TỔNG THUẬT SÁNG 16/3: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ
Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem xét cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, công trình quốc phòng và khu quân sự (CTQP và KQS) là tài sản nhà nước, giao cho Quân đội và chính quyền các cấp tổ chức xây dựng, quản lý, sử dụng, bảo vệ để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Việc quản lý, bảo vệ CTQP và KQS là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể Nhân dân, nòng cốt là lực lượng quân đội.
Ngày 19/5/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ CTQP và KQS (sau đây viết gọn là Pháp lệnh); quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh, công tác quản lý, bảo vệ CTQP và KQS đã đạt được những kết quả quan trọng, bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, góp phần tích cực vào củng cố, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, như: Việc xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ của CTQP và KQS chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi được giao quản lý, bảo vệ; công tác phối hợp giữa các địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị Quân đội trong xác định phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ; việc xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động ở một số dự án phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý người nước ngoài cư trú ở một số địa phương, khu vực có liên quan đến CTQP và KQS chưa chặt chẽ;… Những bất cập nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật để tạo cơ sở pháp lý cao hơn và giải quyết kịp thời các vướng mắc, bất cập thực tế phát sinh.
Bên cạnh đó, thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung; trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ CTQP và KQS (như Luật Đất đai năm 2013; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Luật Quy hoạch năm 2017; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi bổ sung năm 2020…). Tuy nhiên, do Pháp lệnh được ban hành từ năm 1994, nên có nhiều nội dung quy định không còn phù hợp, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Đồng thời, Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng". Việc quản lý, bảo vệ CTQP và KQS có các quy định hạn chế quyền đi lại, hoạt động của cá nhân, tổ chức trong một số trường hợp nhất định, hiện nay chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật.
Từ những lý do trên, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của Pháp lệnh; đồng thời, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS và cho rằng, CTQP và KQS có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự thời bình và thời chiến; là một bộ phận trong chuỗi thế trận liên hoàn phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, việc quản lý, sử dựng và bảo vệ có hiệu quả CTQP và KQS trong giai đoạn hiện nay chính là tạo tiền đề vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ, xây dựng “thế trận lòng dân” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
Việc ban hành Luật là nhằm tiếp tục cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, quân sự, quốc phòng; việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; nâng cao nhận thức của toàn dân; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập sau 28 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ CTQP và KQS; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với pháp luật có liên quan; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để hoạt động quản lý, bảo vệ CTQP và KQS có hiệu quả, hiệu lực.
Quang cảnh phiên họp.
Về tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, qua thẩm tra, Thường trực Quốc phòng và An ninh cho rằng, nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và cơ bản bảo đảm tính khả thi.
Tuy nhiên, theo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ CTQP và KQS có 66 văn bản, trong đó có 43 văn bản là bộ luật, luật, pháp lệnh, nhưng các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật chưa đánh giá kỹ, rõ ràng, cụ thể, minh định được sự chồng chéo về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật với quy định của pháp luật có liên quan; việc xử lý các xung đột, mâu thuẫn như thế nào?
Vì vậy, Thường trực Quốc phòng và An ninh đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng từng luật, pháp lệnh có liên quan trong đó có những dự án Luật đang được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để xác định cụ thể các nội dung nào chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột và đề xuất phương án xử lý; rà soát các quy định chuyển tiếp giữa Pháp lệnh Bảo vệ CTQP và KQS và dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS để tránh có khoảng trống pháp lý trong triển khai thực hiện Luật; nghiên cứu bổ sung quy định về áp dụng pháp luật./.