HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT, QUYẾT LIỆT ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

13/02/2023

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, cần bịt kín kẽ hở pháp luật, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt và nghiêm minh trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

TĂNG CƯỜNG RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Những kết quả đạt được trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng chính là nhằm góp phần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ nói riêng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nói chung.

Bàn về công tác phòng, chống tham nhũng tại Lễ ký Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã đề ra rất nhiều giải pháp trọng tâm, tập trung vào công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp. Trong nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật, trong đó có nhiều dự án, dự thảo luật liên quan đến lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát tối cao về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giám sát tư pháp…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện. Các đối tượng có hành vi tham nhũng thường là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội. Các đối tượng này lợi dụng các “khoảng trống”, “kẽ hở” trong chính sách, pháp luật để thực hiện hành vi tham nhũng, nhằm làm lợi cho cá nhân và lợi ích nhóm.

Nhấn mạnh việc phanh phui một vụ việc tham nhũng không hề đơn giản, tuy nhiên đại biểu khẳng định, dù khó nhưng vẫn phải tìm mọi biện pháp để làm sao ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này. Để ngăn chặn tham nhũng, trước hết hệ thống pháp luật cần rạch ròi, rõ ràng, bịt kín các “lỗ hổng” để các cá nhân không thể lợi dụng được. Thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị cần phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nếu để cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu không thể không liên đới trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, tham nhũng, tiêu cực là vấn đề cần phải được giải quyết có tính hệ thống, những vụ việc nào dư luận xã hội đã lên tiếng càng cần nhanh chóng xử lý rốt ráo. Với chỉ đạo rất rõ ràng của Tổng Bí thư là chống tham nhũng “không có vùng cấm”, đã có rất nhiều vụ việc sai phạm ở các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp có vốn nhà nước... đều bị đưa ra ánh sáng. Đây là những điểm rất mới trong công tác xử lý sai phạm của cán bộ, những vấn đề mà trước kia dường như mới chỉ làm được phần ngọn. Thậm chí trước đây có tình trạng cứ nghỉ hưu là coi như hạ cánh an toàn, nhưng nay thì có những đồng chí đã nghỉ hưu nhiều năm nay, phát hiện ra sai phạm cũng phải chịu kỷ luật - bị khai trừ khỏi Đảng, thậm chí đối diện với khả năng chịu trách nhiệm hình sự về những sai phạm xảy ra trong phạm vi đồng chí ấy quản lý.

Về vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Lê Như Tiến- đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII đánh giá cao việc làm rất quyết liệt của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các cơ quan bảo vệ pháp luật trong thời gian qua. Đúng như Trưởng ban chỉ đạo đã nói “phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ dù người đó là ai, trong thời gian qua, liên tục có những cán bộ, lãnh đạo bị kỷ luật.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Lê Như Tiến- đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII

Để “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần và không muốn tham nhũng”, ông Lê Như Tiến cho rằng cần hoàn thiện thêm khung pháp lý, các bộ luật cần chặt chẽ để không thể tham nhũng và cần xử lý nghiêm khắc để không ai dám tham nhũng. Bên cạnh đó, cần có những chế độ chính sách để cán bộ, công chức đủ sống, để không cần và không muốn tham nhũng. Điều đó đồng nghĩa với việc phải đồng bộ không chỉ riêng Luật Phòng, chống tham nhũng mà còn đồng bộ với các luật khác như: Luật cán bộ, công chức; Luật Đấu thầu… bịt kín kẽ hở lại để không thể tham nhũng.

Để trong sạch hóa các cơ quan bảo vệ pháp luật, không để xảy ra các hiện tượng tham nhũng ngay tại chính các cơ quan phòng, chống tham nhũng, ông Lê Như Tiến cho rằng giải pháp đầu tiên cần làm là hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, các luật, các văn bản dưới luật, văn bản thi hành pháp luật thật chặt chẽ, không có kẽ hở cho những kẻ tham nhũng lợi dụng. Thêm nữa, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, cần có những giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn kịp thời những đối tượng có ý định tham nhũng.

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, nếu như trước đây, Đảng ta thường nhấn mạnh cụm từ “tăng cường”, “đẩy mạnh” thực hiện nhiệm vụ thì bây giờ là “kiên quyết chống”, “kiên quyết xử lý” với quyết tâm chính trị cao hơn, ở cấp độ cao hơn, mạnh mẽ hơn. Tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp tục xảy ra ở mức độ tinh vi hơn, có tổ chức hơn. Từ đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới phương thức, cách tổ chức chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới. Đồng thời xây dựng hành lang pháp lý thực sự vững chắc, không có lỗ hổng, kẽ hở để các đối tượng lợi dụng phát sinh tham nhũng, tiêu cực, để cuộc đấu tranh này tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân.

Minh Hùng