PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN TIẾP THU, HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)
Đấu thầu qua mạng là thành phần quan trọng của Chính phủ điện tử với nhiều ưu điểm như: tạo môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch cho các nhà thầu, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho các bên tham gia. Theo Thạc sỹ Đỗ Kiến Vọng, Học viện Chính sách và Phát triển, kể từ sau khi Luật Đấu thầu năm 2013 có hiệu lực, công tác đấu thầu qua mạng đã có bước phát triển khá mạnh. Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Chỉ tính trong năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành khoảng 800 văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và lựa chọn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 4, Luật Đấu thầu năm 2013, Hệ thống Mạng Đấu thầu Quốc gia tại địa chỉ: http://muasamcong.mpi.gov.vn là hệ thống duy nhất trên toàn quốc thực hiện chức năng thống nhất quản lý thông tin về đấu thầu và đấu thầu qua mạng, đóng vai trò là cổng thông tin điện tử duy nhất cho toàn bộ các hoạt động đấu thầu mua sắm công.
Theo thống kê của Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 13/12/2016 đã có hơn 49.000 bên mời thầu, nhà thầu được phê duyệt tham gia vào Hệ thống Mạng Đấu thầu Quốc gia; hơn 97.000 kế hoạch lựa chọn nhà thầu, gần 265.000 thông báo mời thầu được đăng tải trên Hệ thống. Nếu tính từ năm 2009 đến hết năm 2016, đã có hơn 5.400 gói thầu áp dụng đấu thầu điện tử. Riêng năm 2016, có 3.500 gói thầu thực hiện đấu thầu điện tử, tăng gấp 5 lần so với năm 2015, giá trị tiết kiệm đạt 271 tỷ đồng. Số lượng các gói thầu có giá gói thầu dưới 5 tỷ đồng chiếm 95% tổng số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng. Tỷ lệ đấu thầu qua mạng áp dụng cho các gói chào hàng cạnh tranh là 5.75%, đấu thầu rộng rãi là 4,42%. Số lượng trung bình nhà thầu tham gia một gói thầu điện tử là 2,67%, nhưng số lượng các gói thầu điện tử vẫn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu theo quy định của lộ trình.
Tuy nhiên, việc thực hiện đấu thầu ở nước ta còn nhiều hạn chế, trong đó nhiều cơ quan chưa tự giác, nghiêm túc thực hiện hoặc tìm cách chậm trễ, trì hoãn thực hiện đấu thầu qua mạng; có tâm lý lo ngại khi giải trình với các cơ quan thanh tra, kiểm tra về quy trình đấu thầu qua mạng; năng lực của nhiều chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; công tác thanh tra, kiểm tra về đấu thầu chưa được thực hiện thường xuyên, chuyên sâu về đấu thầu… Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu qua mạng nhận được sự quan tâm, góp ý của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến.
Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Khẳng định đấu thầu qua mạng là xu thế tất yếu trên thế giới, đáp ứng được yêu cầu về tính công khai, minh bạch trong thủ tục, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tuy nhiên, Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu thực tế thời gian qua, công tác đấu thầu qua mạng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là hạ tầng đấu thầu qua mạng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, việc thanh toán điện tử chưa được áp dụng, tài liệu điện tử và chữ ký số chưa được công nhận đầy đủ, chưa có chế tài xử lý đối với trường hợp bên trúng thầu nhưng lại không ký Hợp đồng sau trúng thầu; nhiều quy định còn chưa đầy đủ về thủ tục, thời gian thực hiện các bước trong đấu thầu qua mạng, chỉ áp dụng với gói thầu nhỏ.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung thêm nhiều quy định đáp ứng việc đấu thầu qua mạng như các bước lập, nộp hồ sơ dự tuyển, Hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử, các thông tin về nhà thầu, nhà đầu tư cũng được chia sẻ từ hệ thống thông tin trên mạng... Tuy nhiên, quy định về đầu thầu qua mạng cần quy định các thủ tục chi tiết, rõ ràng và tiếp cận thông tin công khai và áp dụng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cần được thực hiện đơn giản, hiệu quả.
Có chung quan điểm, Luật sư Phạm Thanh Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội khẳng định, quy định về đấu thầu qua mạng đã phù hợp với nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Đấu thầu qua mạng không chỉ rút ngắn thời gian, giảm bớt chi phí cho bên mời thầu và nhà thầu, mà còn góp phần chấm dứt vấn nạn “quân xanh, quân đỏ” hay cài cắm các điều khoản hạn chế sự tham gia của các bên tham gia thầu.
Tuy nhiên, hiện nay đấu thầu qua mạng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ so với hình thức đấu thầu truyền thống. Vì vậy, cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để việc đấu thầu qua mạng có thể hiệu quả. Trong đó, quy định cụ thể quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu, quá trình xét thầu giúp giảm thời gian cho bên mời thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Với những quy định hiện hành, bên mời thầu phải đánh giá chi tiết, có công văn đề nghị từng nhà thầu làm rõ hồ sơ dự thầu. Song, trong trường hợp số lượng nhà thầu tham gia gói thầu đông, việc này mất rất nhiều thời gian. Do vậy, cần ban hành văn bản pháp lý về quy trình đánh giá ngược để các bên mời thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu được nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch.
