GS.TS TRẦN ĐỨC VIÊN: SỬA ĐỔI LUẬT PHẢI KHUYẾN KHÍCH, TẠO ĐỘNG LỰC VÀ NGUỒN LỰC CHO NGƯỜI NÔNG DÂN THAM GIA HỢP TÁC XÃ
LIÊN ĐOÀN HỢP TÁC XÃ: XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH HAY LUẬT HÓA TRONG DỰ THẢO LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)?
Số lượng HTX nông nghiệp phát triển nhanh về số lượng, nhưng hiệu quả hoạt động chưa như mong đợi.
GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội ban hành, số lượng Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đăng ký thành lập mới tăng lên nhanh chóng. Theo Báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, tính đến năm 2021 cả nước có 17.507 HTX nông nghiệp (chiếm 65,27% tổng số HTX), tăng 63,91% so với năm 2013; doanh thu bình quân 2,1 tỷ đồng/HTX; lãi bình quân 208 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân lao động đạt 4,25 triệu đồng/người/tháng; tăng 2,22 lần so với năm 2013.
Sự phát triển HTX trong thời gian qua cũng đã làm thay đổi nhận thức của đa số cán bộ, người dân về mô hình HTX. Các HTX hoạt động hiệu quả đã chứng minh HTX giúp hộ nông dân nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, giúp hộ nông dân chuyển dần từ chỉ biết sản xuất nông nghiệp sang sản xuất-kinh doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ nông nghiệp.
GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
GS.TS Trần Đức Viên nhận định, HTX nông nghiệp phát triển nhanh về số lượng, nhưng hiệu quả hoạt động của HTX và lợi ích mà HTX mang lại cho thành viên, cho cộng đồng và cho xã hội chưa đạt được như thiết kế và mong đợi. Đó là số lượng thành viên trung bình của một HTX có xu hướng giảm dần: Ngược với xu hướng tăng số lượng HTX, số thành viên HTX năm 2021 giảm gần 1,87 triệu thành viên so với năm 2013. Năm 2021 trung bình một HTX có 176,2 thành viên, trong khi số thành viên trung bình một HTX năm 2001 là 478,6 thành viên. Điều này đang cho thấy HTX chưa thu hút được nông dân và nó đang đi ngược với xu thế phát triển HTX trên thế giới.
Quy mô về vốn, tài sản của HTX rất thấp và quá trình tích lũy vốn, tài sản của HTX rất chậm. Năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý điều hành HTX nhìn chung, còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ HTX có hoạt động tạo ra trị gia tăng còn thấp, đến cuối năm 2020, chưa đến 22% HTX có tham gia liên kết chuỗi giá trị. Tuy nhiên, không phải 100% sản lượng nông nghiệp của HTX được liên kết chuỗi giá trị, nhiều HTX có liên kết chuỗi giá trị nhưng tỉ lệ sản phẩm tham gia liên kết rất thấp....
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế được GS.TS Trần Đức Viên phân tích đó là HTX chưa được thành lập theo nguyên tắc tự nguyên và trên cơ sở lợi ích của các thành viên; Chưa tạo bước chuyển căn bản trong nhận thức và tư duy lý luận về kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng; Môi trường thể chế, chính sách chưa đủ mạnh, chưa mang tính đột phá, chưa tạo ra động lực và nguồn lực đáng kể để thúc đẩy phát triển HTX; Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, công tác quản lý nhà nước các cấp về HTX chưa thực sự thường xuyên, thiếu tập trung, thống nhất; Có nhiều ý kiến cho rằng do người nông dân chưa nhận thức được vai trò và lợi ích của HTX nên chưa mặn mà với HTX; Tư duy phát triển kinh tế tập thể thiếu thống nhất, nên quan điểm chỉ đạo thiếu tập trung; Quy mô sản xuất của HTX nhỏ, nên nhiều hộ nông dân không thật sự coi trọng vai trò của HTX.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, môi trường thể chế, quản lý Nhà nước đối với phát triển HTX nông nghiệp.
Từ những phân tích trên, GS.TS Trần Đức Viên nêu bốn giải pháp chủ yếu khắc phục những tồn tại, hạn chế liên quan đến HTX nông nghiệp. Đó là thống nhất, nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của phát triển HTX nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, môi trường thể chế, quản lý nhà nước đối với phát triển HTX nông nghiệp. Bảo vệ môi trường nông thôn nói chung, trong sản xuất nông nghiệp nói riêng, phải là một chỉ tiêu pháp lệnh. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội ngành nghề đối với HTX nông nghiệp.
