SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC: KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ NGUỒN THẢI, ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG NƯỚC

15/02/2023

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). Tham gia ý kiến về dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải để đảm bảo chất lượng môi trường nước.

LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI): CẦN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ ĐỂ NÂNG CAO TÍNH CHỦ ĐỘNG VỀ NGUỒN NƯỚC

Xây dựng cơ chế khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Hiện nay, hồ sơ dự án Luật đang được tích cực chuẩn bị, tổng hợp các ý kiến đóng góp, chỉnh lý, bổ sung để hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiến tới trình Quốc hội cho ý kiến.

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, việc xây dựng Luật tài nguyên nước (sửa đổi) là yêu cầu cần thiết góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được biên tập công phu và đã cập nhật, sửa đổi các vấn đề bất cập trong công tác quản lý tài nguyên nước, tuy nhiên, cần rà soát, làm rõ một số khái niệm; rà soát nội dung, quy định về lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; các hành vi bị cấm;  phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ,....

Việc xây dựng Luật tài nguyên nước (sửa đổi) là yêu cầu cần thiết góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước (Ảnh minh họa)

Các đại biểu Quốc hội cùng các chuyên gia cũng đánh giá cao trong một thời gian ngắn khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 50 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường đã xây dựng Dự thảo Luật tương đối hoàn chỉnh để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Cơ quan soạn thảo đã tập hợp nghiên cứu rất kỹ chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,...

Các đại biểu cho biết, đây là dự án luật mang tính chuyên sâu, chuyên ngành, phức tạp và tác động đến nhiều đối tượng khác nhau, do vậy, Quốc hội đã có chủ trương từ sớm, từ xa để có thể tham gia ngay từ đầu nhằm lắng nghe các ý kiến để có tính phản biện cao hơn, thẩm tra sát với thực tiễn và có căn cứ khoa học.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, nhiều chuyên gia đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi). Luật Tài nguyên sửa đổi phải được cụ thể hóa đầy đủ nhất, sát thực nhất những quan điểm chỉ đạo của Đảng, kế thừa những vấn đề của Luật tài nguyên nước 2012 còn hiệu lực, ý nghĩa, không còn vướng mắc trong thực tiễn. Đặc biệt, dự thảo Luật cần tránh những chồng chéo khi Luật được ban hành.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Đi vào nội dung cụ thể, nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến nước theo hưởng quản lý nhu cầu, kinh tế hoá, xã hội hóa, chuyển đổi số, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương tăng cường phân cấp, giảm thủ tục hành chính, minh bạch; huy động nguồn lực, tạo điều kiện, động lực cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng ngành nước, lọc nước biển, xử lý nước thải; xây dựng và thực hiện cơ chế khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tái sử dụng nước, bảo vệ môi trường nước.

Bên cạnh đó, đối với việc huy động nguồn lực, nhiều ý kiến cho rằng, Ngân sách nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư các công trình khó huy động nguồn lực xã hội, xây dựng công trình lớn, quan trọng đặc biệt, công trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Vốn đầu tư công mang tính dẫn dắt, là vốn mỗi để thu hút lan tỏa vốn xã hội, hỗ trợ cho các dự án kém hấp dẫn nhưng có hiệu quả cho các vùng khó khăn nhằm chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư. Cần thu hút nguồn vốn ODA để đầu tư công trình trữ nước, liên kết, kết nối nguồn nước, công trình đảm bảo an sinh xã hội. 

Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải, đảm bảo chất lượng môi trường nước

Quan tâm đến dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, về công tác quy hoạch, điều tra cơ bản, cần xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển, giải quyết các tác động cực đoan về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, ủng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, bảo vệ môi trường nước; giải pháp dài hạn cho vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng có nguy cơ cao về an ninh nguồn nước.

