SẼ XIN Ý KIẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH VỀ QUY ĐỊNH CHUYỂN NHƯỢNG VỐN GÓP CỦA THÀNH VIÊN HỢP TÁC XÃ

16/03/2023

Chiều 16/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo, trong đó có quy định việc chuyển nhượng góp vốn của các thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã còn nhiều ý kiến khác nhau, cần làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn... để tới đây xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Quan điểm là phối hợp tốt, lắng nghe, cầu thị, tạo sự đồng thuận, thống nhất khi trình Quốc hội.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 16/3: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định tại Điều 78 dự thảo Luật là nội dung này còn ý kiến khác nhau. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 02 phương án.

Chủ nhiệm nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo 

Phương án 1, giữ nội dung tại Điều 78 trên cơ sở dự thảo do Chính phủ trình Quốc hội và các bên đã thống nhất rà soát, thể hiện tại dự thảo Luật. Theo đó, việc cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp nhằm bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp cũng như tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn với mức vốn góp tối đa của mỗi thành viên chính thức không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã; tổng phần vốn góp tối đa của tất cả thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã. Những quy định này nhằm hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của một số tổ chức, cá nhân.

Phương án 2, giữ quy định như Luật Hợp tác xã năm 2012, theo đó không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà chỉ quy định thành viên được trả lại phần vốn góp khi ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật và Điều lệ. Quy định như vậy nhằm tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty TNHH, không phản ánh đúng bản chất của hợp tác xã là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chủ nhiệm nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế là đề nghị cân nhắc lựa chọn phương án 2, tránh việc doanh nghiệp hóa hợp tác xã. Theo đó, khi thành viên không còn nhu cầu là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì có thể xin ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chấm dứt tư cách thành viên theo quy định của Luật; trong khi đó cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện thì trở thành thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Tán thành với quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với phương án 2, theo đó giữ quy định như Luật Hợp tác xã năm 2012, không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà chỉ quy định thành viên được trả lại phần góp vốn khi ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của luật và các điều lệ. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng quy định ở phương án 2 này nhằm tránh hiện tượng mua bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty TNHH, không phản ánh đúng bản chất hợp tác xã tương trợ lẫn nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị xem xét lại quy định này và cho rằng không nên cho phép chuyển nhượng vốn.

Tổng Thư ký Quốc hội làm rõ, nếu cho phép sẽ tạo điều kiện để có thể giao dịch và có thể chuyển phần tài sản của mình thông qua hợp tác xã cho người khác. Tuy nhiên luật năm 2012 quy định không đặt vấn đề chuyển nhượng vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà chỉ quy định thành viên được trả lại vốn khi ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định. Quy định như vậy sẽ tránh hiện tượng mua bán cổ phần, góp vốn tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty TNHH và không phản ánh đúng bản chất của hợp tác xã là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về phát triển kinh tế - xã hội. Nếu quy định như trước đây, khi không có nhu cầu nữa thì xin ra khỏi hợp tác xã và được trả lại phần vốn góp. Nếu chuyển nhượng lại như doanh nghiệp. Từ đây phát sinh câu chuyện thôn tính là chắc chắn, nhất là hợp tác xã góp với nhau về đất đai để trồng cà phê, cao su…  mua dần, cuối cùng diện tích đấy lại bị thôn tính hết. Nhấn mạnh đây là vấn đề rất phức tạp, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng và có đánh giá tác động chính sách này.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đưa ra đề nghị nghiên cứu kết hợp cả 2 phương án theo nguyên tắc pháp luật quy định những khung và giao cho điều lệ, tức là có thể chuyển nhượng vốn theo quy định của pháp luật và điều lệ. Trong đó, pháp luật quy định khống chế tỷ lệ, đồng thời cũng dành cho điều lệ có quyền chuyển.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dẫn chứng, trong một số trường hợp nếu một thành viên giữ những tài sản quan trọng như thành viên có nhà tham gia thành lập hợp tác xã để hoạt động trụ sở, tiến hành giao dịch, dịch vụ ở nhà đó. Nếu thành viên đó không tham gia nữa, rút nhà ra, có thể dẫn đến tan cả hợp tác xã. Hoặc có thể có trường hợp nhà đó cho thuê hoặc chuyển cho thành viên khác.

Do đó cần có quy định chặt chẽ về thủ tục rất chặt chẽ như về công bố bao nhiêu ngày ưu tiên chuyển nhượng trong nội bộ, trong nội bộ bao nhiêu ngày không có người thì mới chuyển cho người khác, quy định tỷ lệ bao nhiêu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định  cho rằng nếu quy định được kỹ như vậy cũng tránh tình trạng lợi dụng. Vì vậy có thể thiết kế phương án 1 kết hợp với phương án 2, tức là được chuyển nhượng trong khuôn khổ pháp luật quy định và theo điều lệ và đồng thời trong trường hợp ra khỏi hợp tác xã cũng có thể được trả lại. Như vậy, vẫn kế thừa được luật hiện hành đồng thời có điểm mới giúp cho việc tồn tại hợp tác xã, mở rộng các hợp tác xã.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Thống nhất với đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ về việc chuyển nhượng vốn và có thể quy  định theo hướng kết hợp phương án 1 và phương án 2. Theo đó, vừa cho phép việc tham gia, rút ra, chuyển nhượng là quyền của các thành viên vừa phải đảm bảo nguyên tắc hoạt động quy định trong điều lệ là phải đúng tôn chỉ, bản chất của hợp tác xã, không được làm thay đổi.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, nếu cả hai bên bán và mua đều đồng ý chuyển nhượng mà vẫn đảm bảo tôn chỉ, mục tiêu thì không có lý do gì ta lại không cho. Nếu không sẽ làm hạn chế quyền tự do, tính linh hoạt cũng như là nguyên tắc mở của liên minh hợp tác xã quốc tế, đảm bảo tính tự chủ, tự quyết định của các thành viên và cũng là quyền lợi của các thành viên.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về việc chuyển nhượng góp vốn của các thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã do còn nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung có liên quan đến các điều khoản, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn, ưu, nhược điểm, tính đặc thù của Việt Nam đối với từng loại ý kiến để tới đây xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh quan điểm là phối hợp tốt, lắng nghe, cầu thị, tạo sự đồng thuận, thống nhất khi trình Quốc hội và thể hiện trên cơ sở pháp luật, điều lệ hợp tác xã và đảm bảo các nguyên tắc của hợp tác xã; đồng thời đảm bảo sự phát triển năng động, đa dạng trong tương lai.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị có thể không tách ra hai vấn đề đối lập nhau hoặc khác nhau mà có thể kết hợp để chọn một phương án tối ưu, với các nguyên tắc cơ bản và các vấn đề cụ thể trong những điều kiện nhất định nhằm tăng tính thuyết phục.

Bảo Yến

Các bài viết khác