KIỆN TOÀN TỔ CHỨC, NÂNG CAO TÍNH CHUYÊN NGHIỆP, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THƯ KÝ NHẰM TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI

14/02/2023

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, sáng 14/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký.

TỔNG THUẬT SÁNG 14/02: TỔNG KẾT KỲ HỌP BẤT THƯỜNG THỨ 2 VÀ THỨ 3, XEM XÉT DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT HƯỚNG DẪN THI HÀNH NỘI QUY KỲ HỌP

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua đánh giá, tổng kết về tổ chức và hoạt động của Ban Thư ký trong hơn 07 năm thực hiện Nghị quyết số 1093/2015/NQ-UBTVQH13 ngày 21/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký cho thấy hoạt động của Ban Thư ký luôn có nhiều cải tiến, đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội, song cũng có nhiều nội dung vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cũng như cơ chế, chính sách bảo đảm hoạt động của Ban Thư ký.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình

Tổng Thư ký Quốc hội chỉ rõ, việc quy định cơ cấu thành phần Ủy viên Ban Thư ký còn chưa phù hợp, chưa bao quát tất cả nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thư ký Quốc hội theo quy định của pháp luật, còn thiếu một số Trưởng đơn vị đang giúp Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện một số nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, toàn bộ thành viên Ban Thư ký hoạt động kiêm nhiệm nên tính chuyên nghiệp chưa cao, trong khi yêu cầu hoàn thiện thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội, tăng cường nhiệm vụ quyền hạn của Tổng Thư ký Quốc hội đòi hỏi tổ chức của Ban Thư ký cũng được tăng cường và có cơ chế điều hành, điều hòa, phối hợp hoạt động chuyên nghiệp hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Thư ký, góp phần tham mưu, phục vụ Tổng Thư ký Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 1093 quy định Ủy viên Ban Thư ký phải là Trưởng các đơn vị, nhưng chưa quy định cụ thể trường hợp ai sẽ thực hiện nhiệm vụ của Ủy viên Ban Thư ký khi Trưởng đơn vị chưa được kiện toàn. Nghị quyết cũng chưa quy định cụ thể về cơ chế thành viên Ban Thư ký được sử dụng bộ máy, công chức của vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội mà mình trực tiếp phụ trách để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời chưa quy định cơ chế khi cần thiết có thể huy động công chức của Văn phòng Quốc hội để hỗ trợ giải quyết công việc khi các thành viên Ban Thư ký phải thực hiện quá nhiều nội dung trong một thời điểm cụ thể.

Toàn cảnh phiên họp

Mặt khác, thực hiện chủ trương của Đảng về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu giúp việc của Quốc hội đặt ra yêu cầu hoàn thiện thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội; nghiên cứu, rà soát Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Cùng với đó, nhiều quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung đòi hỏi phải điều chỉnh các quy định có liên quan về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Ban Thư ký. Từ những lý do nêu trên, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký tại Nghị quyết số 1093 là cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung quy định liên quan nhằm cụ thể hóa 14 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thư ký trong việc tham mưu, giúp việc Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ đã được quy định tại Điều 98 của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật, nghị quyết có liên quan. Trong  đó, về cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký tiếp tục kế thừa mô hình tổ chức của Ban Thư ký quy định tại Nghị quyết số 1093. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Thư ký, hướng tới cơ cấu tổ chức chuyên nghiệp hơn, Ban Soạn thảo xin đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung về cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký; quy định về Thường trực Ban Thư ký giúp Tổng Thư ký Quốc hội điều hành, điều hòa, phối hợp hoạt động của Ban Thư ký; đề nghị điều chỉnh cơ cấu Ban Thư ký tăng số lượng ủy viên Ban Thư ký từ 15 lên 21. 

