CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: TRỌNG TÂM LÀ PHỤC HỒI VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC
Toàn cảnh phiên họp
Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012 tại Kỳ họp thứ 3, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đến nay. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Tại Phiên họp thứ 21, Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 88 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương; trong đó giữ nguyên 10 điều; sửa đổi, bổ sung 62 điều; bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 08 điều. Về phạm vi điều chỉnh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Về cơ bản, phạm vi điều chỉnh được giữ nguyên như Luật hiện hành, chỉ bổ sung thêm quy định về phát triển tài nguyên nước.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật xác định nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 3 giải thích khái niệm tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Với những quy định trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật băn khoăn về việc không biết nước biển và nước dưới đất ở đáy biển không thuộc vùng tiếp giáp lãnh hải có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hay không? Theo đó, khoản 2 Điều 1 chỉ quy định nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa thì không thuộc phạm vi điều chỉnh; nước thuộc vùng tiếp giáp nước biển và nước dưới đáy biển thuộc vùng tiếp giáp lãnh hải không điều chỉnh. Mặt khác, khái niệm tài nguyên nước chỉ giải thích tài nguyên nước thuộc lãnh thổ, còn vùng tiếp giáp lãnh hải dự thảo Luật vẫn chưa quy định về vấn đề này.
Bên cạnh đó, Luật Khoáng sản đã điều chỉnh đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; Luật Biển Việt Nam quy định có tính nguyên tắc về việc Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền, việc thăm dò, khai thác, quản lý, bảo tồn tài nguyên thuộc vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy nhiên, trong quan điểm xây dựng luật cũng xác định Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) phải tích hợp các quy định liên quan đến quản lý nguồn nước khai thác, sử dụng, cấp nước. Từ phân tích trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần tiếp tục làm rõ, phân định rõ hơn phạm vi điều chỉnh với các luật khác có liên quan để đảm bảo không chồng chéo và phù hợp với quan điểm xây dựng luật.
Đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, qua thực tiễn hơn 10 năm thi hành luật, hệ thống pháp luật đã có nhiều sự thay đổi, đặc biệt là các Nghị quyết của Đảng và Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi luật. Đồng thời nhận thấy, các quy định trong dự thảo Luật đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, đảm bảo khả thi.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cơ bản tán thành với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm quản lý toàn diện các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị thay đổi tên luật thành Luật Quản lý nguồn nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên tên mà Chính phủ trình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trên thực tế, Luật Tài nguyên nước cũng điều chỉnh cả nước dưới mặt đất, chỉ có nước dưới mặt đất ngoài biển ở khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì không điều chỉnh. Tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật quy định “nước dưới đất, nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa,.., nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này”. Nhận thấy nếu quy định như này sẽ dễ bị hiểu nhầm là nước ngầm không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên chăng quy định là “nước bao gồm nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,…,thì không thuộc quyền điều chỉnh của luật này”. Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần cân nhắc về kỹ thuật lập pháp để có quy định rõ hơn.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước. Đặc biệt, bổ sung, thể chế hóa thêm Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, tiếp tục rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trong các luật khác để sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước đảm bảo có đầy đủ các quy định về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước; quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý tài nguyên nước. Đồng thời nghiên cứu thêm quy định về nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; cần bao quát cả ba loại nước gồm nước mặn, nước lợ và nước ngọt./.