PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ BUỔI LÀM VIỆC VỚI THƯỜNG TRỰC ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ QUẢN LÝ NGUỒN LỰC PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ DỰ PHÒNG, Y TẾ CƠ SỞ
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 81/KH-UBTVQH15 VÀ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT PHÁP LỆNH: NHIỀU ĐỔI MỚI THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ
Đồng chủ trì buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Cùng dự buổi làm việc có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Ngân hàng nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, đại diện các cơ quan hữu quan.
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ thực hiện nhiệm vụ lập pháp, rà soát xem xét việc chuẩn bị lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 qua đó nhìn nhận tổng thể Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới, bám sát Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Ghi nhận thời gian qua các cơ quan đã tích cực phối hợp thực hiện, đạt được kết quả nhất định trong công tác lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết công việc từ nay đến cuối nhiệm kỳ còn rất nhiều, nếu không tập trung rà soát, không phối hợp tốt thì khó có thể hoàn thành kế hoạch đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu mở đầu buổi làm việc
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý thời gian qua có một số đề án, nhiệm vụ lập pháp có trong kế hoạch nhưng chưa được tiến hành rà soát, hoặc có nội dung đã có rà soát nhưng chưa đăng kí đưa vào dự kiến chương trình, cũng có nội dung đã đưa vào chương trình nhưng lại chưa hoàn thiện hồ sơ, có nội dung Chính phủ chưa cho ý kiến, có nội dung Quốc hội giao các cơ quan hoàn thiện nhưng chưa có báo cáo trở lại…Chỉ rõ những vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần khẩn trương rà soát và có báo cáo bảo đảm tiến độ đề ra.
Tại buổi làm việc, trình bày Báo cáo tình hình và tiến độ chuẩn bị đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết trong năm 2023, Chính phủ dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 21 dự án. Trong đó, tại Kỳ họp thứ 5 dự kiến có 16 dự án, trình Quốc hội thông qua 06 dự án, là các dự án đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự. Trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua theo quy trình 01 kỳ họp đối với 02 dự án là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Trình Quốc hội cho ý kiến đối với 08 dự án là Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo
Tại Kỳ họp thứ 6 dự kiến có 13 dự án, gồm: Trình Quốc thông qua 08 dự án, là các dự án đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Trình Quốc hội cho ý kiến đối với 05 dự án là Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Về đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết dự kiến sẽ trình Quốc hội 13 dự án, trong đó có 05 dự án được gối từ năm 2023 và 08 dự án mới là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Dân số (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi).
Các đại biểu tham dự họp
Ngoài ra, báo cáo về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho hay, trong năm 2022, Chính phủ phải hoàn thành 76 nhiệm vụ lập pháp (nghiên cứu, rà soát và đề xuất). Đến nay, Chính phủ 76 nhiệm vụ trong năm 2022 đúng thời hạn và vượt tiến độ 01 nhiệm vụ (đó là nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát Luật Thủ đô theo Kế hoạch phải hoàn thành trước ngày 31/12/2023), theo đó đã nghiên cứu, rà soát đối với 80 dự án luật, pháp lệnh. Trong đó, có 57/80 dự án theo Kế hoạch 81 phải đưa vào Chương trình năm 2022-2024. Đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội đưa vào Chương trình năm 2022 hoặc đang đề nghị đưa vào Chương trình các năm 2023 - 2024 tổng số là 33/57 dự án, chiếm 57,9%.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan đã trao đổi làm rõ sự cần thiết các đề xuất xây dựng luật và báo cáo về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo chương trình và kế hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trao đổi tại buổi làm việc
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao các cơ quan trong việc chuẩn bị báo cáo về việc chuẩn bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và dự kiến các công việc triển khai trong thời gian tới. Trên cơ sở các nội dung trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong lĩnh vực này tham mưu cho Chính phủ để khẩn trương hoàn thiện Tờ trình về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình năm 2023 để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 01/3 để tổ chức thẩm tra theo quy định.
Đồng thời, cần tiếp tục rà soát các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là các nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2023 và đề xuất đưa vào chương trình của năm 2023 và 2024. Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ để đôn đóc các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình bảo đảm tiến độ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý cân đối số lượng các dự án luật, pháp luật để đưa vào chương trình hàng năm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ lập pháp trong đó có sự điều hòa, phối hợp, có tính đến tính hợp lý, khả thi, gối đầu giữa các năm để tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan chủ trì thẩm tra vào một kỳ họp Quốc hội hay một năm, để tránh quá tải cho các cơ quan hay làm gấp gáp mà ảnh hưởng đến chất lượng dự án.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung làm việc
Đối với các dự án cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, đối với các dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để trình lại gồm dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tưu vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Phát triển công nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần chủ động lưu ý rà soát các luật có liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai, các dự án cần phải sửa đổi, bổ sung để khắc phục những sơ hở, bất cập tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó cần tiếp tục nghiên cứu để đưa vào chương trình các dự án luật cần sửa đổi bổ sung để thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ đề nghị xây dựng luật, lấy ý kiến của Chính phủ để hoàn tất thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 01/3/2023. Đối với những trườn hợp chưa kịp hoàn thiện hồ sơ trình đúng thời hạn, cần tiếp tục khẩn trương hoàn chỉnh để gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong năm 2023.
Các đại biểu dự họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp trên cơ sở kết quả buổi làm việc để chuẩn bị các báo cáo, tài liệu gửi Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ để hai bên tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ, đi đến đồng thuận trong chỉ đạo thực hiện, bảo đảm hiệu quả chất lượng công tác lập pháp đồng thời tiết kiệm thời gian.
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chủ trì làm việc với các cơ quan để cho ý kiến về dự thảo kế hoạch tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, dự kiến đề cương báo cáo, các nội dung cần tổng kết, đánh giá. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: đây là cơ hội để nhìn lại thời gian qua đã đạt được những kết quả gì trong triển khai thi hành Hiến pháp và sắp tới phải làm gì để nâng cao hơn nữa hiểu quả thi hành, cùng với đó cần có những hoạt động kỉ niệm gắn với Ngày Pháp luật Việt Nam, tiến tới kỉ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Các đại biểu tham dự họp
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh báo cáo tiến độ chuẩn bị đối với dự án Luật Phát triển công nghiệp
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận báo cáo về việc trình dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)
Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an Phạm Công Nguyên
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến báo cáo tiến độ rà soát các nhiệm vụ lập pháp
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh báo cáo tiến độ chuẩn bị dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn báo cáo tiến độ chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo làm rõ một số vấn đề