Luật sư Phạm Thanh Bình cũng nêu thực tế, khi đấu thầu qua mạng, việc thay đổi hồ sơ mời thầu khá bất tiện, có thể trục trặc, gây ra sự thiếu công bằng. Chính kẽ hở trong công nghệ có trường hợp nhà thầu bị loại ra khỏi danh sách, hoặc gần đến thời điểm đấu thầu mới cho thêm vào. Do đó, đề nghị ban soạn thảo phân quyền kiểm soát thật chặt chẽ, chỉ đến khi mở hồ sơ mới biết được số lượng nhà thầu tham gia và không loại được nhà thầu trước khi mở thầu.
Luật sư Phạm Thanh Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Một vấn đề lớn khác được Luật sư Phạm Thanh Bình góp ý, đó là giá trị pháp lý của các tài liệu điện tử, cũng như chữ ký số trong đấu thầu qua mạng chưa được công nhận đầy đủ, chưa được quy định cụ thể ở văn bản quy phạm pháp luật và còn thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong thanh toán, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Vì thế, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề trên.
Khó khăn khi thực hiện đấu thầu qua mạng là chủ đầu tư không được giữ bản gốc hồ sơ của nhà thầu. Trong khi với hình thức đấu thầu trực tiếp, nếu nhà thầu “bỏ thầu”, chủ đầu tư có quyền yêu cầu ngân hàng chuyển tiền bảo lãnh về tài khoản của mình (chủ đầu tư giữ bản gốc cam kết bảo lãnh của ngân hàng). Vì vậy, để không làm mất thời gian, công sức của chủ đầu tư, cần áp dụng những biện pháp cứng rắn như cấm đấu thầu trong một thời hạn nhất định đối với những nhà thầu tham gia “đấu thầu thử”, “bỏ chạy”, Luật sư Phạm Thanh Bình kiến nghị.
Ngoài ra, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại đang sử dụng đã lạc hậu, vì vậy đã xuất hiện một số bất cập khiến người dùng gặp trở ngại khi thao tác; kích thước hồ sơ dự thầu cho phép quá nhỏ… Vì vậy việc nâng cấp hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phải được quy định cụ thể hơn trong lần sửa đổi luật này, tránh trường hợp hệ thống mạng vẫn mãi lạc hậu.
Trước đó, góp ý vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cũng khẳng định sự cần thiết tăng cường đấu thầu qua mạng, nhưng cần quy định cụ thể, chi tiết hơn để khi luật có hiệu lực dễ dàng thực hiện trong thực tế.
Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đấu thầu năm 2013 cho thấy, phương thức đấu thầu qua mạng đã mang lại hiệu quả nhiều mặt, vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí và tính minh bạch, công khai trong đấu thầu được tăng cường, hạn chế sự can thiệp của con người trong hoạt động đấu thầu. Do đó, nhiều ý kiến cho rầng cần đẩy mạnh việc đấu thầu qua mạng, bổ sung các chính sách, sự đầu tư của nhà nước để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhân lực vận hành mạng đấu thầu quốc gia và quy định có tính bắt buộc thực hiện đấu thầu qua mạng. Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến chỉ quy định 3 điều (Điều 48 đến Điều 50) về nội dung này.
Để đảm bảo tính khả thi, một số quan điểm cho rằng, Chính phủ nên nghiên cứu bổ sung các quy định về: Đánh giá năng lực của tổ chức đấu thầu qua mạng để có quy định về lộ trình bắt buộc phải đấu thầu qua mạng phù hợp; Chính sách của nhà nước để đầu tư cho mạng đấu thầu quốc gia; Trách nhiệm của các Bộ có liên quan đối với an toàn của mạng đấu thầu quốc gia; Quy định về cơ sở dữ liệu để bảo đảm việc đấu thầu qua mạng an toàn, hiệu quả, có tính liên thông với các hệ thống khác...
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau khẳng định đấu thầu qua mạng là hình thức đấu thầu tiên tiến, đảm bảo công khai, minh bạch, lựa chọn được nhà thầu tốt. Việc chào hàng cạnh tranh qua mạng cũng làm cho việc lựa chọn chào hàng cạnh tranh minh bạch hơn. Hiện nay, đấu thầu truyền thống quy định mở thầu phải có tối thiểu 3 nhà thầu. Trường hợp thời điểm đóng thầu có ít nhất 3 nhà thầu cần xin ý kiến ngay hoặc gia hạn thời điểm đóng thầu và trách nhiệm đối với quyết định của mình. Do đó, đối với đấu thầu qua mạng không quy định việc mở thầu có tối thiểu 3 nhà thầu theo quy định. Quy định như trên thường xảy ra tình trạng có một nhà thầu tham dự đấu thầu qua mạng nên tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước thấp so với tham gia từ 2 nhà thầu trở lên.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.
Một số đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường áp dụng đấu thầu qua mạng với thủ tục rõ ràng và dễ kiểm soát, tăng cường phát hành hồ sơ, chấm thầu qua mạng; đẩy mạnh công khai thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thông báo trên các trang báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đồng thời cần xây dựng cơ sở dữ liệu về giá trúng thầu, trách nhiệm của cơ quan công bố giá để làm cơ sở tổ chức đấu thầu; đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về đàm phán trực tuyến.
Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư nâng cấp về hạ tầng đấu thầu qua mạng; có chính sách đầu tư hợp lý đối với hệ thống đấu thầu quốc gia và cơ sở dữ liệu nhà thầu, có quy định cụ thể về lộ trình, thời hạn xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nhà thầu, cơ sở dữ liệu các chuyên gia chấm thầu để bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch, công khai./.