SỬA ĐỔI LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ: TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ THÔNG THOÁNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ

14/02/2023

Theo dự kiến chương trình Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Trong bối cảnh phát triển bùng nổ của thương mại điện tử dưới sức nóng của Cách mạng công nghệ 4.0, việc sửa đổi, chỉnh lý, bổ sung Luật Giao dịch điện tử là hết sức cần thiết để thích ứng sự đổi thay, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan trong giao dịch, đồng thời kiến tạo thị trường lành mạnh, bình đẳng, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho sự phát triển của kinh tế số.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP THỨ 20 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Theo dự kiến chương trình Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Trong bối cảnh phát triển bùng nổ của thương mại điện tử dưới sức nóng của Cách mạng công nghệ 4.0, việc sửa đổi, chỉnh lý, bổ sung Luật Giao dịch điện tử là hết sức cần thiết để thích ứng sự đổi thay nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan trong giao dịch, đồng thời kiến tạo thị trường lành mạnh, bình đẳng, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho sự phát triển của kinh tế số.

Năm 2005, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua đã mở ra khung pháp lý quan trọng cho việc xác lập các hình thức giao dịch, trao đổi, thông tin trên môi trường mạng, giúp kiến tạo các khuôn khổ pháp lý, nền tảng cơ bản của việc tạo dựng hình thức giao dịch mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nên tảng công nghệ số, internet và không gian mạng ngày nay.

Trước yêu cầu cấp thiết phải kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII, Hiến pháp 2013 cũng như để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, sự biến đổi nhanh chóng cùng tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ trong việc đẩy mạnh chuyển đối số quốc gia, Luật Giao dịch điện tử cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thích ứng với hoạt động của xã hội, doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Vì thế, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là rất cần thiết.

Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Tại Kỳ họp thứ 4, đã có 77 lượt đại biểu Quốc hội góp ý tại tổ và 15 lượt đại biểu Quốc hội góp ý tại Hội trường đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Về cơ bản, các ý kiến này sau khi rà soát đều đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý tương đối đầy đủ để hoàn thiện dự thảo Luật. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số nội dung lớn còn nhiều ý kiến khác nhau nhưL về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, các vấn đề liên quan đến thừa kế, đất đai, kết hôn… Bên cạnh đó, quy định về dịch vụ tin cậy, định danh và xác thực điện tử còn mâu thuẫn với một số văn bản luật và Nghị định liên quan.

Tán thành cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 với những lý do đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng việc sửa đổi luật lần này nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 25/NQTW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên không gian mạng.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, Dự thảo luật chỉ quy định những nguyên tắc chung để làm cơ sở pháp lý cho việc giao dịch trên môi trường điện tử, còn giao dịch trực tiếp truyền thống vẫn tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm, rà soát kỹ lưỡng, toàn diện, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành.

Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Cũng nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật, đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ ra rằng, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có hiệu lực từ ngày 01/3/2006 được xem là luật khung quy định những vấn đề kỹ thuật đặc thù phát sinh trong môi trường điện tử. Sau 16 năm thực hiện luật đã có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, là do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát trong tất cả các lĩnh vực. Phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó, việc Quốc hội xem xét, sửa đổi toàn diện dự án Luật Giao dịch điện tử để khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của luật hiện hành là yêu cầu cấp thiết và phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phân tích, hiện nay các quốc gia đều thừa nhận thương mại điện tử là bước phát triển tất yếu của thương mại truyền thống trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông. Bản chất của thương mại điện tử là các giao dịch thương mại truyền thống được thực hiện thông qua các giao dịch điện tử. Chính vì vậy, nếu xem xét phạm vi điều chỉnh của luật thì pháp luật về giao dịch điện tử của một số nước trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc có sự quy định rộng hơn so với luật nước ta. Cụ thể, luật Hàn Quốc được áp dụng cho tất cả các giao dịch điện tử, trừ khi có sự quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật khác. Trong khi đó, pháp luật nước ta không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.

Căn cứ vào các quy định đã nêu như trên thì phạm vi điều chỉnh của luật Hàn Quốc có sự khái quát hơn so với luật của nước ta. Điều này sẽ giúp cho luật của Hàn Quốc bao trùm được toàn bộ các giao dịch điện tử trên thực tế, đồng thời tạo sự ổn định cho các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử khi có sự thay đổi của các văn bản luật khác. Mặt khác, khái niệm giao dịch điện tử của pháp luật của một số nước, đặc biệt là Hàn Quốc cũng có sự quy định cụ thể hơn so giúp pháp luật của nước ta. Theo luật của Hàn Quốc "giao dịch điện tử là việc thực hiện một phần hoặc toàn bộ giao dịch thông qua thông điệp dữ liệu khi mua, bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ". Trong khi đó, pháp luật nước ta quy định "giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử". Cách quy định này của pháp luật nước ta sẽ tạo ra cách hiểu khác nhau là các giao dịch được thực hiện một phần hay toàn bộ bằng phương tiện điện tử sẽ được coi là giao dịch điện tử. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm nội dung này.

Đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn Tp. Đà Nẵng

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn Tp. Đà Nẵng chỉ rõ, trước sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và để đáp ứng yêu cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng. Do đó, đại biểu tán thành cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 như đã nêu tại Tờ trình 363 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Đại biểu nhấn mạnh, trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất, bao gồm việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa quy định rõ các nội dung này. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sử dụng, khai thác, phân tích, kinh doanh các dịch vụ liên quan đến dữ liệu được tạo ra trong các giao dịch điện tử.

Đóng góp ý kiến về dự án Luật này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, về tổng thể, dự án Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tương đối thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và đặc biệt khá tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, dự án Luật tác động rất nhiều đến người dân và doanh nghiệp, vì vậy cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, về đối tượng áp dụng là có quy định đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài không; tổ chức, cá nhân từ bên ngoài thực hiện giao dịch điện tử với cá nhân, tổ chức trong nước có phải theo luật này không?

Về kết nối, chia sẻ dữ liệu tại Điều 43, các đại biểu cho rằng quy định còn chung chung mà chưa có sự rõ ràng, cụ thể trong áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế kết nối chia sẻ dữ liệu của các nền tảng số; sự thừa nhận lẫn nhau để thực hiện giao dịch điện tử. Quy định “dữ liệu chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước là không thu phí, trừ trường hợp khai thác, sử dụng dữ liệu thuộc danh mục được quy định trong Luật phí và lệ phí” cũng cần có những quy định và chế tài để bảo đảm cơ quan có dữ liệu phải cấp mà không được thu phí.

Minh Hùng