TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI CHỦ TRÌ TỌA ĐÀM LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI KHÓA XV

16/02/2023

Sáng 16/02, tại Nhà Quốc hội, Đảng Đoàn Quốc hội, Ban Chỉ đạo đề án nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Đề án nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì Tọa đàm.

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG LÀM VIỆC VỚI BAN THƯ KÝ

Quang cảnh Tọa đàm

Cùng dự Tọa đàm có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; các đồng chí nguyên là đại biểu Quốc hội, các đồng chí nguyên là  lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số cơ quan thông tấn, báo chí; đại diện các đơn vị làm công tác truyền thông.

Cần sớm xây dựng định hướng chính sách về công tác truyền thông của Quốc hội bảo đảm chuyên nghiệp, thống nhất

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án Phạm Thái Hà cho biết, đây là một hoạt động rất quan trọng, đóng góp công sức, trí tuệ cho việc nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của Quốc hội, đặc biệt là Quốc hội khóa XV.

Nhấn mạnh công tác truyền thông có vai trò quan trọng đối với nền quản trị của mỗi quốc gia, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà nêu rõ, ở Việt Nam, trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền với mục đích góp phần làm cho dân hiểu, dân nhớ, dân tin và dân thực hiện đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Đối với Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của cử tri, Nhân dân cả nước, thì việc tổ chức hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam - Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án Phạm Thái Hà phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Trong những năm qua, Đảng đoàn Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao Văn phòng Quốc hội - cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội không ngừng cải tiến, đổi mới về nội dung và phương thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà thấy rằng, thông qua việc tổ chức hiệu quả hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội nói chung và hoạt động của các cơ quan báo chí nói riêng đã chuyển tải kịp thời thông tin tin cậy, chính xác về hoạt động của Quốc hội, của mỗi đại biểu Quốc hội tới cử tri, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, tạo điều kiện để cử tri giám sát hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; qua đó, góp phần nâng cao vị thế, vai trò và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của cách mạng công nghệ lần thứ Tư và chuyển đổi số, đặc biệt xuất phát từ yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho rằng, cần sớm xây dựng định hướng chính sách về công tác truyền thông của Quốc hội bảo đảm chuyên nghiệp, thống nhất. Chính vì vậy, trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng đoàn Quốc hội đã giao Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Chiến lược truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở đó, ngày 09/9/2022, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 944-NQ/ĐĐQH15 về việc thành lập Ban chỉ đạo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV.

Đề hoàn thiện dự thảo Đề án, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà đề nghị các đại biểu quan tâm, tập trung thảo luận về các nội dung đề cập đến trong dự thảo Đề án, đặc biệt là những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, có tính khả thi cao để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của Quốc hội. Đồng thời mong muốn các chuyên gia, các đại biểu bằng những kinh nghiệm quý báu từ lý luận đến thực tiễn đóng góp nhiều ý kiến hay, hữu ích, làm cơ sở để Ban Chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án trước khi trình Đảng đoàn Quốc hội xem xét tại phiên họp tháng 3 sắp tới.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Đề nghị sửa lại tên gọi của Đề án

Tại Tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận, cho ý kiến về mục tiêu, định hướng, quan điểm của dự thảo Đề án và những nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của Quốc hội khóa XV và định hướng cho khóa tiếp theo. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm tiếp tục kế thừa, phát triển những kết quả đã đạt được, đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn cũng như trong quy định của pháp luật về công tác truyền thông của Quốc hội thời gian qua.

Đa số các ý kiến đại biểu, chuyên gia kiến nghị cần sửa lại tên gọi của Đề án. Góp ý vào dự thảo Đề án, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Hồ Quang Lợi đề nghị bổ sung tên gọi của dự thảo Đề án là: “Đề án nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV hướng tới năm 2030” thì sẽ bao quát hơn.

Về bố cục, Đề án này gồm 4 phần chính, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Hồ Quang Lợi nhận thấy, phần 1 đã rất rõ, phần 2 đánh giá thực trạng: gồm những việc làm được khá đầy đủ, còn về những thiếu sót, hạn chế, bất cập thì có thể gom lại ý để có tính khái quát hơn. Đồng thời Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Hồ Quang Lợi đề nghị nên gom vào thành 5 hạn chế để giải quyết theo 5 nhóm giải pháp đã nêu. Sau khi nêu những mặt được, thiết sót, nguyên nhân, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Hồ Quang Lợi đề nghị nên có đánh giá chung, từ đó đề ra biện pháp khắc phục. Đồng thời đề nghị nên thay đổi nội dung những thách thức đặt ra với công tác truyền thông Quốc hội và nên đưa vào phần mở đầu của Phần 3 thì hợp lý hơn.