GS.TS Trần Đức Viên đã nêu một số kiến nghị cụ thể để xây dựng và phát triển HTX theo đúng vị trí, vai trò của nó trong phát triển kinh tế nông thôn nói riêng, trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung:
Thứ nhất, nới lỏng một số nguyên tắc của mô hình HTX truyền thống. GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, mô hình HTX truyền thống có một số vấn đề tồn tại như hành vi cơ hội chủ nghĩa, không khuyến khích thành viên đầu tư vốn, lợi nhuận vào hoạt động của HTX, cũng như không khuyến khích kết nạp thành viên mới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều nước đã nới lỏng một số nguyên tắc của HTX truyền thống để tạo thuận lợi cho HTX tăng quy mô sản xuất, thu hút vốn đầu tư để HTX có thể tham gia thị trường hiệu quả. Trên cơ sở kinh nghiệm của một số nước, Luật HTX sửa đổi nên nới lỏng một số nguyên tắc của mô hình HTX truyền thống như:
Cho phép HTX có thành viên không sử dụng dịch vụ của HTX, mà chỉ góp vốn để hưởng lợi ích kinh tế. Mỗi thành viên có 01 quyền biểu quyết ngang nhau. Tuy nhiên, tỉ lệ quyền bỏ phiếu của thành viên không sử dụng dịch vụ không được quá 40% tổng quyền bỏ phiếu của HTX. Cho phép thành viên HTX được chuyển nhượng vốn cổ phần của họ với sự đồng ý của HĐQT và ưu tiên chuyển nhượng cho thành viên của HTX. Giá chuyển nhượng theo thỏa thuận. Cho phép HTX được tự do chuyển đổi thành doanh nghiệp khi đa số thành viên đồng ý. Khi chuyển đổi sang doanh nghiệp thì trả lại nhà nước các phần tài sản không chia do nhà nước hỗ trợ.
GS.TS Trần Đức Viên kiến nghị hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, môi trường thể chế, quản lý nhà nước đối với phát triển HTX nông nghiệp.
GS.TS Trần Đức Viên đề xuất nới lỏng quy định về tỷ lệ vốn góp tối đa cho mỗi thành viên nhưng tôn trọng nguyên tắc đối nhân, qua đó huy động vốn góp. Song song với đó cũng cần quy định vốn góp tối thiểu và có minh chứng xác nhận vốn góp để tránh tình trạng góp vốn chỉ mang tính hình thức và thực tế không góp, chỉ có một vài thành viên đứng ra và bỏ vốn để thành lập HTX sau đó hoạt động nhưng không đúng với tinh thần HTX.
Về phân phối kết quả: Điều 46 Luật HTX năm 2012 đã quy định sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, thu nhập của HTX, liên hiệp HTX được dùng để trích lập các quỹ và phân phối cho các thành viên theo mức độ sử dụng dịch vụ, vốn góp. Tuy nhiên nên ưu tiên phân bổ theo thứ tự: (i) Phân phối theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ (≥50%), (ii) phân phối theo lao động và (iii) phân phối theo tỷ lệ vốn góp.
Thứ hai, tạo thuận lợi cho HTX tổ chức và hoạt động. GS.TS Trần Đức Viên kiến nghị không quy đinh mức độ cung ứng sản phẩm, dịch vụ của HTX cho thành viên như điều kiện cứng, bắt buộc của HTX, mà quy định này nên là điều kiện bắt buộc để HTX được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước. HTX được tư do quy định tỉ lệ phục vụ thành viên, tạo thuận lợi cho HTX mở rộng kinh doanh.
Áp dụng 2 mô hình bộ máy tổ chức quản lý: Với các HTX lớn (trên 1000 thành viên), có bộ máy quản lý là Hội đồng quản trị và bộ máy điều hành là Ban giám đốc; Mô hình Ban Giám đốc đảm nhiệm cả quản lý và điều hành áp dụng với HTX có quy mô nhỏ (thôn bản, dưới 300 thành viên). Cho phép thành viên không sử dụng dịch vụ tham gia Hội đồng quản trị, cũng như cho phép người không phải là thành viên của HTX tham gia Hội đồng quản trị, đó là các chuyên gia nhằm hỗ trợ HTX trong quản trị, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển. Tuy nhiên, thành viên là người sử dụng dịch vụ của HTX phải chiếm hơn 50% tổng số thành viên Hội đồng quản trị của HTX. HTX được tự xác định mức độ phân bổ lợi nhuận sau trách nhiệm tài chính cho các khoản chia theo mức độ sử dụng dịch vụ, chia theo vốn góp, chia theo công sức đóng góp (Luật hiện hành chỉ quy định tỉ lệ lợi nhuận tối thiểu HTX dành chia theo mức độ sử dụng dịch vụ).
Đẩy mạnh phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; hoàn thiện cơ chế xác nhận, chứng nhận và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ đất nông nghiệp của các chủ trang trại, kinh tế hộ thông qua các HTX; rà soát quỹ đất công hiện có, tạo quỹ đất cần thiết cho các HTX thuê xây dựng trụ sở, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh.