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về sự phù hợp của nội dung dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) với chủ trương, đường lối của Đảng, mục đích, quan điểm xây dựng, phạm vi sửa đổi, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật, tính khả thi của các quy định trong dự thảo nghị quyết và các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, ghi nhận quá trình chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết được tiến hành chu đáo, công phu, quy trình chặt chẽ, bảo đảm các tài liệu cơ bản đầy đủ theo quy định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuẩn bị tương đối tốt. Nêu rõ, việc kiện toàn Ban Thư ký này là để giúp tăng cường năng lực cho Tổng Thư ký Quốc hội và bảo đảm theo thiết chế hiện nay, theo quy định pháp luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét theo đúng thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Về các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ban Thư ký hoạt động kiêm nhiệm do đó về cơ cấu tổ chức, Tổng Thư ký phân công một Phó Tổng Thư ký làm nhiệm vụ thường trực là đúng thẩm quyền; đồng thời nên có thêm một thành viên Ban Thư ký làm thành viên thường trực. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu thấy cần thiết có thể tăng thêm thành viên của Ban Thư ký, có thể có thêm đại diện của Viện Nghiên cứu lập pháp nhằm tăng thêm sức mạnh cho Ban Thư ký. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng nếu quy định của Đảng, Nhà nước có quy định thì các thành viên kiêm nhiệm có thể có thêm phụ cấp. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký là thiết chế được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Do đó, hiện nay kiện toàn trong phạm vi khuôn khổ luật pháp hiện hành nhằm tăng cường năng lực hoạt động.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghi tiếp tục rà soát nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thư ký để bảo đảm đồng bộ với nhiều nội dung mới được quy định trong các luật liên quan. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn chứng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi đã giao thêm nhiệm vụ cho Tổng Thư ký khi phải phối hợp với cơ quan thẩm tra, với các cơ quan khác để dự kiến những nội dung lớn của các dự án luật trình Quốc hội để thảo luận khi những vấn đề có ý kiến khác nhau.

Ngoài ra, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thông qua gần đây đã bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ như việc dự kiến thành phần tham gia phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định; việc thống kê danh sách đại biểu tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; việc chuẩn bị thông tin, tài liệu. Hay tại Nghị quyết 560 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật có giao nhiệm vụ cho Tổng Thư ký tổng hợp báo cáo hàng năm về kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội…chưa được liệt kê trong dự thảo này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Nhấn mạnh, đây là những nhiệm vụ Ban Thư ký phải giúp Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, cập nhật tất cả những văn bản, những quy định có liên quan ở trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới ban hành để quy định đầy đủ, tránh để sót nhiệm vụ.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  cơ bản thán thành với đề xất của Ban soạn thảo về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thư ký, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tập trung rà soát, chỉnh lý quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thư ký để đảm bảo vừa khái quát vừa đảm bảo toàn bộ nhiệm vụ của Tổng Thư ký Quốc hội theo quy định của luật.

Về cơ bản mô hình tổ chức của Ban Thư ký sẽ tiếp tục kế thừa những ưu điểm của mô hình tổ chức quy định tại Nghị quyết số 1093. Tuy nhiên, cần được hoàn thiện hơn theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động, bám sát các yêu cầu, quan điểm lãnh đạo của Đảng, phù hợp với yêu cầu đổi mới, kiện toàn tổ chức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới được ban hành.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung phiên họp

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc không bổ sung thêm Phó Tổng Thư ký Quốc hội hoạt động chuyên trách, mà Tổng Thư ký Quốc hội phân công Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội làm nhiệm vụ phụ trách Ban Thư ký để giúp điều phối hoạt động của Ban Thư ký thường xuyên, hiệu quả, đảm bảo sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên Ban Thư ký. Đồng thời, giao Ủy viên Ban Thư ký, Vụ trưởng Vụ Thư ký làm nhiệm vụ Thường trực Ban Thư ký để đảm bảo đầu mối phối hợp, tham mưu, điều hòa hoạt động của Ban Thư ký; bổ sung thêm thành viên Ban Thư ký là Viện phó Viện Nghiên cứu lập pháp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng chức năng, nhiệm vụ các vụ, đơn vị, đề xuất người đứng đầu tham gia Ủy viên Ban Thư ký cho phù hợp, đảm bảo lực lượng mạnh, chuyên nghiệp, có khả năng tổ chức triển khai các công việc tham mưu giúp việc Tổng Thư ký Quốc hội.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, ngay sau phiên họp, Ban soạn thảo cần tập trung khẩn trương rà soát, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Pháp luật và Ban Công tác đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi trình Chủ tịch Quốc hội kí ban hành vào đầu tháng 3/2023 tới./.

Bảo Yến