LUẬT SƯ ĐẶNG THÀNH CHUNG: CẦN CÓ QUY ĐỊNH ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI NGƯỜI MUA NHÀ TẠI CÁC DỰ ÁN DO LỖI CHỦ ĐẦU TƯ SAI PHẠM

20/02/2023

Sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Hiên nay, Dự thảo Luật sửa đổi đang được lấy ý kiến Nhân dân đến hết ngày 15/3/2023. Góp ý vào nội dung Dự thảo, Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho rằng, cần có quy định phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người mua nhà tại các dự án do lỗi chủ đầu tư sai phạm…

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tổ chức từ 3/1 đến hết ngày 15/3/2023. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.

Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, bao gồm nhiều chính sách mới; sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Góp ý vào Dự thảo, Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cho rằng, để phù hợp với thực tiễn, các chính sách mới và nội dung cơ bản của dự thảo luật có nhiều điểm mới nổi bật và mang tính đột phá quan trọng như: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; …

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội 

Phóng viên: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến Nhân dân từ 3/1 đến hết ngày 15/3/2023. Vậy Luật sư có đánh giá tổng quan như thế nào về những chính sách mới và nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)?

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Luật Đất đai là văn bản quy phạm pháp luật có sức tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến từng cá nhân và mội trường đầu tư, kinh doanh. Để phù hợp với thực tiễn, các chính sách mới và nội dung cơ bản của dự thảo luật có nhiều điểm mới nổi bật và mang tính đột phá quan trọng như đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; … Đây là các chính sách vô cùng thiết thực, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

Ngoài ra, các chính sách và nội dung cơ bản của dự thảo cũng tiếp tục bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; thể hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai; đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, đáp ứng nguyện vọng công khai, minh bạch các quy định, từ đó giải quyết hài hòa lợi ích của người sử dụng đất, nhà nước, nhà đầu tư. Từ đó thực hiện mục đích lớn là hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, lâu dài, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Phóng viên: Trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là 1 trong 7 nội dung trọng tâm lấy ý kiến lần này. Từ hoạt động thực tiễn, Luật sư có kiến nghị cụ thể như thế nào nhằm hoàn thiện quy định tại Dự thảo về nội dung này?

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Các quy định tại Dự thảo về nội dung này cần đảm bảo cao nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Theo đó, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia và đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, nếu bồi thường bằng tiền thì phải đảm bảo đúng giá trị đất bị thu hồi, giá trị chủ đầu tư bồi thường; bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn; mạnh tay xử lý các vi phạm pháp luật về thu hồi và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt là trách nhiệm liên đới của cán bộ quản lý nhà nước về đất đai và chủ đầu tư.

Bênh cạnh đó, tình trạng tại các dự án do chủ đầu tư sai phạm gây chậm trễ cho người mua nhà trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai các dự án xây dựng nhà ở vẫn còn rất phổ biến và chưa có biện pháp giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà. Do đó, các quy định pháp luật liên quan đến nội dung này cần được nghiên cứu, xem xét sửa đổi theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người dân, chỉ cần người dân làm xong mọi thủ tục mua nhà với chủ đầu tư là cơ quan nhà nước có thể cấp luôn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn việc chủ đầu tư sai phạm thì xử lý riêng và cũng cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của chủ đầu tư để kịp thời xử lý ngay từ lúc đang xây dựng, không thể để đến khi người dân nhận nhà, đến ở mới phát hiện và không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Phóng viên: Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và HĐND trong việc xây dựng bảng giá đất là điểm mới nổi bật của dự thảo Luật, thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Vậy, theo quan điểm của Luật sư việc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường cần được cụ thể hóa như thế nào?

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Để xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, tôi cho rằng cần phải có sự chung tay của nhiều bên liên quan, có thể kể đến như: Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về giá đất, tại hệ thống này giá đất được công khai, minh bạch không chỉ đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân khi giao dịch về đất đai mà còn tránh thất thu ngân sách nhà nước về thuế chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời, khi thực hiện các giao dịch về đất đặc biệt là các dự án đầu tư bất động sản, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai tại cơ sở và chủ đầu tư cần phối hợp với sự tham vấn của Tổ chức định giá đất chuyên nghiệp để thực hiện bồi thường khi thu hồi và xác định giá đất giao dịch khi dự án hoàn thiện.

Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế nhằm khuyến khích người dân thực hiện giao dịch đất đai tại dự án thông qua các sàn giao dịch bất động sản để đảm bảo công khai, minh bạch, hợp pháp các thông tin người dân tiếp cận; hạn chế tình trạng sốt đất ảo, giúp cân bằng, ổn định về giá thị trường; có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá về đất gây nhiễu loạn thị trường đất đai.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Lê Anh