SỬA ĐỔI LUẬT VIỆC LÀM, GÓP PHẦN XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI AN SINH XÃ HỘI BAO TRÙM, BỀN VỮNG
An sinh xã hội vẫn chưa theo kịp quá trình đổi mới đất nước
Qua báo cáo của các Bộ, ngành cùng với công tác khảo sát thực tiễn, nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia đánh giá thành tựu về an sinh xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số những năm qua rất đáng tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được cũng còn tồn tại một số hạn chế trong vấn đề này.
Cụ thể, TS.Nguyễn Tiến Hùng, Học viện Chính sách và Phát triển chỉ ra rằng, tư duy quản lý về an sinh xã hội vẫn chưa theo kịp quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế và nền kinh tế số. Các chủ trương, đường lối, chính sách, kế hoạch phát triển an sinh xã hội chưa bám sát thực tiễn cơ sở; sự chủ động, thích ứng, nhạy bén, sáng tạo trong quản lý, điều hành chưa được cải thiện. Thể chế an sinh xã hội còn chậm đổi mới, thiếu đồng bộ; pháp luật về an sinh chưa hiệu quả. Một số văn bản quản lý vừa được ban hành đã có những bất cập, đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung. Việc tổ chức thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về an sinh xã hội còn yếu, nên nhiều quy phạm pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nhận thức về an sinh xã hội trong kỷ nguyên số của các cấp, các ngành còn mang tính hình thức, cứng nhắc. Trên thực tế, vai trò, vị trí của an sinh xã hội chưa được đặt ngang tầm với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng...
Bên cạnh đó, trình độ khoa học - kỹ thuật, công nghệ của đất nước cũng như các nguồn lực khác còn nhiều hạn chế. Đội ngũ nguồn nhân lực làm trong lĩnh vực an sinh xã hội còn yếu, thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý, tính chuyên nghiệp chưa cao, đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành an sinh xã hội còn hạn chế. Bên cạnh nguồn lực tài chính cho an sinh xã hội còn hạn hẹp, mức độ hỗ trợ còn thấp thì một bộ phận đối tượng thụ hưởng vẫn còn ỷ lại, trông chờ vào chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước; việc phát huy tiềm năng và trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực an sinh xã hội chưa được sâu rộng, tự giác.
Ngoài ra, chất lượng dịch vụ an sinh xã hội chưa cao, nhất là các dịch vụ bảo hiểm, y tế. Các sản phẩm dịch vụ an sinh xã hội vẫn chưa thực sự sáng tạo, phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Hệ thống an sinh xã hội chưa bao phủ hết các mặt, các lĩnh vực, đối tượng tham gia còn hẹp. Tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) còn thấp do các giải pháp mở rộng đối tượng chưa thật sự hiệu quả, đặc biệt là đối với các đối tượng lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức. Quỹ BHXH chưa bền vững. Quy mô và chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản chưa cao, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội
Quan tâm về nội dung này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội phân tích, theo Báo cáo của Chính phủ, những năm qua, việc làm, sinh kế của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng, đặc biệt trong năm 2021 (lần lượt là 3,22% và 3,1%). Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,5 triệu người, giảm 0,8 triệu người so với năm trước. Có hơn 28,2 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có 4,7 triệu người bị mất việc làm; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm; 18,9 triệu người bị giảm thu nhập. Dịch bệnh cũng khiến 1,3 triệu lao động và thân nhân di cư ngược lại khu vực nông thôn, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh (292 nghìn người) và các tỉnh, thành khu vực phía Nam (450 nghìn người).
Nhóm yếu thế như người nghèo, lao động tự do, xe ôm, bán hàng rong, kinh doanh cá thể, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ... là những người phần lớn làm việc trong khu vực phi chính thức; nay thu nhập của họ lại bị giảm, bị mất do Covid-19 mà bản thân họ và gia đình ít được bảo đảm, hỗ trợ bằng các "lưới" an sinh xã hội. Do đó, phải đưa nhóm yếu thế vào trung tâm, trọng tâm của các chính sách an sinh xã hội.
Đại biểu cũng chỉ ra rằng, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, tính đến giữa tháng 8/2020, khoảng 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng lao động nhận được hỗ trợ, với tổng số tiền giải ngân chỉ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, những người được hỗ trợ đa phần là nhóm lao động có bảo hiểm, lao động là người có công, hộ nghèo. Trong khi đó, lao động chịu tác động mạnh nhất là người lao động tự do, lao động yếu thế thuộc khối phi chính thức lại không tiếp cận được với hỗ trợ này.
Việc thực thi các chính sách hỗ trợ trực tiếp gặp rào cản lớn do chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý thông tin về người được hưởng hỗ trợ, dẫn đến việc thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ được thiết kế quá phức tạp, gây bất tiện cho người dân.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động để phát triển hệ thống an sinh xã hội
Đưa ra một số góp ý nhằm phát triển chính sách an sinh xã hội trong xu thế chuyển đổi số, các đại biểu và chuyên gia hướng tới 04 nhóm giải pháp sau:
Một là, cần tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động và tổ chức triển khai, phát triển hệ thống an sinh xã hội theo Quyết định số 794/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực y tế; đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực an sinh xã hội thành chương trình hành động của tất cả các bộ, ngành, địa phương một cách thực chất, hiệu quả. Tăng cường hơn nữa nhận thức về vai trò và vị trí của an sinh xã hội trong chuỗi động lực phát triển đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và môi trường, hợp tác quốc tế. An sinh xã hội phải trở thành khâu đột phá chiến lược trong mô hình phát triển bền vững của đất nước giai đoạn 2021 - 2026 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Công tác giáo dục, tuyên truyền chính sách an sinh xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng cần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn xã hội, trong đó cân nhắc đến yếu tố tác động của các phương tiện truyền thông mới.
Cần đưa nhóm yếu thế vào trung tâm, trọng tâm của các chính sách an sinh xã hội
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế an sinh xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số nhằm tạo ra mạng lưới an sinh xã hội đa dạng, phong phú, sát hợp thực tiễn, phù hợp thông lệ quốc tế. Hoàn thiện pháp luật an sinh số, hành lang pháp lý, thúc đẩy mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào phát triển an sinh xã hội. Tạo cơ chế thúc đẩy hệ thống an sinh xã hội mạnh về nguồn lực, bao phủ toàn diện, an toàn, hiệu quả với cơ chế Nhà nước - doanh nghiệp - người dân cùng đồng hành, đổi mới, kiến tạo và phát triển. Phát huy tính sáng tạo, chủ động của các chủ thể an sinh trong đóng góp và thụ hưởng.
Ba là, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội đảm bảo công khai, minh bạch an sinh xã hội của những chủ thể có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao, nhanh chóng phát hiện để kịp thời xử lý và điều chỉnh đúng theo các quy định của pháp luật.
Bốn là, ứng dụng các công nghệ mới; chi trả, đóng nộp, thụ hưởng với sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ thông tin, nghe nhìn, internet trong các phần mềm quản lý dữ liệu và chia sẻ dữ liệu, tiến tới xây dựng mã số định danh an sinh xã hội duy nhất trong thực thi chính sách an sinh xã hội, tạo sự thống nhất và thuận lợi trong việc quản lý, tiếp cận phát triển, cũng như hỗ trợ các đối tượng cần thụ hưởng. Tăng cường nguồn lực tài chính đầu tư phục vụ cho quá trình chuyển đổi số hóa an sinh xã hội từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã./.