PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ

22/02/2023

Sáng 22/02, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử.

HOÀN THIỆN DỰ THẢO BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ

Quang cảnh phiên họp

Cùng dự phiên họp có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Ban chỉ đạo; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng và các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao kết quả triển khai xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử trong thời gian qua. Cho rằng đây là nội dung mới, khó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất một số định hướng cho thời gian tới nhằm kế thừa những kết quả trong thời gian vừa qua, đồng thời bắt kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là khi chuyển đổi số đang là xu thế. Cụ thể, cần nhận thức rõ Quốc hội điện tử là gì, xác định rõ vai trò, mục tiêu cụ thể của việc xây dựng Quốc hội điện tử; tập trung tham khảo một số kinh nghiệm các nước trên thế giới về triển khai Quốc hội điện tử...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu khai mạc

Báo cáo một số kết quả trong việc triển khai xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để đảm bảo hiệu quả về mặt thời gian, song song với việc xây dựng Đề án Quốc hội điện tử, Văn phòng Quốc hội tiếp tục nghiên cứu và thực hiện một số ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ các hoạt động của Quốc hội đảm bảo đúng định hướng và khuôn khổ Khung kiến trúc Quốc hội điện tử. Cụ thể, Văn phòng Quốc hội đã tiến hành từng bước xây dựng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành điện tử; hệ thống gỡ băng ghi âm phục vụ các hoạt động chuyên môn của Văn phòng Quốc hội; hệ thống phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin trên các thiết bị di động thông minh; đầu tư bổ sung phòng họp trực tuyến tại Nhà Quốc hội…

Trong đó, về hệ thống gỡ băng ghi âm phục vụ các hoạt động chuyên môn của Văn phòng Quốc hội, từ năm 2020, Văn phòng Quốc hội đã trao đổi, làm việc với một số đơn vị công nghệ thông tin để nghiên cứu phát triển công nghệ nhận dạng tiếng nói thành văn bản. Qua nhiều lần thử nghiệm tại Kỳ họp Quốc hội cho thấy việc ứng dụng công nghệ nhận dạng tiếng nói thành văn bản có khả năng đáp ứng một số yêu cầu như: hỗ trợ các phiên họp chất vấn; nhận dạng nhanh ghi âm các phiên họp, đặc biệt là các phiên họp thảo luận ở Tổ...

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo

Tuy nhiên, việc triển khai này còn gặp một số khó khăn như độ chính xác khi chuyển thành văn bản không cao; công nghệ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đã lạc hậu, không phù hợp với giai đoạn hiện nay; cấu trúc hệ thống không có khả năng mở rộng, nâng cấp để đáp ứng các yêu cầu mới; bộc lộ hạn chế, bất cập không thể khắc phục được, đặc biệt là hệ thống không có tính năng kết nối, chia sẻ dữ liệu và tích hợp công nghệ nhận dạng tiếng nói thành văn bản.

Về hệ thống phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin trên các thiết bị di động thông minh, Văn phòng Quốc hội đã xây dựng phương án thay thế các máy chủ, thiết bị hạ tầng, thiết lập lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại phòng máy chủ của Văn phòng Quốc hội và thuê nhân lực vận hành App Quốc hội.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, do đặc thù công việc, khối lượng văn bản cần xử lý của Văn phòng Quốc hội là rất lớn, công việc theo dõi xử lý, giải quyết các nhiệm vụ tham mưu của chuyên viên, cán bộ là rất quan trọng. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cần tham khảo kinh nghiệm từ các cơ quan, đơn vị để có cách thức ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tổ chức, sắp xếp, đánh giá tiến độ và chất lượng công việc, qua đó nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc của Văn phòng Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng cần rà soát tổng thể hệ thống, có phương án xử lý cụ thể, đảm bảo trang thiết bị đầy đủ, kịp thời, đầu tư xây dựng các hệ thống công nghệ, cơ sở dữ liệu, vận hành một cách đồng bộ, bài bản, phù hợp với tầm vóc Quốc hội Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng, để đảm bảo hiệu quả về mặt thời gian, song song với việc xây dựng Đề án Quốc hội điện tử, Văn phòng Quốc hội cần tiếp tục triển khai các dự án công nghệ thông tin trọng tâm năm 2023, đảm bảo đúng định hướng và khuôn khổ Đề án Quốc hội điện tử.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin khác để phục vụ các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội đảm bảo đúng định hướng và khuôn khổ Khung kiến trúc Quốc hội điện tử. Cụ thể, cần xây dựng kho dữ liệu số của Quốc hội, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu hiện có, phát triển các cơ sở dữ liệu mới, tiếp tục số hóa các văn kiện, tài liệu, văn bản luật, nghị quyết, pháp lệnh…; nghiên cứu xây dựng hệ thống kiểm soát thông tin không gian mạng để đáp ứng yêu cầu kiểm soát thông tin của Quốc hội; triển khai tổng thể các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải biểu dương những cố gắng của Tổ giúp việc Ban chỉ đạo, đánh giá cao những ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm trong cuộc họp, đồng thời đề nghị Văn phòng Quốc hội tiếp thu các ý kiến đóng góp, nghiên cứu, xây dựng Đề cương Đề án Quốc hội điện tử và Khung kiến trúc Quốc hội điện tử để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội tích cực tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, phát huy tinh thần chủ động, độc lập, nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng phương án khả thi, hợp lý để đảm bảo giải quyết vấn đề trước mắt cũng như có đường lối phát triển lâu dài, góp phần đóng góp nhiều hơn vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo một số kết quả trong việc triển khai xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng cần tham khảo kinh nghiệm từ các cơ quan, đơn vị để có cách thức ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tổ chức, sắp xếp, đánh giá tiến độ và chất lượng công việc

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng cần rà soát tổng thể hệ thống, có phương án xử lý cụ thể, đảm bảo trang thiết bị đầy đủ, kịp thời, đầu tư xây dựng các hệ thống công nghệ, cơ sở dữ liệu, vận hành một cách đồng bộ, bài bản, phù hợp với tầm vóc Quốc hội 

Các đại biểu cho rằng, để đảm bảo hiệu quả về mặt thời gian, song song với việc xây dựng Đề án Quốc hội điện tử, Văn phòng Quốc hội cần tiếp tục triển khai các dự án công nghệ thông tin trọng tâm năm 2023, đảm bảo đúng định hướng và khuôn khổ Đề án Quốc hội điện tử.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Văn phòng Quốc hội tích cực tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, phát huy tinh thần chủ động, độc lập, nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng phương án khả thi, hợp lý để đảm bảo giải quyết vấn đề trước mắt cũng như có đường lối lâu dài trong xây dựng Quốc hội điện tử./.

Minh Hùng - Phạm Thắng