CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN VỀ VIỆC TẠO ĐIỀU KIỆN CHO CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI THAM GIA BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

08/02/2023

Để phát huy vai trò của tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm: Cần có những quy định cụ thể hơn trong việc tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

DỰ KIẾN 09 VẤN ĐỀ LỚN CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI) BÁO CÁO ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

ĐỀ XUẤT CÓ BIỆN PHÁP HỮU HIỆU BẢO VỆ NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG BỊ LỢI DỤNG TÊN TUỔI ĐỂ GẮN VÀO QUẢNG CÁO SẢN PHẨM HÀNG HÓA

Dự kiến, tại Phiên họp tháng 02/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, đóng góp ý kiến cho dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới.

Để phát huy vai trò của tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trả lời phỏng vấn phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm: Cần có những quy định cụ thể hơn trong việc tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hình thành, phát triển và hoạt động có hiệu quả như đã đề cập trong Chỉ thị số 30 - CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Theo đó, cần tạo điều kiện để Hội bảo vệ người tiêu dùng phát triển đến 63/63 tỉnh, thành phố và huyện, thị, phường, xã. Có như vậy, người tiêu dùng mới có điều kiện tiếp cận khi cần.


Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng.

Phóng viên: Trong gần 12 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Ông có thể cho biết những bất cập, hạn chế trong các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thời gian qua?

Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sau gần 12 năm thực thi đã đạt được một số kết quả bước đầu, đánh dấu sự tiến bộ kể từ khi Pháp lệnh được thay thế bằng Luật. Tuy nhiên, do ban hành cách đây đã l2 năm, trong khi tình hình kinh tế, xã hội trong nước cũng như trên thế giới đã có nhiều thay đổi, nhất là sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, nên Luật đã bộc lộ nhiều bất cập. Đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ hiệu quả.

Cùng với sự phát triển khoa học công nghệ thông tin, hình thức kinh doanh phi truyền thống, buôn bán xuyên biên giới ra đời, nhưng chưa được Luật điều chỉnh. Luật xác định nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Tuy nhiên, những quy định chưa đủ để tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phát triển và hoạt động hiệu quả.     

Phóng viên: Qua quá trình thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người dân và các cơ quan chức năng có gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào, thưa ông?

Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng: Người tiêu dùng thường là bên yếu thế, nên những khó khăn về khả năng thành công khi xảy ra tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Khi cần sự giúp đỡ từ cơ qua Nhà nước thì không phải ở đâu và lúc nào cũng được đáp ứng kịp thời. Như vùng sâu, vùng xa, ngoài giờ hành chính. Trong khi những tranh chấp có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi. Khi cần sự giúp đỡ từ tổ chức xã hội thì còn nhiều tỉnh, thành phố và đặc biệt là còn rất nhiều huyện, thị xã, phường, xã chưa có tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng.

Đối với cơ quan chức năng, tuy có nguồn lực, quyền lực nhưng biên chế có hạn, quản lý địa bàn rộng, hành vi vi phạm ngày càng phức tạp. Đối với tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng, khó khăn lớn nhất là kinh phí, trụ sở, điều kiện làm việc.


Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới. 

Phóng viên: Dự kiến, tại Phiên họp tháng 02/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, đóng góp ý kiến cho dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới. Ông có kiến nghị, đề xuất nội dung gì đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân được tốt hơn cũng như giải quyết dứt điểm các vụ việc kiện tụng kéo dài?

Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng: Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là một công trình nghiên cứu công phu, khoa học, trên cơ sở tổng kết trong nước và kinh nghiệm nước ngoài, đã khắc phục nhiều bất cập của Luật hiện hành. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ban Soạn thảo đã chú ý lắng nghe, thảo luận thấu đáo, trách nhiệm cao. Ở góc độ Hội Bảo vệ người tiêu dùng, tôi xin kiến nghị một số vấn đề trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) như sau:

Quyền của người tiêu dùng được quy định tại Khoản 6, Điều 4: "Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật; được trả lại sản phẩm, hàng hóa và được hoàn trả toàn bộ chi phí mua sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật."

Khoản 1, Điều 33 ghi: "Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 34 của Luật này.


Người tiêu dùng khi mua sản phẩm, hàng hóa cần được bảo vệ quyện lợi (ảnh minh họa).

Như vậy, Khoản 1, Điều 33 chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra". Còn lại, quyền được bồi thường thiệt hại của người tiêu dùng trong các trường hợp quy định tại Khoản 6, Điều 4: "sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật; được trả lại sản phẩm, hàng hóa và được hoàn trả toàn bộ chi phí mua sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật" chưa được quy định trong trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh; đồng nghĩa quyền này của người tiêu dùng chưa được bảo đảm nếu không quy định rõ trách nhiệm của bên bán.

Vì vậy đề nghị bổ sung, sửa đổi Khoản 1, Điều 33: "Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp có khuyết tật; không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật."

Dự thảo Chương IV “Hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của tổ chức xã hội”. So với Luật hiện hành, bổ sung thêm 2 Điều. Quy định rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức xã hội. Để phát huy vai trò của tổ chức này vẫn cần có những quy định cụ thể hơn "Tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hình thành, phát triển và hoạt động có hiệu quả" như đã ghi trong Chỉ thị số 30 - CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tạo điều kiện để Hội bảo vệ người tiêu dùng phát triển đến 63/63 tỉnh, thành phố và huyện, thị, phường, xã. Có như vậy, người tiêu dùng mới có điều kiện tiếp cận khi cần. Hiện nay còn 9 tỉnh, thành phố chưa có tổ chức Hội, trong đó hai Hội đã ra đời, hoạt động được nhiều năm nhưng quá khó khăn đã phải giải thể. Nhiều Hội chưa có ở cấp huyện, xã. Người tiêu dùng khó tiếp cận. Hầu hết trụ sở làm việc đi thuê, mượn. Kinh phí hoạt động phải tự lo. Nhiều việc cần làm nhưng không thể triển khai. Chẳng hạn như khởi kiện vì lợi ích công cộng, thua kiện phải bồi thường, nhưng nguồn không có, thắng kiện thì người tiêu dùng được bồi thường. Trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tiền bồi thường thiệt hại được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng.

Thực hiện nhiệm vụ cơ quan nhà nước giao, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác đã được quy định trong Luật hiện hành, nhưng đến nay, mới có 16 hội được giao nhiệm vụ và hỗ trợ kinh phí từ 50 triệu - 400 triệu đồng/năm/hội. 70% hội địa phương và Trung ương Hội chưa được giao thực hiện nhiệm vụ.

Nhà nước giao nhiệm vụ là cơ chế để Nhà nước hỗ trợ kinh phí và các điều khác cho Hội, tiếp tục được đưa vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, để khắc phục bất cập trên, đề nghị bổ sung những quy định cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi. Bổ sung Khoản 4, Điều 52 "Chính phủ quy định chi tiết Điều này". Bỏ thuật ngữ "Trường hợp" tại Khoản 2, vì ghi như vậy không rõ ràng.           

Ngoài ra, để phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Hội cũng như các quy định tại các Điều trong Chương này, đề nghị bổ sung chữ "tham gia" vào tiêu đề Chương IV: "Hoạt động tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội".

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Lan