HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 21 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo Chương trình Phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực toà án và kiểm sát sẽ diễn ra vào ngày 20/3 tới đây, tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Quan tâm tới sự kiện này, luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cho rằng, nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn đều là những vấn đề có tính xuyên suốt trong hoạt động của lĩnh vực tòa án và kiểm sát. Bày tỏ quan tâm đặc biệt tới nội dung về việc áp dụng án lệ và tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, luật sư Đặng Thành Chung kỳ vọng các Tư lệnh ngành sẽ trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm, giải đáp một cách thỏa đáng nhằm làm rõ các vấn đề đại biểu nêu; đưa ra các phương án, giải pháp cụ thể,…
Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội
Phóng viên: Tại phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực toà án và kiểm sát. Vậy, luật sư có nhận định như thế nào về nhóm vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn chất vấn?
Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn đều là những vấn đề có tính xuyên suốt trong hoạt động của lĩnh vực tòa án và kiểm sát. Đặc biệt phiên chất vấn lần này có thêm các vấn đề mới thuộc lĩnh vực tòa án nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế như phát triển án lệ và đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp như xây dựng, tổ chức phiên tòa trực tuyến. Các nhóm vấn đề này không chỉ được Quốc hội quan tâm chất vấn vì ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia; mà chính những đối tượng bị tác động, bị ảnh hưởng hay có liên quan đều theo dõi sát sao để có thể từng bước tiếp cận thông tin phục vụ cho các công việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Phóng viên: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 20/3 tới đây, từ thực tiễn hoạt động luật sư đặc biệt quan tâm tới nội dung cụ thể nào trong hoạt động của tòa án hiện nay?
Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Đối với lĩnh vực tòa án, tôi đặt sự quan tâm đến nội dung phát triển án lệ và tổ chức phiên tòa trực tuyến. Hiện nay, việc áp dụng án lệ đã và đang có ý nghĩa tích cực trong công tác xét xử và tư vấn của luật sư. Bởi lẽ, án lệ là khuôn thước mẫu mực để không chỉ các thẩm phán ưu tiên áp dụng để đối chiếu khi đưa ra phán quyết, tránh chuyện mỗi người nhìn nhận, đánh giá vấn đề một kiểu; đồng thời, áp dụng án lệ còn giúp các đơn vị khi đàm phán, soạn thảo và ký kết hợp đồng giao dịch dân sự, thương mại biết phòng tránh rủi ro. Từ đó giúp ngăn ngừa các rủi ro, tránh được chuyện dư luận xã hội cho rằng việc xét xử của tòa án là không bình đẳng.
Bên cạnh đó, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi phí và thời gian. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu quy định cụ thể điều kiện thực hiện, trang thiết bị công nghệ để người dân có thể thực sự tiếp cận xét xử trực tuyến.
Đối với lĩnh vực kiểm sát, tôi nghĩ nên chú trọng đến nội dung giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Hiện nay tội phạm diễn ra ngày càng nhiều, thủ đoạn tinh vi và phức tạp nên số lượng đơn tố giác cũng nhiều lên, rất cần sự chung tay giải quyết của cơ quan công an và kiểm sát để phát hiện và xử lý nghiêm minh tội phạm, đảm bảo quyền lợi cho người dân và đảm bảo chế độ nhà nước pháp quyền.
Phóng viên: Vậy luật sư có kỳ vọng gì từ Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với lĩnh vực tòa án và kiểm sát?
Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Với các nhóm vấn đề trong Phiên chất vấn lần này, tôi kỳ vọng các Tư lệnh ngành sẽ cung cấp thông tin một cách chính xác; trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm, giải đáp một cách thỏa đáng nhằm làm rõ các vấn đề đại biểu đặt ra; đưa ra các phương án, giải pháp đối mới tích cực, tháo gỡ vướng mắc và có trách nhiệm với những lời hứa, cam kết của mình để thực hiện trước Quốc hội và cử tri.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!