CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO: SẼ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN ÁN LỆ THÔNG QUA CÁC HÌNH THỨC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

20/03/2023

Tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề chất vấn đối liên quan đến việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử. Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải trình, làm rõ các nội dung liên quan đến vấn đề này.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 20/3: CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN ĐỐI VỚI NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC TÒA ÁN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 21 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Số lượng án lệ quá ít ỏi

Tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phản ánh số lượng án lệ hiện nay đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua và ban hành là 63 án lệ. Đại biểu cho rằng, đây là một con số quá ít ỏi so với số lượng trên 2,4 triệu vụ án đã được giải quyết tính đến năm 2018 theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra trong bối cảnh xã hội phát triển, hội nhập, số hóa, phát sinh nhiều tranh chấp và tình tiết mới trong xét xử, giải quyết các vụ việc mà chưa được các quy định pháp luật điều chỉnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình làm rõ những giải pháp để phát triển án lệ trong thời gian tới, cũng như giải pháp để gia tăng số lượng án lệ, làm cơ sở cho việc giải quyết các vụ việc tương tự, khắc phục khó khăn trong trường hợp giải quyết những vụ án chưa có điều luật áp dụng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu áp dụng trong xét xử. Do vậy, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn, liệu có nên xây dựng nhiều án lệ để áp dụng hay chỉ cần một số lượng vừa phải, nếu không sẽ bị cho rằng đang tồn tại quá nhiều những quan hệ pháp lý chưa được luật hóa? Vấn đề này cũng đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình cụ thể.

Sẽ khuyến khích phát triển án lệ thông qua các hình thức thi đua, khen thưởng

Trả lời về nội dung này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, một trong những nội dung cải cách tư pháp của nhiệm kỳ trước là Quốc hội cho phép tòa án phát triển án lệ. Lịch sử phát triển án lệ của thế giới thì đã có từ hơn 100 năm, còn chúng ta thì mới có trong một nhiệm kỳ, bắt đầu từ nhiệm kỳ trước.

Liên quan đến quan điểm về án lệ có cần hay không, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình  nhấn mạnh, cả thế giới đều cần án lệ, bởi vì luật lệ thì chỉ quy định những vấn đề chung nhất và không thể bao gồm hết tất cả các thực tiễn của cuộc sống. Luật pháp chỉ quy định những vấn đề chung còn diễn biến của cuộc sống thì rất nhiều. Chính vì nhiều như vậy nên có thể có nhận thức khác nhau cho nên rất cần phải phát triển án lệ. Khi đó án lệ được xem như một nguồn để giải thích pháp luật và bổ sung cho thực tiễn nếu như pháp luật chưa được đề cập đến và nó tạo ra một chuẩn mực pháp lý mới để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải thích, án lệ không phải là toàn bộ vụ án, chỉ là một chi tiết của vụ án thôi, ví dụ như một tòa án của Đức từ những năm 1950 đã tuyên axit là vũ khí. Toàn bộ vụ án khi đó ta không quan tâm đến ai tạt axit ai và nguyên nhân tại sao, mà chỉ quan tâm đến việc thế giới thừa nhận axit là một loại vũ khí, trong trước đây chỉ có dao, búa, súng đạn … nhưng bây giờ có thêm axit và thực tiễn hiện nay thì có thêm vũ khí sinh học và các vũ khí hóa chất khác… Như vậy, từ những năm 50, axit là vũ khí đã  trở thành án lệ chung của thế giới và nó chỉ là một chi tiết thôi nhưn nó trở thành án lệ.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Còn đối với Việt Nam chúng ta, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, chúng ta cũng có những án lệ được thế giới đánh giá là tầm cỡ, mặc dù số lượng ít nhưng được đánh giá rất cao, ví dụ như là vũ khí nguy hiểm, tấn công vào vùng nguy hiểm nhưng không chết người thì đó được coi  là tội giết người. Trong khi nhiều Tòa án xưa nay vẫn xử là tội cố ý gây thương tích. Hay ví dụ, dao đâm vào ngực, chỉ cần một ly nữa đến tim, cấp cứu kịp thì nạn nhân sống và việc sống như thế là nằm ngoài ý muốn chủ quan của nạn nhân, cho nên phải xem đó là tội giết người. Nhiều tòa án hay cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xưa nay truy tố là cố ý gây thương tích, nhưng thực chất đây là tội giết người.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, án lệ của chúng ta ít vì chúng ta là quốc gia mới có lịch sử phát triển án lệ là hơn 5 năm, từ 2017 đến nay cho nên kinh nghiệm của chúng ta chưa nhiều, bước đi phải thận trọng bởi vì nó tạo ra chuẩn mực pháp lý mới, được viện dẫn như là một nguồn luật, cho nên quy trình làm án lệ của chúng ta phải chặt chẽ. Nhiều nước trên thế giới, với vụ án giám đốc thẩm của Tòa cấp cao hay là Tòa án tối cao thì áp dụng án lệ của địa hạt pháp lý đó.

Theo quan điểm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc phát triển án lệ phải có quy trình rất chặt chẽ, nhất là khi chúng ta chưa có kinh nghiệm để phát triển án lệ. Chính vì chúng ta làm quá chặt chẽ, cho nên số lượng án lệ của chúng ta trong thời gian vừa qua khá khiêm tốn, số lượng hạn chế.

Để phát triển án lệ hơn nữa trong thời gian tới, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngành tòa án cũng đã từng bước sửa lại quy trình nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao về quy trình phát triển án lệ và đưa ra khuyến khích đối với tất cả tòa án để viết bản án thật tốt. Khi các tòa án giới thiệu một bản án trở thành án lệ thì sẽ được cân nhắc nâng lương trước thời hạn, được khen thưởng..., trở thành chỉ tiêu thi đua để chúng ta đẩy nhanh tiến độ phát triển án lệ.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngành tòa án khuyến khích và bắt đầu từ năm nay sẽ khoán cho tất cả các tòa án tỉnh trong năm 2023 này, ít nhất phải có một bản án tạo ra một chuẩn mực pháp lý mới để trở thành án lệ. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình hy vọng với cách đổi mới như vậy, trong thời gian tới số lượng án lệ của chúng ta sẽ khác hơn./.

Thu Phương