KỲ VỌNG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC, ỔN ĐỊNH XÃ HỘI, TIẾP THÊM ĐỘNG LỰC CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Huy động trí tuệ, tâm huyết nhân dân trong hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 2, Điều 16 của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 23/12/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân nhằm hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước
Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 giao Chính phủ xây dựng kế hoạch, xác định nội dung trọng tâm lấy ý kiến và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); chủ trì tổng hợp ý kiến và xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân. Triển khai thực hiện quy định này, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 170/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí nội dung Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Theo đó, Nghị quyết số 170/NQ-CP nêu rõ, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải đảm bảo các yêu cầu: Bảo đảm thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức lấy ý kiến theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15; Việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan; Xác định các nội dung trọng tâm, hình thức cụ thể phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân; Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và thực hiện đầy đủ nội dung, đúng tiến độ của Kế hoạch; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch. Các địa phương, tổ chức, đơn vị, cơ quan truyền thông có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến đóng góp.
Theo Nghị quyết, đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; Các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà nghiên cứu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) (Ảnh minh họa)
Về nội dung lấy ý kiến, Nghị quyết nêu rõ, lấy ý kiến toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật nhận được nhiều sự quan tâm gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; Hộ gia đình sử dụng đất.
Xác định rõ nội dung trọng tâm phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến
Kế hoạch của Chính phủ cũng phân rõ từng nhóm nội dung trọng tâm lấy ý kiến đối với từng nhóm đối tượng. Cụ thể, với các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, sẽ tập trung lấy ý kiến về: Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác, việc lấy ý kiến sẽ hướng đến các nội dung: Các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất; Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; Các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Chế độ sử dụng đất trong các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến đối với các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp sẽ chú trọng đến các nội dung như: Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Ngoài ra, với các chuyên gia, nhà khoa học, việc lấy ý kiến sẽ tập trung vào các nội dung: Phạm vi điều chỉnh; Giải thích từ ngữ; Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; Chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không; Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể.