LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI): LUẬT HOÁ QUY ĐỊNH VỀ HẠN MỨC CHỈ ĐỊNH THẦU
CÂN NHẮC BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ TRƯỜNG HỢP ĐẶC THÙ CẦN CHỈ ĐỊNH THẦU
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và dự kiến, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến đối với dự thảo Luật này tại Kỳ họp họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023. Để có thêm ý kiến, đề xuất góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đạt chất lượng tốt trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp sắp tới, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội có cuộc trao đổi với Ths.LS Bùi Khắc Hanh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Ths.LS Bùi Khắc Hanh - Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội.
Phóng viên: Thưa Luật sư, qua thực tế đã cho thấy, Luật Đấu thầu hiện hành còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Luật sư có đánh giá như thế nào về việc sửa đổi luật này trong bối cảnh hiện nay?
Ths.LS Bùi Khắc Hanh - Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội: Tôi nhận thấy, Luật Đấu thầu 2013 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể:
Thứ nhất, một số quy định của Luật chưa phù hợp với thực tiễn hoặc quy định chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong lựa chọn nhà thầu.
Thứ hai, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu còn phức tạp, thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện đầu tư, mua sắm.
Thứ ba, quy định về phân cấp, phân quyền, xác định quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu trong một số trường hợp chưa đầy đủ, rõ ràng.
Thứ tư, quy định về kiểm tra, giám sát, chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ, chưa ngăn chặn được tình trạng gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu diễn biến phức tạp.
Thứ năm, một số quy định chưa bảo đảm thống nhất với các luật hiện hành khác.
Qua đó, tôi cho rằng, việc sửa đổi Luật Đấu thầu là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, bảo đảm tính công bằng giữa các nhà thầu.
Phóng viên: Việc sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị triển khai hoạt động đấu thầu. Theo Luật sư, những nội dung sửa đổi nào đáng lưu ý, cần có sự điều chỉnh kịp thời trong dự thảo Luật lần này?
Ths.LS Bùi Khắc Hanh - Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội: Luật Đấu thầu năm 2013 trong thời gian đi vào thực tiễn gặp nhiều vướng mắc bất cập, cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật và được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều, cụ thể:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu theo hướng yêu cầu công khai tất cả các thông tin trong đấu thầu.
Thứ hai, hoàn thiện quy định về tiêu chí bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “sân sau, cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Thứ ba, bổ sung quy định về cách xác định chi phí cho toàn bộ quá trình sử dụng của hàng hóa hoặc công trình xây dựng.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức mua sắm trực tiếp.
Thứ sáu, bổ sung quy định cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể.
Tôi cho rằng, về cơ bản những điểm mới, những điểm tích cực của việc sửa đổi Luật Đấu thầu lần này để "vá" những khiếm khuyết, những lỗ hổng mà luật cũ đang vướng. Chúng ta cũng hy vọng rằng những điểm mới của việc sửa đổi lần này mang tính ưu việt cho toàn bộ hoạt động đấu thầu hiện nay của nước ta.
Phóng viên: Luật sư có kiến nghị, đề xuất như thế nào đối với cơ quan soạn thảo và thẩm tra trong việc hoàn thiện dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đạt chất lượng cao để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới?
Ths.LS Bùi Khắc Hanh - Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội: Là một luật sư thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung những bất cập của Luật Đấu thầu nói chung hay bất cứ luật nào khác đều cần phải cấp thiết và kịp thời, tạo sự công công bằng, tạo sự ổn định xã hội.
Ngoài ra, tôi cũng có đề nghị với cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật mới này cần lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, quan điểm của những cơ quan đang thực tiễn áp dụng pháp luật, như: Viện kiểm sát, Toà án, Luật sư... Để từ đó có cái nhìn tổng thể giải quyết dứt điểm những bất cập vướng mắc khi áp dụng.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!