KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC PHẢI GIẢM ĐƯỢC PHÁT SINH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH KHÔNG CẦN THIẾT

15/03/2023

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan có sự chỉ đạo, quán triệt để triển khai khi Luật đi vào cuộc sống cho rằng, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải theo quy hoạch và giảm phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.

ĐẢM BẢO AN NINH NGUỒN NƯỚC, ƯU TIÊN NGÂN SÁCH VÀ HUY ĐỘNG XÃ HỘI HÓA ĐỂ PHỤC HỒI NGUỒN NƯỚC

ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT, TRÁNH SỰ CHỒNG CHÉO GIỮA LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI) VỚI CÁC LUẬT KHÁC

Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012 tại Kỳ họp thứ 3, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đến nay.  Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 60% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn. Nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Thực tế đó đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần thiết phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện. Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được trình lên Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 5 tới.


Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 này trước khi trình lên Quốc hội xem xét trong Kỳ họp thứ 5 tới (ảnh minh họa: Internet).

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị liên quan có sự chỉ đạo, quán triệt để triển khai là vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải theo quy hoạch và giảm phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.

Ông Lương Văn Anh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, theo quy định tại Điều 6 của Luật Quy hoạch thì quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi là các quy hoạch ngành quốc gia, cùng cấp. Các quy hoạch này phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Cụ thể quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh cụ thể hóa quy hoạch Tài nguyên nước; quy hoạch thủy lợi, quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê cụ thể hóa quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi. Quan hệ giữa các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành là cùng cấp và phải đồng bộ, thống nhất với nhau và với quy hoạch ngành cấp trên.

Vì vậy, dự thảo các quy định nêu tại khoản 8 Điều 5 “…các quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và các quy hoạch quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác, sử dụng nước khác phải phù hợp với quy hoạch về Tài nguyên nước”. Điểm d khoản 1 Điều 18 “quy hoạch về tài nguyên nước là một trong những cơ sở cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành…”, và tại khoản 2 Điều 18 “Trường hợp nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong quy hoạch có liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt mâu thuẫn với quy hoạch về tài nguyên nước đã được phê duyệt thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch về tài nguyên nước” là không phù hợp.


Ông Lương Văn Anh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Theo ông Lương Văn Anh, quy hoạch về tài nguyên nước không phải quy hoạch cấp trên của các quy hoạch thủy lợi. Hơn nữa, trong quá trình lập các quy hoạch đều có đại diện của các Bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường trong Hội đồng thẩm định đề cương nhiệm vụ lập quy hoạch, Hội đồng thẩm định quy hoạch cũng như lấy ý kiến bằng văn bản đối với nội dung quy hoạch trong quá trình lập quy hoạch và đều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Lương Văn Anh đề nghị xem xét không đưa vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) quy định tại khoản 6 Điều 25 “Tổ chức, cá nhân trước khi đề xuất điều chỉnh, bổ sung công trình khai thác, sử dụng nước vào quy hoạch do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh lập phải được Bộ Tài Nguyên và Môi trường thẩm định về sự phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, chức năng nguồn nước, khả năng nguồn nước trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung vào quy hoạch”. Việc bổ sung cũng phải tuân theo quy định tại khoản 7 Điều 25 “Đối với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, quy hoạch điều chỉnh có khai thác, sử dụng tài nguyên nước do các Bộ, cơ quan ngang bộ lập phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài Nguyên và Môi trường thẩm định về sự phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, chức năng nguồn nước, khả năng nguồn nước”.

Ông Lương Văn Anh cũng nhấn mạnh thêm, do không phù hợp với quy định của pháp luật quy hoạch đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thẩm định, điều chỉnh quy hoạch, việc bổ sung các quy định này sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết. Mặt khác, các quy hoạch liên quan đến khai thác và sử dụng nước, quy hoạch tỉnh trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan lập quy hoạch đã gửi văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan (trong đó có Bộ Tài Nguyên và Môi trường).


TS.Hoàng Văn Thắng - Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam.

Đề cập về quy hoạch và đầu tư xây dựng khai thác Tài nguyên nước, TS.Hoàng Văn Thắng - Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam nêu quan điểm: Có thể nói, các quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thủy điện (quy hoạch điện 8) đang được phê duyệt, đã xác định gần như toàn bộ các dự án còn lại. Nhiều dự án thủy lợi, thủy điện đang được đầu tư xây dựng, số còn lại còn chưa rõ trong quy hoạch là các công trình dự án khu vực đồng bằng mà nhiệm vụ của các công trình dự án này là đa mục tiêu, trong đó nhiệm vụ nổi bật lại là phục hồi tài nguyên nước (như giải quyết mực nước Sông Hồng), cấp nước kết hợp giải quyết ô nhiễm hoặc tạo cảnh quan môi trường... đòi hỏi có sự phối hợp liên ngành. Do đó, cần được viết kỹ hơn trong dự án luật Luật Tài nguyên nước (sưa đổi) từ quy hoạch đầu tư xây dựng.

Một số vấn đề có thể có vướng mắc khi thực hiện nhưng Luật không nêu rõ mà dành cho Chính phủ hướng dẫn cần được đánh giá tác động như: dòng chảy tối thiểu, danh mục công trình được cấp phép. TS.Hoàng Văn Thắng cũng cho rằng, quản lý tài nguyên nước là một thực thể luôn biến đổi tác động tới nhiều bên liên quan. Do vậy, không thể quản lý bằng các quy định cứng nhắc việc hình thành tổ chức quản lý lưu vực sông với cơ cấu Ủy ban lưu vực có sự tham gia của nhiều bên là rất cần thiết, cần được cụ thể hóa trong luật./.

Bích Lan