QUY ĐỊNH RÕ CÁC MÔ HÌNH GIAO DỊCH ĐẶC THÙ PHÙ HỢP THỰC TIỄN

07/02/2023

Theo Chương trình dự kiến, tại Phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tháng 02/2023 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Quan tâm tới dự luật, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần quy định rõ các mô hình giao dịch đặc thù phù hợp thực tiễn; mở rộng quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù,…

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT BẢO VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, gồm 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021.

Đánh giá về dự thảo Luật, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh - Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, một trong những nội dung mới quan trọng được bổ sung lần này là quy định về một số giao dịch đặc thù.

Theo đó, đối với các giao dịch trên không gian mạng, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung một số quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng, như: Làm rõ khái niệm tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, khái niệm nền tảng số, nền tảng trung gian số; Quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; Quy định trách nhiệm bên thứ ba đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh nền tảng trung gian số;…

Đối với quy định về bán hàng trực tiếp, dự thảo Luật bổ sung một số quy định mới: Bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về việc thông báo về hoạt động bán hàng tận cửa tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện bán hàng trước khi thực hiện;…

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến bán hàng đa cấp, đối với hoạt động bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ tại các địa điểm không phải là địa điểm bán lẻ, giới thiệu dịch vụ thường xuyên, tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Đánh giá cao dự thảo luật đã có riêng - Chương III quy định về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, Luật sư Đặng Thành Chung - Liên đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho rằng, đây là chương mới so với luật hiện hành, hoàn toàn phù hợp với tình hình phát triển của các mô hình kinh doanh hiện nay – kinh doanh thông qua internet và ứng dụng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, luật sư cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ các mô hình giao dịch đặc thù phù hợp thực tiễn; mở rộng các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, đặc biệt quy định rõ ràng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện giao dịch đặc thù; tăng cường và hoàn thiện các quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù.

Liên quan đến nội dung này, TS.Đoàn Quang Đông - Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng lưu ý, dự thảo luật cần chú trọng tới các quy định có liên quan đến các yếu tố của giao dịch xuyên biên giới của người tiêu dùng, cần quy định các biện pháp giải quyết tranh chấp xuyên biên giới của người tiêu dùng cũng như cách thức giải quyết tranh chấp trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, đối với trách nhiệm của tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ cần bổ sung các trách nhiệm gắn với sự phát triển của khoa học, công nghệ cũng như cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể: các giao dịch trên không gian mạng, hoặc nhiều bên tham gia vào giao dịch cung cấp hàng hóa dịch vụ cho người  tiêu dùng; hay trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng không chỉ đơn thuần là bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng mà cần tính đến các thông tin có liên quan đến quá trình giao dịch, thông tin liên quan đến hành vi, sở thích, thói quen,….

Trước đó, thảo luận về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn nội dung và giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các bên tham gia, giữa người bán và người mua. Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định khi đã tham gia bán hàng trên mạng thì cần phải xác định danh tính.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp vì hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trên không gian mạng hoặc là qua phương tiện viễn thông từ xa;…

Hiện nay, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang được cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp cùng cơ quan soạn thảo tích cực chỉnh lý, tiếp thu, hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến tại Phiên họp tháng 02 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây./.

Lan Anh

Các bài viết khác