Về các nhóm giải pháp, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh cần xác định rõ hơn khi lực lượng tham gia truyền thông về hoạt động của Quốc hội gồm những ai? Tức là người làm và ai là đối tượng mà mình phục vụ? Trong bối cảnh truyền thông hiện nay, ông Hồ Quang Lợi cho rằng, việc xem nhẹ vai trò của báo chí là rất nguy hiểm, dễ gây hỗn loạn về mặt truyền thông.

Nhấn mạnh hơn nữa vai trò của báo chí cách mạng, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, xây dựng cơ quan báo chí truyền thông đa phương tiện gắn với chuyển đổi số là không thể tách rời. Báo chí phải sử dụng mạng xã hội, gắn với truyền thông xá hội và các nền tảng xuyên biên giới. Đồng thời phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm của báo chí trong việc định hướng dư luận xã hội.

Đánh giá Đề án được chuẩn bị rất công phu, trên kinh nghiệm truyền thông nghị viện, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, muốn chính sách rõ thì mục tiêu của truyền thông phải rõ tất cả các mục tiêu, trong đó nhấn mạnh đến 5 mục tiêu cần quan tâm.

Đánh giá Đề án được chuẩn bị rất công phu, trên kinh nghiệm truyền thông nghị viện, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, muốn chính sách rõ thì mục tiêu của truyền thông phải rõ tất cả các mục tiêu, trong đó nhấn mạnh đến 5 mục tiêu cần quan tâm.

Mục tiêu đầu tiên là thông tin cho công chúng. Thông tin phải chính xác, kịp thời. Mục tiêu thứ hai là lôi cuốn công chúng vào quy trình quản trị quốc gia, thúc đẩy quy trình dân chủ. Để lôi cuốn công chúng, phải có bộ phận để trả lời công chúng. Mục tiêu thứ ba là xây dựng lòng tin xã hội, sự minh bạch để chính sách được hiểu, được chia sẻ. Mục tiêu thứ tư là giáo dục để người dân hiểu biết về Quốc hội. Mục tiêu thứ 5 là áp đặt chế độ trách nhiệm với Chính phủ - đây là một phần của quản trị quốc gia hiện đại.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nhận thấy, 5 mục tiêu đó xác định cách thức tổ chức Nghị viện. Muốn truyền thông tốt phải sử dụng tất cả các công cụ. Đồng thời cần lựa chọn công cụ phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, hiện tại có thể đo được người xem trên các kênh truyền thông, kênh nào hiệu quả hơn thì tập trung đầu tư, tránh dàn trải.

Từ đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng kiến nghị để nâng cao chất lượng công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội cần phải biết sáng tạo nội dung hấp dẫn, lôi cuốn. Thực tế nếu không sáng tạo được nội dung hấp dẫn thì không thể cạnh tranh. Đồng thời phải lôi cuốn, tương tác với công chúng, phải đào tạo đội ngũ vận hành chuyên nghiệp…

Trong khi đó, ĐBQH khóa XIV Dương Trung Quốc cho rằng, cần gắn kết Quốc hội với người dân. Bởi Quốc hội là thiết chế chính trị có vai trò quan trọng trong mọi mặt của đời sống (kinh tế, xã hội…). Vai trò của ĐBQH rất quan trọng, do vậy ĐBQH khóa XIV Dương Trung Quốc nhận thấy, phát huy vai trò của báo chí rất quan trọng để đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của mình, người dân thực hiện vai trò giám sát của mình. Nhấn mạng năng lực truyền thông của ĐBQH, ĐBQH khóa XIV Dương Trung Quốc cho rằng, nếu 500 đại biểu cùng phát huy tiếng nói của mình thì mức độ ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ. Người dân có tín nhiệm Quốc hội hay không được thể hiện thông qua ĐBQH. Tuy nhiên đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, hiện dự thảo Đè án chưa làm rõ vai trò của ĐBQH thông qua công tác truyền thông trong Đề án, do đó đề nghị cấn nhấn mạnh hơn nữa nội dung này.

Nội dung và hình thức Đề án cần mạch lạc hơn

Cũng tại Tọa đàm, nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh sự bùng nổ truyền thông xã hội tác động đến truyền thông của Quốc hội, do đó kiến nghị cần điều tra xã hội học truyền thông của Quốc hội với công chúng. Dự thảo Đề án cần nhấn mạnh hơn Quốc hội và ĐBQH cần gì ở truyền thông và ý nghĩa của việc truyền thông như thế nào? Đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng hình ảnh người đại biểu trước công chúng rất quan trọng.

Có ý kiến cho rằng, hoạt động của Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, và các Ban của UBTVQH rất thường xuyên, liên tục nhưng công tác truyền thông đến với công chúng về những hoạt động này còn hạn chế. Do vậy đề nghị cần đẩy mạnh truyền thông để cho người dân hiểu Quốc hội hoạt động thường xuyên, liên tục, thường nhật chứ không phải chỉ “xuân thu nhị kỳ”.