Đối với công tác bảo đảm chất lượng môi trường nước, đại biểu nêu rõ, cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải; xác định mục tiêu và lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước mặt, vào công trình thủy lợi không còn khả năng chịu tải; phục hồi các dòng sông, nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng; hoàn thành việc công bố, kiểm soát dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối và hạ lưu các hồ chứa; tăng cường lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Cùng với đó, cần tăng cường tỷ lệ đấu nối nước thải từ hộ gia đình, cơ sở sản xuất đến hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, xử lý nước thải, quan trắc, giám sát nước thải, đặc biệt đối với các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm; tăng cường tỷ lệ tái sử dụng nước thải sau xử lý. Đại biểu cho rằng, về lâu dài cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật Kiểm soát ô nhiễm nước.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đối với vấn đề an toàn đập, hồ chứa nước, đại biểu đề nghị cần rà soát, đánh giá lại công năng, nhiệm vụ, quy trình vận hành của đập, hồ chứa nước so với thiết kế ban đầu để có giải pháp nâng cấp năng lực trữ nước, ứng phó với mưa lũ cực đoan, vận hành theo thời gian thực và hướng tới phục vụ đa mục tiêu. Nâng cao hiệu quả sử dụng dung tích hồ chứa, kể cả sử dụng phần dung tích chống lũ công trình, dung tích chết trong việc tham gia điều tiết cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Hoàn thiện hệ thống quản lý, khai thác đập, hồ chứa về chất lượng nguồn nhân lực và trang thiết bị, ứng dụng khoa học, công nghệ, hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành.

Thêm vào đó, đại biểu đề nghị tập trung hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và thiếu khả năng chống lũ vào năm 2025, đặc biệt đối với đập, hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn cao, lưu vực tập trung dòng chảy lũ về hồ nhanh; bảo đảm kinh phí bảo trì theo quy định. Đây nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đang triển khai thực hiện. Sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn cho các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 bằng các nguồn vốn ngân sách nhà nước, ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác. Xây dựng mới các hồ chứa nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mãn, lũ, ngập lụt, ủng để trữ nước, chuyển nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, đầy mặn, cắt giảm lũ đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Nhằm phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai và biến đổi khí hậu, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng cần tăng cường năng lực cho công tác dự báo, cảnh báo nguồn nước, thiên tại theo thời gian thực, kịp thời cung cấp số liệu, chủ động trong bố trí sản xuất và sinh hoạt, hỗ trợ ra quyết định. Đầu tư, nâng cấp hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, động đất, sóng thần; chú trọng nâng cấp mạng lưới trạm, điểm đo mặn.

Đại biểu cũng đề nghị cần quản lý, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Nâng cao chất lượng rừng trồng, chú trọng phát triển giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao; phát triển trồng rừng gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ. Tăng cường giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước. Theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn nước liên quốc gia.

Đối với việc ứng dụng khoa học công nghệ, đại biểu đề nghị đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ mới, đột phá, tiên tiến, hiện đại, thông minh, trí tuệ nhân tạo, nhất là các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước thực hiện chuyển đổi số để chủ động ứng phó với thiên tại liên quan đến nước và thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phát triển, tạo nguồn nước mới, thu, tích trữ, điều tiết, điều hòa, chuyển nước, liên kết nguồn nước; xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt tại chỗ phục vụ cấp nước dân sinh ven biển, vùng đảo; kiểm soát xâm nhập mặn, giữ ngọt, tích trữ nước ở trong sông, đặc biệt ở 5 lưu vực sông lớn gồm sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Cửu Long.

Nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn đề nghị cần thực hiện hiệu quả các cam kết, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia; chủ động tham gia, mở rộng hợp tác quốc tế có hiệu quả về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, trong đó tập trung vào hợp tác trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tại liên quan đến nước; nghiên cứu thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp, xung đột nguồn nước xuyên biên giới, đặc biệt là ở các lưu vực sông quốc tế như sông Mê Kông, sông Hồng.

Ngoài ra, cần tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và tham gia của các cấp lãnh đạo của người dân và toàn xã hội về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, phát huy vai trò giám sát của người dân, sự tham gia của các bên liên quan trong việc chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, kết hợp phương thức truyền thống với tuyên truyền qua mạng xã hội; lồng ghép vào một số chương trình giảng dạy./.

Hồ Hương