Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị nguyên tắc của Hợp tác xã trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Hợp tác xã năm 2012 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.
Do đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi gồm 12 Chương, 111 Điều trong đó: bãi bỏ 03 Điều, sửa đổi 65 Điều, bổ sung 49 Điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012.
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) lần này là bổ sung một Chương về Kiểm toán hợp tác xã. Trong đó, quy định các nội dung kiểm toán đặc thù so với pháp luật về kiểm toán hiện hành, cụ thể: Bổ sung quy định các đối tượng bắt buộc phải kiểm toán bao gồm,Hợp tác xã có quy mô vừa, lớn; liên hiệp Hợp tác xã; liên đoàn Hợp tác xã; …
Đồng thời, bổ sung quy định kiểm toán độc lập về báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động theo quy định pháp luật kiểm toán độc lập; khuyến khích thực hiện kiểm toán nội bộ do tổ chức Hợp tác xã tự thực hiện hoặc đi thuê. Bổ sung mục đích báo cáo kiểm toán để công bố, minh bạch thông tin cho thành viên và cơ quan quản lý nhà nước; căn cứ để Nhà nước xem xét hỗ trợ. Quy định đối tượng, tần suất, nội dung kiểm toán độc lập bắt buộc cho từng đối tượng cụ thể.
Góp ý về nội dung này, đại biểu Trần Thị Hiền, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nêu rõ, đây là hoạt động cần thiết để bảo đảm tính minh bạch, công khai, thúc đẩy các tổ chức đẩy phát triển. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tính khả thi của quy định cơ quan tiến hành kiểm toán là cơ quan nào, quy trình kiểm toán, cách thức kiểm toán để tránh việc gây khó khăn, cản trở cho các tổ chức này trong quá trình hoạt động.
Cùng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, đưa nội dung kiểm toán hợp tác xã là phù hợp với xu hướng của nền kinh tế thị trường hiện nay, “bởi muốn lớn mạnh phát triển thì phải minh bạch, muốn minh bạch thì phải có kiểm toán” – Đại biểu lý giải
Theo đại biểu tỉnh Đắk Nông phải thực hiện kiểm toán khi mở rộng một phần góp vốn, khi mua cổ phần, cổ phiếu bên ngoài phải kiểm toán. Đồng thời, thành viên phải nắm rõ được năng lực, tiềm lực của hợp tác xã khi tham gia góp vốn, nhằm đảm bảo quyền lợi của chính mình.
Từ góc độ nghiên cứu cũng như hoạt động thực tiễn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp Ngô Sỹ Đạt cho biết, từ khi ban hành Luật Hợp tác xã 2012 đến nay, Chính phủ chưa ban hành quy định cụ thể về kiểm toán hợp tác xã. Trong quá trình triển khai Luật Hợp tác xã 2012, nhiều Hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chưa đúng các quy định về mặt kế toán, quản lý tài chính và hệ thống các báo cáo tài chính. Điều này cũng dẫn đến công tác quản lý nhà nước về Hợp tác xã còn nhiều hạn chế. Các Hợp tác xã không đủ điều kiện để hoàn thiện thủ tục vay vốn và tiếp cận các dự án hỗ trợ, đầu tư.
Bày tỏ tán thành sự cần thiết bổ sung quy định về Kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp Ngô Sỹ Đạt cho rằng, quy định về kiểm toán nên theo hướng yêu cầu Hợp tác xã phải thực hiện kiểm toán nội bộ, khuyến khích kiểm toán độc lập. Quy định về nội dung kiểm toán, đối tượng kiểm toán, tần suất kiểm toán, người kiểm toán, tiêu chuẩn kiểm toán viên.
Quan tâm tới nội dung này, một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, quy định tại Dự thảo Luật còn khó thực hiện và mờ nhạt cần phải được làm rõ, đảm bảo tính khả thi,… Ngoài ra, cân nhắc quy định thành lập kiểm toán nội bộ hay theo kinh nghiệm thế giới là mô hình kiểm toán độc lập thuộc Liên minh Hợp tác xã; cần quy định hoạt động kiểm toán được thực hiện để đánh giá, xác nhận mức độ tin cậy của các báo cáo tài chính, báo cáo về hoạt động của Hợp tác xã, đánh giá tình hình tài chính Hợp tác xã, đánh giá và xác định các rủi ro, các sai phạm và các sai sót trọng yếu;…
Trước đó, Báo cáo tổng hợp tổng hợp ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cho thấy, nhiều ý kiến cho rằng kiểm toán Hợp tác xã là hoạt động cần thiết để đảm bảo tính minh bạch, công khai, thúc đẩy Hợp tác xã phát triển, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tính khả thi của các quy định về cơ quan tiến hành kiểm toán, quy trình kiểm toán, cách thức kiểm toán, mức độ kiểm toán, chi phí kiểm toán để tránh gây khó khăn, cản trở các Hợp tác xã trong quá trình hoạt động, nên cân nhắc các nội dung kiểm toán theo quy mô Hợp tác xã; quy định tại điểm a khoản 1 Điều 100 sẽ là yêu cầu quá cao đối với các Hợp tác, Liên hiệp Hợp tác và Liên đoàn Hợp tác xã.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đại biểu cho rằng quy định kiểm toán Hợp tác xã là chưa cần thiết, quy định quá chặt sẽ gây khó khăn cho sự phát triển của Hợp tác xã; có ý kiến cho rằng không cần thiết phải kiểm toán Hợp tác xã vì mô hình quản lý cũng như cách thức quản lý, vận hành Hợp tác xã ở mức độ rất đơn giản; có ý kiến cho rằng khi cần kiểm toán, Đại hội thành viên quyết định sẽ phù hợp hơn, không nên bắt buộc;…
Hiện nay, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đang được cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật đảm bảo chặt chẽ, khả thi, trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây./.