Các ý kiến đại biểu cũng kiến nghị các đơn vị truyền thông của Quốc hội như Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Báo Đại biểu nhân dân cần chủ động phối hợp trong công tác truyền thông với các cơ quan báo chí lớn khác như Thông tấn xã Việt nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thì mới thực hiện tốt và đem lại hiệu quả cao. Đồng thời xây dựng đầu mối về công tác truyền thông hoạt động của Quốc hội, đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí có đầu mối về truyền thông Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án phát biểu kết luận Tọa đàm.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án cảm ơn các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp các ý kiến xác đáng, hữu ích để Tổ biên tập bổ sung, hoàn thiện dự thảo Đề án.

Hoan nghênh và biểu dương Tổ biên tập soạn thảo Đề án chuẩn bị tâm huyết, công phu, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần tiếp tục thể hiện đề án mạch lạc hơn, khúc chiết hơn như về tên gọi của Đề án, về bố cục sao cho hợp lý hơn. Đồng thời đề nghị hoàn thiện lại, viết mạch lạc theo từng nhóm vấn đề cho khúc chiết hơn.

Để đổi mới về nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, Truyền hình Quốc hội và Báo Đại biểu nhân dân phải là đầu mối về nội dung này, giúp cho việc tổ chức truyền thông chuyên nghiệp, bài hản. Về phương thức, sử dụng mạng xã hội để truyền thông chính sách… Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, vấn đề đặt ra là tổ chức thế nào để các đại biểu Quốc hội, các phóng viên báo chí truyền thông chính sách phải đảm bảo tính khả thi. Do đó, cần tính toán, có chiến lược bài bản nội dung này để sử dụng mạng xã hội truyền thông chính sách. Cùng với đó, cần chú ý công tác phối hợp với các cơ quan báo chí lớn, các mạng xã hội để truyền thông sâu rộng đến công chúng, đúng đối tượng… dự thảo Đề án cần được tập trung sửa, hoàn thiện các nội dung, bố cục đảm bảo tính khả thi./.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần tiếp tục thể hiện đề án mạch lạc hơn, khúc chiết hơn như về tên gọi của Đề án, về bố cục... sao cho hợp lý hơn, đồng thời đề nghị hoàn thiện lại theo từng nhóm vấn đề 

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho rằng cần sớm xây dựng định hướng chính sách về công tác truyền thông của Quốc hội bảo đảm chuyên nghiệp, thống nhất.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Hồ Quang Lợi đề nghị bổ sung tên gọi của dự thảo Đề án là: “Đề án nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV hướng tới năm 2030” thì sẽ bao quát hơn.

ĐBQH khóa XIV Dương Trung Quốc cho rằng, hiện dự thảo Đề án chưa làm rõ vai trò của ĐBQH thông qua công tác truyền thông trong Đề án, do đó đề nghị cấn nhấn mạnh hơn nữa nội dung này.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, hoạt động của Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, và các Ban của UBTVQH rất thường xuyên, liên tục nhưng công tác truyền thông đến với công chúng về những hoạt động này còn hạn chế. Do vậy, đề nghị cần đẩy mạnh truyền thông để cho người dân hiểu Quốc hội hoạt động thường xuyên, liên tục, thường nhật chứ không phải chỉ “xuân thu nhị kỳ”.

Đồng tình với việc sửa đổi tên gọi của Đề án, nhà báo Nguyễn Nhị Lê cho rằng Đề án được chuẩn bị rất công phu nhưng còn tản mạn. Đồng thời nhấn mạnh quan tâm đến cơ chế vận hành truyền thông xã hội, các nhân tố về truyền thông, thể chế, cơ chế vận hành truyền thông Quốc hội, đội ngũ truyền thông và hệ công cụ thực hiện truyền thông Quốc hội và ngoài Quốc hội.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XII Trần Đình Đàn kiến nghị các đơn vị truyền thông của Quốc hội như Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Báo Đại biểu nhân dân cần chủ động phối hợp trong công tác truyền thông với các cơ quan báo chí lớn khác như Thông tấn xã Việt nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thì mới thực hiện tốt và đem lại hiệu quả cao. 

Đồng tình với những mục tiêu, những kết quả đạt được, bộ máy công tác thông tin truyền thông, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cho rằng, cần nhấn mạnh tác động của thông tin truyền thông và vai trò của Quốc hội trong hệ thống thông tin truyền thông quốc gia ggồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Thông tin truyền thông Quốc hội chính là thông tin truyền thông của quốc gia.

Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu, chuyên gia.

Bích Ngọc - Phạm Thắng