LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI): ĐỀ XUẤT CÓ QUY ĐỊNH VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI SỬ DỤNG NƯỚC TUẦN HOÀN

13/03/2023

Tại Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp tổ chức, nhiều ý kiến đại biểu kiến nghị, cần chú trọng nghiên cứu, bổ sung các quy định liên quan đến lĩnh vực tuần hoàn tài nguyên nước, tránh rào cản trong việc áp dụng tái sử dụng nước ở các lĩnh vực khác nhau....

GS.TS ĐÀO XUÂN HỌC: LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI) PHẢI MANG TÍNH ĐỘT PHÁ, HIỆU QUẢ, HIỆU LỰC TRONG THI HÀNH

Toàn cảnh Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đến nay. Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 10 năm thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đó là: Một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 còn có sự chồng chéo với các luật khác như luật Thủy lợi, 2017, luật Phòng chống thiên tai, luật bảo vệ môi trường 2020, Luật Quy hoạch năm 2017; Chưa làm rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước với trách nhiệm quản lý công trình khai thác, sử dụng nước cũng như các hoạt động liên quan đến nước là hạn chế của Luật, cùng với một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước dẫn tới thực tế tồn tại sự chồng chéo về nhiệm vụ và bất cập trong phối hợp khi triển khai thực hiện giữa các Bộ, ngành, địa phương;…

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 (tháng 03/2023) gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều, sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều) và bãi bỏ 05 điều.

Nhất trí với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức góp ý và cơ bản bao trùm được các vấn đề quản lý nhà nước đối với Tài nguyên nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung đòi hỏi cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát nhằm hoàn thiện, trong đó có quy định về sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả.

PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương,  Viện Khoa học công nghệ và Môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội 

Góp ý vào nội dung này, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, Viện Khoa học công nghệ và Môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, một trong những vấn đề đã được đề cập đến trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và đang rất được quan tâm đó là bảo đảm an ninh nguồn nước và tuần hoàn tái sử dụng nước, thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn tài nguyên. Tuần hoàn tài nguyên nói chung và tài nguyên nước nói riêng được khuyến khích trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Tuy nhiên, lĩnh vực tuần hoàn tài nguyên nước chưa được đưa ra hoặc chưa đề cập sâu trong các dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cho đến hiện tại. Do vậy, dẫn đến nhiều rào cản trong việc áp dụng tái sử dụng nước trong các lĩnh vực khác nhau.

Theo PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, chuyển đổi mô hình quản lý tài nguyên nước theo hướng tuần hoàn góp phần đảm bảo việc phát triển kinh tế và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hoàn thiện thể chế chính sách thúc đẩy tuần hoàn tái sử dụng nước thải cũng là một trong những giải pháp cần tập trung nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước ở Việt Nam.

 PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam

 Đề xuất có đặt vấn đề tái sử dụng nước trong Luật sửa đổi, trong đó tại Mục 1 của Luật có đưa ra định nghĩa về các khái niệm tái sử dụng nước, tuần hoàn nước, cải tạo nước, để từng bước hướng đến việc coi nước đã qua sử dụng như một nguồn tài nguyên nước. Tiếp theo đó, nội dung liên quan đến khuyến khích tuần hoàn tái sử dụng nước có thể bước đầu được đưa ra trong mục 3 của chương 4 này. Bên cạnh việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả thì cũng có các nội dung về các biện pháp (điều 58), các ưu đãi (điều 59), phát triển khoa học công nghệ (điều 60) liên quan đến việc tuần hoàn tái sử dụng nước.

Nêu quan điểm về quy định tại Dự thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam kiến nghị, để hoàn thiện quy định về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn tài nguyên nước trước hết phải làm rõ 3 cụm từ “ sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước”, “ Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước” và “Sử dụng tuần hoàn tài nguyên nước”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh các khái niệm này được hiểu như sau:  (1)“Sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước” được hiểu là, khi sử dụng một đơn vị nước cho sản xuất hay tiêu dùng đối với đơn vị sản phẩm có chất lượng như nhau, lượng nước sử dụng ít nhất hoặc ít hơn so với quy chuẩn cho phép; (2)“Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước” được hiểu lợi ích ròng thu về của tài nguyên nước là nhỏ nhất hoặc chi phí cho một đơn vị xử lý hoặc sử dụng tài nguyên nước nhỏ nhất với cùng quy định về chất lượng nước được so sánh với cùng dịch vụ hoặc sản phẩm trong trường hợp không tính được lợi ích; (3)“Sử dụng tuần hoàn tài nguyên nước” được hiểu là nước được tái sử dụng, tái chế thành những vòng tròn khép kín, đầu ra của hoạt động sản xuất và tiêu dùng này là đầu vào của hoạt động sản xuất và tiêu dùng tiếp theo.

“Khi đưa vào quy định trong luật pháp về “sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn tài nguyên nước”, phải thể hiện rõ nội hàm của các khái niệm trên để đảm bảo tính đầy đủ và áp dụng thực tiễn sát thực,…”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh.

Ngoài ra khi thiết kế các điều khoản luật liên quan đến “sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn tài nguyên nước” trong bối cảnh thể chế “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” về cơ bản do nhu cầu thị trường chi phối, hiệu quả tài nguyên nước là sự cân đối giữa cung và cầu về tài nguyên nước, tiết kiệm tài nguyên nước phụ thuộc vào công nghệ, còn tuần hoàn tài nguyên nước cũng phụ thuộc vào công nghệ và thị trường. Do vậy khi thiết kế điều khoản về quy định trong luật tài nguyên nước cũng cần chú ý tới các yếu tố này.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, trong quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có nội dung tuần hoàn nước, cũng như vậy đối với các quy định cho sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và sử dụng mục đích khác thiếu nội dung khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn và cơ chế ưu đãi. Đồng thời, lưu ý nội dung mục này nên có sự đối chiếu với điều 142 của luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/NĐ-CP ngày 10/01/2022 về “kinh tế tuần hoàn” để có quy định phù hợp với luật Bảo vệ môi trường.

Đối với quy định liên quan đến “sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đưa ra kiến nghị, tiêu đề mục cần cân nhắc thêm nên quy định “sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn”, cần làm rõ nội hàm của từng khái niệm trước khi có những quy định cụ thể cho các điều luật. Bên cạnh đó, nên có quy định về khuyến khích và ưu đãi đối với sử dụng nước tuần hoàn, tuy nhiên cần phải đối chiếu với quy định của luật BVMT 2020 để tránh sự trùng chéo, có sự kế thừa và bổ sung hoàn thiện đầy đủ trong luật tài nguyên nước./.

Lê Anh