LUẬT SƯ HOÀNG VĂN VIỆT: CẦN MỞ RỘNG KHÁI NIỆM “NGƯỜI TIÊU DÙNG” BAO GỒM CẢ TỔ CHỨC

08/02/2023

Tại Phiên họp thứ 20 (tháng 02/2023), dự kiến Ủy ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó, có quy định về khái niệm “người tiêu dùng”. Góp ý về nội dung này, Luật sư Hoàng Văn Việt, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, dự thảo cần quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức.

QUY ĐỊNH RÕ CÁC MÔ HÌNH GIAO DỊCH ĐẶC THÙ PHÙ HỢP THỰC TIỄN

TỔNG THUẬT CHIỀU 10/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT BẢO VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, gồm 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021.

Theo Chương trình dự kiến, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ (5/2023). Vì vậy, ngay sau kỳ họp thứ 4, cơ quan chủ trì thẩm tra (Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường) đã phối hợp với Ban soạn thảo (Bộ Công Thương), đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Hiện nay, một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau tại dự thảo luật là khái niệm "người tiêu dùng". Đây cũng là một trong hai vấn đề, dự kiến được cơ quan chủ trì thẩm tra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 20 (tháng 2/2023).

Theo đó, hiện nay về khái niệm người tiêu dùng, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau. Cụ thể: (1) Tán thành sự cần thiết quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); (2) Không cần thiết đưa "tổ chức" vào khái niệm "người tiêu dùng" vì tổ chức có pháp nhân, khi mua bán thường với số lượng lớn, nên khi có vấn đề xảy ra thường có nhiều cách giải quyết để bảo vệ quyền lợi của tổ chức mình.

Từ kinh nghiệm hoạt động thực tế, Luật sư Hoàng Văn Việt, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội bày tỏ đồng tình với quan điểm/ý kiến thứ nhất. Theo đó, khái niệm/định nghĩa  “người tiêu dùng” trong Dự thảo luật cần bao gồm cả cá nhân và tổ chức. Việc bỏ "tổ chức" ra khỏi khái niệm "người tiêu dùng" theo quản điểm của cá nhân luật sư là chưa hợp lý và thuyết phục.

Luật sư Hoàng Văn Việt, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Theo Luật sư Hoàng Văn Việt, xét cho cùng thì “tổ chức” trong tương quan với bên bán hàng hoá cũng là người tiêu dùng nếu như tổ chức đó mua hàng hoá về nhưng không vì mục đích kinh doanh thương mại. Nếu như đưa ra quan điểm rằng "tổ chức" trong vai trò "người tiêu dùng" luôn có khả năng "tương quan lực lượng" với bên cung cấp hàng hoá hoặc nhà sản xuất thì chưa đúng thực tế. Thực tiễn cho thấy rất nhiều tổ chức mua sản phẩm để tiêu dùng (như trường học mua sữa để cung cấp bữa ăn phụ cho học sinh, hay công ty/nhà máy mua thực phẩm để nấu suất ăn trưa cho công nhân...) - họ đều là người tiêu dùng và cần được bảo vệ bởi một cơ chế đặc biệt “Người tiêu dùng” cũng như có hành lang pháp lý và chế tài đầy đủ để bảo vệ tổ chức, không phải lúc nào tổ chức cũng có thể tự bảo vệ mình trước các đối tác cung cấp hàng hoá... Và không phải tổ chức nào cũng đủ thời gian, đủ sự hiểu biết pháp luật hay đủ tài chính để khởi kiện đòi quyền lợi khi tổ chức đó ở vai trò người tiêu dùng mà bị xâm phạm quyền lợi, khi đó tổ chức có thể được xem là yếu thế và rất cần được bảo vệ. Do đó, nếu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bảo vệ tổ chức thì quyền lợi của nhóm đối tượng này có thể dễ bị xâm hại và gây thiệt hại chung cho xã hội.

Đồng thời, luật sư Hoàng Văn Việt cũng cho rằng, việc tiếp tục đưa “Tổ chức” vào khái niệm “Người tiêu dùng” cũng thể hiện được tính kế thừa và phát triển giá trị của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Nhấn mạnh khái niệm “Người tiêu dùng” tại Dự thảo luật (sửa đổi) quy định chưa rõ, chưa phù hợp với điều kiện hiện tại; còn hẹp so với các thông lệ quốc tế, luật sư Hoàng Văn Việt kiến nghị, trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5/2023 tới đây, bên cạnh việc cập nhật những chế định, chế tài về nội dung thì việc hoàn thiện các khái niệm pháp lý cơ bản, trong đó có khái niệm “người tiêu dùng” đóng vai trò rất quan trọng và cần được thực hiện một cách khoa học và phù hợp với đời sống thực tiễn hiện nay./.

Lê Anh