định rõ trách nhiệm và tạo điều kiện cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho các đối tượng trên…

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI): KHÔNG TÁN THÀNH QUY ĐỊNH SỞ HỮU NHÀ CHUNG CƯ CÓ THỜI HẠN

Trong những năm qua, mặc dù Đảng và Chính phủ đã có nhiều quyết sách thiết thực hỗ trợ người lao động nhưng trên thực tế, công nhân, lao động thu nhập thấp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn gặp muôn vàn khó khăn, vất vả khi đối mặt với nhu cầu về nhà ở và các nhu cầu tối thiểu để ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất. Từ nhu cầu cấp thiết này, trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 232 điều sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới đã dành một số chương, điều khoản để đề cập đến nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Hiện nay, nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp được thiết kế theo tư duy của chủ đầu tư dự án, không khảo sát ý kiến của những người có nhu cầu, làm cho những nhà ở này không phù hợp với nhu cầu của đối tượng sử dụng nhà ở đó. Vì vậy, công nhân vẫn hay lựa chọn thuê nhà do dân xây dựng tạm tại địa phương để cho thuê.


Nhà ở cho công nhân, lao động thu nhập thấp là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới (ảnh minh họa: Internet).

Để giải quyết bất cập trên và triển khai có hiệu quả nhà ở cũng như các chính sách ưu đãi  cho công nhân, lao động có thu nhập thấp, GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm: Đối với việc xây dựng các không gian lưu trú cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ ra các đơn vị đầu tư, đất đai gắn với hạ tầng khu công nghiệp. Ở đây, cần quy định cụ thể về trách nhiệm ai lo tài chính, ai làm chủ đầu tư, ai tìm kiếm đất đai. Nếu không quy định thành trách nhiệm thì sẽ không có ai thực hiện cả.

GS.TS Đặng Hùng Võ cũng bày tỏ lưu ý rằng, Luật Doanh nghiệp có quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Phát triển nhà lưu trú cho công nhân là một trách nhiệm xã hội. Ở các nước công nghiệp, người ta còn quy định về “đầu tư có trách nhiệm”.

Cũng về nhà lưu trú cho công nhân làm tại các khu công nghiệp, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, những quy định trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn dựa trên tư duy cũ về khu công nghiệp.

Ngày 22/5/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó đã đưa ra cơ chế khuyến khích xây dựng các tổ hợp đô thị - công nghiệp - dịch vụ. Nhà ở xã hội cho công nhân lúc này gắn với đô thị tích hợp với khu công nghiệp. Như vậy, dạng nhà ở xã hội cho công nhân không chỉ để lưu trú mà ở nhiều dạng phong phú hơn.

Ngày 28/5/2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó cho phép điều chỉnh đất khu công nghiệp thành đất phát triển nhà ở.


GS.TS Đặng Hùng Võ- nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đề cập về chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, PGS.TS Nguyễn Thị Nga- Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội không phải bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật này được hưởng các ưu đãi: Được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất ở (bao gồm và phần diện tích đất ở được ưu đãi theo quy định tại khoản 3 Điều này) của dự án, trừ phần diện tích đất dành xây dựng các công trình nhằm mục đích kinh doanh theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, khi chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội không phải bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất đã được Luật xác định cụ thể.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Nga, quy định này trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa thật sự hợp lý, chưa khuyến khích sự phát triển của nhà ở xã hội. Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành hay dự án Luật đất (sửa đổi) đai đang lấy ý kiến hiện nay, đối với tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Như vậy, chủ đầu tư sau khi hoàn thành dự án nhà ở xã hội được giao đất không thu tiền thì sẽ không có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất; đồng nghĩa với việc… không được bán nhà ở (gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất). Với phương án hiện nay, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ có thể xây dựng nhà ở xã hội để… cho thuê mà không được cho thuê mua hay bán sản phẩm. Điều này phần nào hạn chế tiếp cận để sở hữu nhà ở xã hội cho các đối tượng có nhu cầu, đặc biệt là công nhân, người lao động thu nhập thấp ở các khu chung cư.


PGS.TS Nguyễn Thị Nga- Trường Đại học Luật Hà Nội.

Trong việc xây dựng nhà ở cho người lao động đang làm việc tại các khu Công nghệ cao, ông Lê Cao Tuấn -Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng khẳng định, đây là vấn đề mới cần thiết kế chính sách riêng cho các đối tượng này. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ở cho lao động trong khu Công nghệ cao của Tp.HCM, ông Lê Cao Tuấn nhận thấy phát sinh vấn đề như: Theo quy định hiện hành, đối tượng được mua nhà ở xã hội là đối tương có thu nhập chưa phải đóng thuế thu nhập cá nhân (dưới 11 triệu đồng). Thực tế, trong khu Công nghệ cao có rất nhiều lao động là kỹ sư có thu nhập trên 11 triệu đồng. Đây là đối tượng cần quan tâm "giữ chân" làm việc trong khu công nghệ cao.

Tuy nhiên, chiểu theo quy định hiện hành thì họ không được mua nhà ở xã hôi và nếu bán cho đối tượng đủ điều kiện thì sai chủ trương trong quy hoạch là khu nhà ở cho lao động của Khu Công nghệ cao. Theo ông Lê Cao Tuấn, trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, các khu công nghệ cao sẽ phát triển vì vậy cần bổ sung chính sách nhà ở cho lao động Khu Công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ những ý kiến đóng góp xây dựng nhà ở cho lao động, công nhân tại các khu công nghiệp, các lãnh đạo, chuyên gia kỳ vọng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới sẽ có những thay đổi căn bản để khơi thông nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện, chính sách thuận lợi cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng như lao động, công nhân được tiếp cận với nhà ở./.

Bích Lan