DỰ THẢO LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI): RÀ SOÁT, ĐẢM BẢO THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ VỚI CÁC LUẬT CHUYÊN NGÀNH

15/02/2023

Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới đây. Góp ý vào nội dung dự thảo, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật và Hòa giải Phan Lâm - Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean cho rằng, một số quy định cần được xem xét, rà soát, bảo đảm tránh trùng lắp, thống nhất với các luật chuyên ngành.

NHẬN DIỆN VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP ĐỂ SỬA ĐỔI, HOÀN THIỆN LUẬT ĐẤU THẦU

Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ VI, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Sau 8 năm thực hiện, Luật Đấu thầu cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư, mua sắm công, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc: Một số quy định của Luật chưa phù hợp với thực tiễn hoặc quy định chưa đầy đủ dẫn đến  khó khăn trong lựa chọn nhà thầu, nhất là trong trường hợp cấp bách, phòng chống dịch bệnh, xây dựng công trình khẩn cấp;  Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu còn phức tạp, thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện đầu tư, mua sắm công; Quy định về phân cấp, phân quyền, xác định quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu trong một số trường hợp chưa đầy đủ, rõ ràng;…

Để kịp thời khắc phục những bất cập nêu trên, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều.

Quan tâm tới dự luật, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật và Hòa giải Phan Lâm - Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean cho rằng, so với phiên bản Dự thảo lấy ý kiến rộng rãi, tại Dự thảo trình Quốc hội đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn, cụ thể, rõ ràng, thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan. Điều này cho thấy tinh thần cầu thị và minh bạch từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo.Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần được làm rõ, sửa đổi để hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong công tác đấu thầu. Cụ thể:

Thứ nhất, đối với đấu thầu quốc tế: quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 14 là không cần thiết vì điểm đ đã bao quát, mặt khác quyền hạn của người có thẩm quyền quá nhiều. Bên cạnh đó điều luật nói chung chung kèm theo đó là gói thầu nào cũng phải yêu cầu nâng cao chất lượng của gói thầu, dự án. Vì vậy, nên bỏ quy định tại khoản d.

Thứ hai, quy định về hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu (khoản 1 và khoản 2 Điều 1612) trùng lắp với hành vi đã được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự. Do đó, không nên đưa vào dự thảo Luật tránh trùng lặp, chồng chéo.

Thứ ba, đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài đối với nguồn vốn sử dụng cho gói thầu.

Đây là điểm yếu của đấu thầu, theo ngôn ngữ phổ thông đây là một hình thức “vây thầu” không phản ánh được bản chất của đấu thầu là giảm giá thành, nâng cao chất lượng và tiết kiệm thời gian. Trong trường hợp đặc biệt đã có điều khoản chỉ định thầu điều chỉnh. Vì vậy điều này không cần thiết phải quy định tại Dự thảo.

Thứ tư, đối với chỉ định thầu, phải làm rõ như thế nào là cấp bách, phải triển khai ngay trong thời gian nào? Tránh tinh trạng lợi dụng chính sách để chỉ định thầu làm thất thoát nguồn vốn nhà nước và tính hiệu quả thấp. Do đó, đề nghị làm rõ hơn về điều luật này.

Tiếp theo, tại điểm (h) - Gói thầu thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu thi công rà phá bom mìn vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình. Nên bỏ điểm (h) vì đây là những công trinh khá phổ thông, nhiều nhà thầu đáp ứng được, công việc không quá phức tạp nên bỏ để tránh lạm dụng chỉ định thầu, chỉ định thầu phải có tính đặc thù của dự án.

Thứ năm, đối với quy định về tham gia thực hiện của cộng đồng, đây là điều luật tính khả thi thấp và trên thực tế hầu như không diễn ra. Bởi khả năng quản trị, vấn đề quyết toán, thuế… của cộng đồng khó đáp ứng và tính chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả của dự án thấp. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bãi bỏ quy định này.

Thứ sáu, tại khoản 5 Điều 56 dự thảo luật quy định trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án thì phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tại điểm c, khoản 3 Điều 143 Luật Xây dựng năm 2014 quy định khi điều chỉnh hợp đồng làm thay đổi mục tiêu đầu tư, thời gian thực hiện hợp đồng, làm vượt dự toán gói thầu xây dựng được duyệt thì phải được người quyết định đầu tư cho phép.

Như vậy có sự chồng chéo, không thống nhất về thẩm quyền điều chỉnh tiến độ của hợp đồng giữa dự thảo luật này và Luật Xây dựng năm 2014. Nên khi thi hành trên thực tế có thể gây ra một số vướng mắc khi thực hiện, tạo ra kết quả thực thi khác nhau giữa các dự án, tạo kẻ hở cơ hội phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực. Vì vậy, đề nghị cần biên tập lại để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với điểm c, khoản 3 Điều 143 Luật Xây dựng năm 2014, theo hướng "phải được người quyết định đầu tư cho phép". Cho phù hợp.

Thứ bảy, liên quan đến quy định ký kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, cần làm rõ trường hợp nào thì người có thẩm quyền tiến hành xác minh thông tin về năng lực của nhà đầu tư, trường hợp nào không? Khái niệm “trường hợp cần thiết” là chưa thực sự đủ rõ ràng, mang tính chung chung có thể khiến việc ký kết hợp đồng dự án đầu tư bị kéo dài gây khó khăn cho nhà đầu tư, nhũng nhiễu tiêu cực có thể xảy ra. Nếu phải xác minh thì nên quy định rõ thời gian xác minh là bao nhiêu?. Đề nghị, Ban soạn thảo cần quy định rõ vấn đề trên để đảm bảo thuận lợi khi triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật và Hòa giải Phan Lâm cũng cho rằng, Dự thảo có quy định về giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu, tuy nhiên hoạt động này do người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thực hiện (khoản 3 Điều 86) mà không có sự tham gia của tổ chức giám sát xã hội. Sự tham gia của tổ chức giám sát xã hội sẽ đảm bảo tốt hơn, minh bạch hơn đối với hoạt động đấu thầu, trên thực tế những sai phạm về đấu thầu đại đa số do các cơ quan báo chí phát hiện và lên tiếng, nên chăng có thể thêm cơ quan báo chí cùng tham gia giam sát? Vì vậy, đề xuất cân nhắc xem xét bổ sung thêm đối tượng này vào hoạt động giám sát đấu thầu./.

Lê Anh