LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI): CẦN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ ĐỂ NÂNG CAO TÍNH CHỦ ĐỘNG VỀ NGUỒN NƯỚC

09/02/2023

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 5. Quan tâm đến dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, các cơ chế, chính sách đồng bộ để giải quyết, nâng cao tính chủ động về nguồn nước và bảo đảm an toàn cấp nước cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu của nhân dân ở mức cao nhất trong mọi tình huống.

QUỐC HỘI DỰ KIẾN CHO Ý KIẾN LẦN ĐẦU ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI) TẠI KỲ HỌP THỨ 5

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh nguồn nước

Chính thức có hiệu lực kể ngày 01/01/2013, qua gần 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu; 63% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ; nhu cầu khai thác ngày càng tăng; nguồn nước suy giảm đã đặt ra nhiều thách thức lớn. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương mới nhằm tăng cường công tác quản lý hiệu quả tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm để bảo đảm an ninh nguồn nước đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất và môi trường. Thực tế đó đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước cần thiết phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh nguồn nước

Ngày 23/6/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hổ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát là bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống. Mục tiêu cụ thể là: Đến năm 2025, 95% hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, đến năm 2030, 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nồng thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; đến năm 2045, bảo đám hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Kết luận giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh nguồn nước...

Theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Vừa qua, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, bàn về nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ quan tâm đặc biệt đến nội dung hoàn thiện hệ thống pháp luật để có cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác bảo vệ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.

Đại biểu Khang Thị Mào- Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phát biểu tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2

Phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Khương Thị Mào, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan đã tạo ra những biến đổi khó lường. Tình trạng hạn hán kéo dài ở một số tỉnh Nam Trung Bộ, nước biển dâng, thiếu nước đầu nguồn làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn ở nhiều tỉnh Tây Nam Bộ tác động lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Mặc dù thiếu nước, song hiệu quả sử dụng nước còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới. Việc ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước còn hạn chế, trong sản xuất nông nghiệp tình trạng thiếu nước xảy ra thường đi cùng với mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, lĩnh vực và mâu thuẫn này có xu hướng gia tăng.

Đồng thời, quá trình đô thị hóa với tốc độ cao, dân số tăng nhanh làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước, nhất là tại đô thị, khu công nghiệp, khu vực hạ nguồn của lưu vực nhiều con sông, vấn đề an toàn đập hồ chứa nước cũng là một nhiệm vụ cấp bách do sự phát triển của hệ thống thủy lợi, thủy điện của Việt Nam có lịch sử rất lâu đời, nhiều công trình thủy lợi, trong đó có nhiều hồ chứa bị xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến an ninh nguồn nước, an toàn cho sản xuất, tính mạng và tài sản của Nhân dân cần được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tài nguyên nước còn nhiều bất cập, thiếu tầm nhìn, tính liên kết, liên thông mang tính vùng, khu vực còn nhiều hạn chế. Công tác tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy hoạch chưa thật tốt, vẫn còn tình trạng phá vỡ quy hoạch, không bảo vệ được quy hoạch. Việc lấn chiếm hành lang bảo vệ lưu vực sông, nguồn nước, dòng chảy, công trình thủy lợi, thủy điện, đê điều vẫn diễn ra.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu cùng một số đại biểu kiến nghị cần sớm hoàn thiện lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến tài nguyên nước theo Kết luận số 36 ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị.

Các đại biểu cũng đề nghị thực hiện có kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân sách nhà nước đối với công tác bảo vệ, kiểm soát nguồn nước, hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch, trong đó ưu tiên nhiệm vụ cấp bách trữ nước, chuyển nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu. Trước mắt, bố trí đủ nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp một số hồ, đập hư hỏng nặng, bảo đảm an toàn hồ, đập các nguồn nước mưa lũ. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước cần thực hiện cơ chế thị trường đối với giá dịch vụ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo nguyên tắc Nhà nước và Nhân dân cùng làm, từng bước tính đủ theo quy định của Luật Thủy lợi về giá nước phục vụ sản xuất và đời sống. Có lộ trình hỗ trợ hợp lý cho nông dân, cho hộ nghèo, hộ yếu thế theo xu thế giảm dần sự bao cấp của Nhà nước.

Cần cơ chế, chính sách đồng bộ để nâng cao tính chủ động về nguồn nước

Quan tâm đến việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Tự Nam cho biết, trong những năm qua, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, các quy định của Hiến pháp về bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn thiếu khung pháp lý cho an ninh tài nguyên nước trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức như: phụ thuộc lớn vào nước ngoài; phân bổ nước không đồng đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp...

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt đã và đang là vấn đề cần phải có các cơ chế, chính sách đồng bộ để giải quyết, nâng cao tính chủ động về nguồn nước và bảo đảm an toàn cấp nước cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu của nhân dân ở mức cao nhất trong mọi tình huống.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, tuy nội hàm và trách nhiệm quản lý để đảm bảo an ninh tài nguyên nước được quy định trong nhiều văn bản như: Luật tài nguyên nước; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Thủy lợi; Luật Đê điều; Luật Quy hoạch; Luật Thủy sản; Luật Đầu tư; Luật Phí và lệ phí; Luật Đất đai..., nhưng một số chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo đảm nguồn nước ăn uống và sinh hoạt của nhân dân còn thiếu và chưa cụ thể. Pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm về an ninh tài nguyên nước, còn thiếu khung pháp lý được xây dựng theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, đa ngành. Trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng bảo đảm an ninh tài nguyên nước lại được giao cho nhiều bộ, ngành, địa phương, do vậy tạo nên sự chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Tự Nam

Báo cáo số 1832/BC-UBKHCNMT14 ngày 04/9/2020 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nêu rõ 9 thách thức đối với an ninh nguồn nước, bao gồm: Thiếu nước, phân bổ nước không đều theo không gian, thời gian; Tác động của biến đổi khí hậu; Ô nhiễm nguồn nước; Nguồn nước phụ thuộc lớn vào nước ngoài; Mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; Khả năng tiếp cận nguồn nước sạch an toàn chưa cao; Bảo vệ rừng, nguồn sinh thủy lưu vực sông; Hiệu quả sử dụng nước thấp; Nguồn lực.

Từ những thách thức về an ninh nguồn nước như đã nêu trên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, hệ thống pháp luật và những đạo luật có liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước phải sớm được xem xét, sửa đổi, bổ sung, cập nhật những nội dung mới, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh tài nguyên nước.

Đưa ra ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Tự Nam bày tỏ đồng tình với việc Dự thảo Luật Tài nguyên nước quy định rõ tại khoản 2 Điều 79 nội dung Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ về bảo đảm an ninh nguồn nước. Đồng thời, lưu ý khoản 21 Điều 3 “Giải thích từ ngữ” quy định: “An ninh nguồn nước là khả năng bảo đảm của nguồn nước về số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, môi trường”. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa thể hiện rõ nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước,

Tại Điều 30 dự thảo Luật quy định về bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, khoản 2 có quy định: “Người phát hiện hành vi gây hủy hoại, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt có trách nhiệm ngăn chặn và kịp thời báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý”. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định như trên sẽ khó thực hiện được bởi lẽ không phải người dân nào cũng hiểu rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý là cơ quan nào? Trong khi đó khoản 4 Điều 30 Dự thảo luật lại quy định: “Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương”. Do đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Tự Nam đề nghị sửa quy định tại khoản 2 như sau: “Người phát hiện hành vi gây hủy hoại, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt có trách nhiệm ngăn chặn và kịp thời báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã”./.

Hồ Hương