Xây dựng hệ thống chính sách tín dụng đặc thù cho HTX; tạo thuận lợi cho thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trên đất hoặc từ vốn vay; khuyến khích tích lũy, sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản thuộc sở hữu tập thể trong HTX; tăng cường vai trò của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, các ngân hàng thương mại và các tổ chức, định chế tài chính, bảo hiểm trong hỗ trợ phát triển, cung ứng vốn tín dụng, cơ chế bảo hiểm kịp thời cho hoạt động đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh của HTX. Nhà nước nghiên cứu cho các HTX được vay vốn tín dụng với lãi suất phù hợp...
Thứ ba, rà soát, đổi mới chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp gắn liền với mức độ HTX đáp ứng các nguyên tắc cơ bản của HTX . GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, để tạo điều kiện cho HTX phát triển trong bối cảnh hội nhập, rất cần bổ sung, điều chỉnh một số chính sách vào Luật HTX, đặc biệt là chính sách liên quan đến dịch vụ tài chính và dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh của HTX trong các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Việc sửa đổi, bổ sung các qui định này, trong đó có qui định về vay ưu đãi đối với HTX và thành viên HTX có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu và đi đến triệt tiêu tín dụng đen ở nông thôn, chứ không phải các biện pháp hành chính hay pháp chế mang tính răn đe hoặc hình sự hóa như hiện nay.
Về quan điểm hỗ trợ các HTX, GS.TS Trần Đức Viên đề nghị cần nhìn nhận HTX với vai trò là tổ chức quy tụ nông dân để trở thành đối tác của doanh nghiệp và gắn với chuỗi giá trị hàng hóa. Hỗ trợ dựa trên hiệu quả hoạt động hoặc đóng vai trò “bà đỡ” ở giai đoạn đầu để tạo đà cho HTX tự phát triển, tránh tình trạng HTX ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước hay HTX được thành lập ra để nhận hỗ trợ. Hỗ trợ theo kết quả hoạt động chứ không theo đầu HTX, tránh tình trạng hỗ trợ sai đối tượng.
GS.TS Trần Đức Viên cũng kiến nghị một số cách thức hỗ trợ cụ thể đối với HTX. Trong đó, cần phân kỳ và phân loại đối tượng hỗ trợ để tăng tính hiệu quả: Tùy vào từng giai đoạn phát triển của HTX chính sách hỗ trợ cần linh hoạt, thiết thực. Đối với HTX mới thành lập có thể hỗ trợ cho các nội dung phát triển sản phẩm; HTX đã có sản phẩm, nội dung hỗ trợ nên tập trung vào xúc tiến thương mại…
Bên cạnh đó hình thành Quỹ tài trợ cho các hoạt động ứng dụng/chuyển giao công nghệ và kĩ thuật của HTX theo cơ chế hoàn vốn ưu đãi; hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho thanh niên, sinh viên. Kết hợp tín dụng ưu đãi với việc sử dụng tài sản hình thành từ dự án để thế chấp; có chính sách khuyến khích phát triển HTX như tài trợ kinh phí kiểm toán độc lập hàng năm cho HTX mới thành lập trong thời gian 3-5 năm, không thu tiền sử dụng đất xây dựng văn phòng, nhà xưởng chế biến nông sản…
Đặc biệt, HTX phải nộp các loại thuế như với doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực, cùng địa bàn và cùng quy mô. Đặc biệt là HTX phải trả thuế thu nhập như doanh nghiệp. GS.TS Trần đức Viên nhấn mạnh, quy định này sẽ khuyến khích các HTX, để giảm tiền đóng thuế, sẽ chuyển lợi nhuận cho thành viên của mình thông qua việc cung cấp vật tư dịch vụ đầu vào với giá rẻ hơn giá thị trường và mua sản phẩm đầu ra từ thành viên với giá cao hơn giá thị trường. Với chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp như vậy, mục tiêu HTX chủ yếu phục vụ thành viên có thể đạt được.
Để khuyến khích việc tích lũy, tăng vốn của HTX, GS.TS Trần Đức Viên kiến nghị có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần lợi nhuận của HTX được chuyển thành vốn chung của HTX. HTX cũng được miễn thuế TNDN cho phần lợi nhuận chia lại cho thành viên dựa theo mức độ sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, việc miễn thuế này chỉ áp dụng với HTX có ít nhất 50% giá trị mua, cung ứng sản phẩm, dịch vụ thu được từ thành viên.
Cùng với, đó, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước cho HTX phải gắn liền với điều kiện thụ hưởng. Lợi nhuận thu được của HTX dùng để gia tăng tài sản không chia, nhằm nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của xã viên, không nên chia theo vốn góp. Bởi HTX là tổ chức đối nhân, mỗi xã viên dù góp vốn nhiều hay ít, cũng đều có một lá phiếu biểu quyết các vấn đề của HTX; nếu chia lợi nhuận hoàn toán theo vốn góp thì HTX không khác gì doanh nghiệp/công ty./.