ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHẤT VẤN CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VỀ VIỆC TRIỂN KHAI PHIÊN TÒA TRỰC TUYẾN

20/03/2023

Tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình liên quan đến việc triển khai tổ chức phiên tòa trực tuyến.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 20/3: CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN ĐỐI VỚI NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC TÒA ÁN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 21 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ THU HỒI TÀI SẢN THAM NHŨNG

Đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về kết quả triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến và giải pháp khắc phục khó khăn trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến hiện nay.

Trả lời liên quan đến nội dung này, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành kế hoạch triển khai, cùng với các bộ liên quan ký thông tư liên tịch số 05 để hướng dẫn thi hành luật. Đồng thời,  tổ chức tập huấn trong phạm vi toàn quốc về xét xử trực tuyến, yêu cầu các địa phương đều có phiên tòa trực tuyến mẫu để các thẩm phán tham khảo.

Kết quả cho đến nay, “chúng tôi đã bố trí một phần trang bị hiện có cho xét xử trực tuyến, cũng đã báo cáo với Chính phủ đề án trang bị xét xử trực tuyến. Chúng ta đã xét xử hơn 5.400 vụ trực tuyến, có 647 các tòa án bao gồm 63 tỉnh và 581 cấp huyện đã có phiên tòa xét xử trực tuyến" – Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Cũng theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc xét xử trực tuyến có rất nhiều tác dụng. Một là đảm bảo cho công lý được thực thi không chậm trễ. Thứ hai những người ở vùng dịch, ở xa, những người ở nước ngoài, có bệnh có điều kiện tham gia phiên tòa mà không phải đến trực tiếp. Đặc biệt là tiết kiệm cho xã hội rất lớn, kể cả cho Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, nhất là các vụ án hình sự mà phải dẫn giải bị can, bị cáo với quãng đường dài. Hơn nữa, việc xét xử đối tượng nguy hiểm ngồi trong trại có nhiều tác dụng rất lớn

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Đề cập đến vấn đề khó khăn khi thực hiện việc xét xử trực tuyến, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tất cả các tòa án đã xét xử trực tuyến thì tận dụng các cơ sở hiện có, thậm chí có tòa án mang cả ti vi của nhà lên để xét xử. Điều kiện để tổ chức phiên tòa trực tuyến hiện nay rất hạn chế. Đặc biệt với các vụ án hình sự không phải chỉ trang bị cho tòa án mà cần có hạ tầng vật chất cho các trại giam, hiện nay các trại giam chưa có điều này.

Tham gia tranh luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nêu rõ, phiên tòa trực tuyến là một nền tảng pháp lý bước đầu cho việc triển khai thực hiện Tòa án điện tử. Tuy nhiên, việc xét xử trực tuyến là phương thức mới, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định hoặc nếu có quy định cũng chưa đầy đủ dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng trong tổ chức triển khai.

Trong khi đó, theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, để xét xử vụ án thường liên quan đến nhiều quy định pháp luật tố tụng hiện hành và có tác động đến quyền, nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Thực tế, các vụ án hành chính, dân sự chưa được tổ chức xét xử trực tuyến do các phiên tòa này thường rất phức tạp, cho nên trước khi xét xử trực tuyến thì phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi vấn đề, nhất là các quy định về hoạt động tố tụng. Vì vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nêu rõ giải pháp trong thời gian tới như thế nào để việc triển khai phiên tòa trực tuyến được đồng bộ hơn?

Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Trả lời phần tranh luận bày, Chánh án Toàn án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trên thực tế những ngày đầu triển khai phiên toà trực tuyến còn lúng túng nhưng hiện tại đã thành thục hơn. Về việc phối hợp với các cơ quan thì không phải chỉ tòa án phải cần tập huấn mà các cơ quan khác như viện kiểm sát, cơ quan điều tra cũng cần phải tập huấn để nâng cao trách nhiệm cũng như kỹ năng điều hành của phiên tòa xét xử trực tuyến.

Về tố tụng điện tử, Chánh án Toàn án nhân dân tối cao nêu rõ, Nghị quyết số 33 của Quốc hội chỉ giới hạn trong một chừng mực nhất định các vụ án cần phải đưa ra xét xử trực tuyến. Trên thực tế, các nước đã hình thành tòa án điện tử đều có bộ luật riêng là Luật Tố tụng điện tử, quy định tất cả những câu chuyện cần thiết về tố tụng điện tử.

Do đó, triển khai Nghị quyết 33 là bước đi thận trọng, từng bước triển khai phương thức tố tụng điện tử và khi hình thành nền tảng tố tụng điện tử, chuyên nghiệp thì lúc đó cần thiết phải có đạo luật về vấn đề này, Chánh án Toàn án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết./.

Thu Phương