PGS.TS NGUYỄN THỊ THU HÀ: KHẮC PHỤC TRIỆT ĐỂ BẤT CẬP TRONG QUY ĐỊNH VỀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

08/03/2023

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Luật Hà Nội, quy định về thủ tục hòa giải tiền tố tụng đối với việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai hiện hành tồn tại một số vướng mắc, bất cập. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi toàn diện lnày, quy định tại một số điều khoản của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn chưa hợp lý, chưa làm rõ vấn đề hoà giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp;…

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: CẦN CÓ QUY ĐỊNH MANG TÍNH NGUYÊN TẮC VỀ XÁC ĐỊNH GIÁ ĐẤT

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 3/1 -15/3/2023

Thủ tục về hòa giải tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013. Tiếp đó, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND được hướng dẫn cụ thể tại Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/05/2014 “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013” (Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) và khoản 57 Điều 1 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành LĐĐ (Nghị định số 01/2017/NĐ-CP).

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, quy định về thủ tục hòa giải tiền tố tụng đối với việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai năm 2013 tồn tại một số vướng mắc, bất cập như: Quy định tại khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 chưa thống nhất với quy định của Luật hoà giải, đối thoại năm 2020; Có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều phải thông qua việc hòa giải tại UBND cấp xã, phường, thị trấn hay không? Quy định tại Khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 dẫn đến cách hiểu khác nhau;…

Để khắc phục những bất cập này trong Luật Đất đai hiện hành, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị 03 nội dung cụ thể cần rà soát, bổ sung trong quy định về thủ tục hòa giải tiền tố tụng đối với việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể:

Một là, Khoản 1 Điều 224 Dự thảo quy định: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở hoặc hoà giải tại Toà án”.

Quy định này chưa thực sự hợp lý và mâu thuẫn với khoản 3 Điều 224 Dự thảo. Bởi vì, hoà giải tại Toà án theo khoản 3 Điều 224 Dự thảo bao gồm hoà giải theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và hoà giải theo pháp luật về hoà giải đối thoại. Trong đó, hoà giải theo pháp luật tố tụng dân sự mà cụ thể là BLTTDS năm 2015 thì đó là bắt buộc chứ không phải là khuyến khích. Do đó, khoản 1 Điều 224 Dự thảo nên quy định như sau: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở theo pháp luật hoà giải ở cơ sở hoặc hoà giải tại Toà án theo pháp luật hoà giải, đối thoại tại Toà án.

Trong trường hợp các bên tự hoà giải dẫn đến thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Dự thảo nên quy định theo hướng các bên phải lập biên bản có chữ ký của các bên và gửi biên bản tự hoà giải đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để UBND kiểm tra, xem xét kết quả tự hoà giải của các bên và xác nhận. Sau đó, UBND lập biên bản và gửi biên bản tự hoà giải của các bên đến cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục ra quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại khoản 4 Điều 204 Dự thảo. Nếu UBND xã không xác nhận do việc tự hoà giải không xuất phát từ ý chí tự nguyện, vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì các bên yêu cầu UBND cấp xã nơi có đất trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết.

Hai là, Khoản 2 Điều 204 Dự thảo quy định về hoà giải tranh chấp đất đai tại UBND. So với Luật Đất đai năm 2013 thì Dự thảo đã kế thừa các quy định trong Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 01/2017/NĐ-CP về trình tự, thủ tục hoà giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp cũng như việc công nhận kết quả hoà giải thành tại UBND. Tuy nhiên, giống như Luật Đất đai năm 2013 thì trong Dự thảo vẫn chưa làm rõ được vấn đề hoà giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp có phải là bắt buộc đối với tất cả các tranh chấp đất đai hay không? Nếu là bắt buộc thì những tranh chấp đất đai nào không bắt buộc phải hoà giải ở UBND?

Do đó, để cho UBND hoà giải các tranh chấp đất đai cũng hợp lý. Bởi vì, trên thực tế đã rất nhiều tranh chấp đất đai đã được UBND hoà giải thành; việc hoà giải thành ở UBND sẽ hạn chế bớt việc khởi kiện đến Toà án và Toà án giảm tải được áp lực công việc.

Tuy nhiên, một số loại tranh chấp do tính chất đặc thù không bắt buộc phải hoà giải ở UBND như tranh chấp về giao dịch liên quan đến đất đai (về bản chất là tranh chấp về giao dịch dân sự, thương mại); tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất (về bản chất là tranh chấp về thừa kế tài sản);…  Còn các tranh chấp khác thì nên quy định theo hướng bắt buộc qua hoà giải ở UBND xã, phường nơi có đất. Sau khi các bên tranh chấp đã hoà giải ở UBND mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật đất đai mà UBND không tiến hành hòa giải, trừ các tranh chấp đất đai không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải thì các bên có quyền yêu cầu Toà án giải quyết. Việc hoà giải tranh chấp đất đai tại Toà án thực hiện theo pháp luật về hoà giải đối thoại tại Toà án và pháp luật tố tụng dân sự.

Ba là, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Theo quy định tại Điều 225 Dự thảo Luật Đất đai thì việc trao thẩm quyền giải quyết toàn bộ tranh chấp đất đai cho Toà án là hợp lý. Điều này vừa khắc phục được hạn chế trong quy định của Luật Đất đai năm 2013 là nếu mỗi một bên đương sự lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết khác nhau (Toà án hoặc UBND) thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết? Hơn nữa, việc Toà án giải quyết tất cả các tranh chấp đất đai là phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về chức năng nhiệm vụ của Toà án.

Tuy nhiên, để Toà án giải quyết nhanh chóng các tranh chấp đất đai thì cần sự phối hợp chặt chẽ của UBND. Điều này cũng đã được quy định trong Dự thảo. Nhưng để nâng cao trách nhiệm của UBND trong việc phối hợp với Toà án trong giải quyết tranh chấp đất đai cần phải có quy định về chế tài đối với trường hợp UBND không thực hiện trách nhiệm phối hợp.

Hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang tích cực được lấy ý kiến Nhân dân (từ ngày 3/1 -15/3). Trước đó, dự án luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV (vào tháng 10/2022). Dự luật sẽ được xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp Quốc hội (sau khi cho ý kiến lần đầu, Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023, thảo luận lần thứ 3 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10/2023)./.

Lê Anh