CHIA SẺ KINH NGHIỆM HOẠT ĐỘNG DÂN CỬ GIỮA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH, ỦY BAN XÃ HỘI VỚI THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH BÌNH DƯƠNG
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thường trực Ủy ban Xã hội phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tổ chức giám sát, thẩm tra trong hoạt động dân cử.
Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức giám sát, thẩm tra, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dân cử
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thường trực Ủy ban Xã hội vừa phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tổ chức giám sát, thẩm tra trong hoạt động dân cử.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nhấn mạnh, trong những năm qua, hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống pháp luật Việt Nam đến nay cơ bản đồng bộ, với số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, đã thể chế hóa tương đối đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại Hội nghị.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước, là một trong những yếu tố quan trọng mang tính quyết định giúp đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Một số kinh nghiệm trong hoạt động thẩm tra, giám sát các nội dung thuộc lĩnh vực quốc phòng, và an ninh, trật tự, an toàn xã hội
Chia sẻ một số kinh nghiệm trong hoạt động thẩm tra, giám sát các nội dung thuộc lĩnh vực quốc phòng, và an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh cho biết, qua thực tiễn hoạt động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong hơn 30 năm qua, với những kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban lưu ý 07 vấn đề chủ yếu sau:
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh chia sẻ một số kinh nghiệm trong hoạt động thẩm tra, giám sát các nội dung thuộc lĩnh vực quốc phòng, và an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Một là, phải nắm vững chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội là vấn đề có tính nguyên tắc xuyên suốt quá trình hoạt động. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh, Quốc phòng và An ninh là lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, nên Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã luôn quán triệt nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với QĐND, CAND và sự nghiệp Quốc phòng và An ninh.
Trong hoạt động lập pháp, giám sát luôn bám sát các chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng đoàn Quốc hội; lấy chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội làm tiêu chuẩn xem xét, đánh giá, nhằm bảo đảm lợi ích Quốc phòng và An ninh của đất nước, loại trừ những sơ hở mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để tuyên truyền, chống phá, nhất là trong hoạt động lập pháp, góp phần quan trọng xây dựng hệ thống pháp luật về Quốc phòng và An ninh từng bước hoàn chỉnh; vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng vào tình hình thực tiễn.
Hai là, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động sát, đúng là định hướng quan trọng để Ủy ban thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh nhấn mạnh, việc xác định được chương trình, kế hoạch hoạt động phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm và giới hạn nó trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì hoạt động của Ủy ban sẽ không dàn trải và lấn sang nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy ban khác.
Việc xây dựng phương hướng hoạt động của Ủy ban được coi trọng ngay từ đầu nhiệm kỳ và cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hoạt động từng năm, từng nhiệm vụ thẩm tra, giám sát cụ thể. Chương trình, kế hoạch hoạt động phải được tập thể Ủy ban bàn bạc và quyết định. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Thường trực Ủy ban có thể điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết vào chương trình theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc do đòi hỏi của khách quan của tình hình thực tiễn.
Đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương và lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, đại diện HĐND các huyện, thành phố của tỉnh Bình Dương dự Hội nghị.
Ba là, phát huy vai trò của Thường trực Ủy ban trong tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đã đề ra. Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh cho rằng, Thường trực Ủy ban không phải là một cấp trong hệ thống tổ chức của Quốc hội, nhưng thực tế cho thấy vai trò của Thường trực Ủy ban là rất quan trọng trong điều kiện đa số thành viên của Ủy ban hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Thường trực Ủy ban đảm nhiệm việc cụ thể hóa chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện, bảo đảm thông tin, tài liệu và các điều kiện cần thiết cho thành viên của Ủy ban hoạt động, duy trì quan hệ phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và các cơ quan hữu quan khác, chỉ đạo cơ quan tham mưu, giúp việc của Ủy ban...
Để hoạt động của Thường trực Ủy ban có hiệu quả, Ủy ban đã ban hành Quy chế làm việc và thành lập các Tiểu ban, trong đó quy định rõ chế độ làm việc, mối quan hệ và phân công cụ thể trong Thường trực Ủy ban. Trong hoạt động, Thường trực Ủy ban luôn chú ý phát huy vai trò tập thể, đề cao trách nhiệm của Tiểu ban và của từng cá nhân; coi trọng cải tiến phương thức hoạt động và lề lối làm việc; không ngừng phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban.
Bốn là, tăng cường đoàn kết, phối hợp công tác là điều kiện quan trọng, tạo thuận lợi cho Ủy ban hoàn thành nhiệm vụ. Ủy ban Quốc phòng và An ninh làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, nên Ủy ban đã đề cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất trong hoạt động; tạo điều kiện và phát huy được sự tham gia ý kiến của các thành viên Ủy ban, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng pháp luật; coi trọng công tác khảo sát thực tế, lắng nghe, tham khảo ý kiến các cấp, các ngành, các chuyên gia và cử tri...
Ủy ban Quốc phòng và An ninh luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan hữu quan khác trong việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh cũng như khi tiến hành giám sát ở những địa bàn trọng điểm, những nội dung quan trọng có liên quan đến chủ quyền, biên giới, biển đảo...
Trong hoạt động giám sát, khảo sát, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương. Sự phối hợp đó đã giúp cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoạt động ngày càng có hiệu quả, góp phần tích cực vào hoạt động chung của Quốc hội.
Toàn cảnh Hội nghị.
Năm là, luôn chủ động “từ sớm, từ xa” trong công tác xây dựng pháp luật. Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh khẳng định, tinh thần chủ động, “từ sớm, từ xa” làm cho việc thẩm tra hiệu quả, thể hiện rõ nét nhất từ khi bắt đầu nhiệm kỳ khóa XV này. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia xây dựng chương trình toàn khóa 5 năm và đồng thời cụ thể từng năm, cùng nhau tính toán để xác định luật nào cần ưu tiên trước về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội để chủ động thực hiện.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ động ký Quy chế phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về những vấn đề cần làm theo chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban như xây dựng pháp luật, giám sát, khảo sát và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã vào cuộc từ sớm cùng với Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết ngay từ đầu, từ khi mới thành lập đã cử người tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập để cùng trao đổi về quy trình, thủ tục, nắm bắt về nội dung phục vụ cho công tác thẩm tra, chỉnh lý được hiệu quả, chất lượng hơn.
Sáu là, coi trọng công tác thu thập thông tin, tài liệu, chủ động nghiên cứu kết hợp với huy động sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thẩm tra các dự án, dự thảo do Ủy ban phụ trách. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức nhiều hoạt động thu thập thông tin, tài liệu, huy động sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân như: Thu thập, nghiên cứu các văn bản Đảng, Nhà nước đến nội dung thẩm tra; tổ chức khảo sát thực tiễn, tổ chức hội thảo, tổ chức thu thập lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng tác động, tham khảo kinh nghiệm và tài liệu nước ngoài...
Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức nhiều hình thức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các vấn đề quan tâm như: Mời tham dự hội nghị; yêu cầu cơ quan, tổ chức trình dự án, dự thảo báo cáo; tổ chức hội thảo, khảo sát thực tế. Các ý kiến có liên quan đến nội dung dự án, dự thảo đều được Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chỉ đạo tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu thấu đáo, với thái độ nghiêm túc, đề cao tinh thần trách nhiệm, tiếp thu tối đa, giải trình thuyết phục.
Do vậy, Ủy ban đã có những đề xuất về chính sách, pháp luật bảo đảm chính xác, khách quan, phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi, làm cơ sở quan trọng cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua.
Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh nắm bắt thực tế tại Sư đoàn 320.
Bảy là, lựa chọn chuyên đề giám sát, đối tượng giám sát và làm tốt công tác chuẩn bị quyết định chất lượng hoạt động giám sát. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh, lĩnh vực Quốc phòng và An ninh có tính đặc thù, rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, có nhiều nội dung bí mật, nhạy cảm.
Việc lựa chọn chuyên đề, nội dung giám sát là vấn đề quan trọng, mang tính quyết định. Việc xác định chuyên đề, nội dung giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh không chỉ tập trung vào giám sát việc thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà còn phải quan tâm đến các nội dung, vấn đề trên thực tế còn vướng mắc, bất cập mà chưa được tổ chức giám sát hoặc đã giám sát nhưng hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, để giám sát đạt chất lượng, hiệu quả thì cần phải quan tâm lựa chọn phạm vi, đối tượng và phương pháp tiến hành giám sát cho sát hợp; công tác chuẩn bị phải rất công phu, chu đáo, bố trí thời gian thỏa đáng và huy động được lực lượng cần thiết; phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị, địa phương nơi đoàn đến giám sát làm tốt việc xây dựng chương trình hoạt động của Đoàn để thuận lợi và hiệu quả./.