CHỦ NHIỆM ỦY BAN XÃ HỘI NGUYỄN THÚY ANH: CHUNG SỨC, ĐỒNG LÒNG XÂY DỰNG HỆ THỐNG AN SINH XÃ HỘI ĐA TẦNG, TOÀN DIỆN, VÌ LỢI ÍCH NHÂN DÂN

20/01/2023

Khép lại một năm công tác với khối lượng công việc lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tự hào khẳng định các quyết sách của Quốc hội thuộc lĩnh vực do Ủy ban phụ trách đã bảo đảm mục tiêu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện; đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống và trên hết là phục vụ lợi ích của đất nước, của Nhân dân.

 

Với quyết tâm, trách nhiệm cao trước Đảng và Nhà nước, trước cử tri và nhân dân, trong năm vừa qua, Quốc hội đã kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường đối ngoại và không ngừng cải tiến cách thức làm việc, hành động quyết liệt, để cùng với Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị giải quyết các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, vì nhân dân, lấy người dân làm trung tâm trong mọi quyết sách, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Đồng hành và góp phần làm nên thành công chung trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã bảo đảm hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ theo kế hoạch cũng như những nhiệm vụ phát sinh đột xuất theo phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và theo các chương trình, kế hoạch công tác năm 2022 đã đề ra; đảm bảo thực hiện mục tiêu an sinh xã hội là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước trong thời gian tới.

Trước thềm năm mới Quý Mão 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội về những kết quả sau một năm hoạt động nỗ lực không mệt mỏi vì lợi ích của Nhân dân; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để Ủy ban hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Phóng viên: Trong năm vừa qua, nước ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu đón những tín hiệu khởi sắc từ sự phục hồi của kinh tế - xã hội. Nhìn lại một năm vừa qua, hoạt động của Ủy ban đã được những kết quả đáng chú ý nào, thưa bà?

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh: Năm 2022 là năm thứ hai là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội dần được phục hồi, tuy nhiên, đất nước vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trước bối cảnh đó, đòi hỏi Ủy ban phải chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan liên quan, nghiên cứu, tham mưu với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác lập pháp, hoàn thiện thể chế chính sách về lĩnh vực xã hội, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nhằm góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, Ủy ban bảo đảm hoàn thành những nhiệm vụ theo kế hoạch cũng như những nhiệm vụ phát sinh đột xuất. Ủy ban đã thực hiện được một số công việc đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, trong hoạt động lập pháp: Ủy ban đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình và chính lý 03 dự án Luật gồm dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và thẩm tra 02 dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, về việc cho phép tiếp tục chi trả hỗ trợ với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15.

Đến nay, 03 dự án Luật đã được Quốc hội thông qua, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 và dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/07/2023.

Thứ hai, trong hoạt động giám sát: Năm 2022, ngay khi tình hình dịch bệnh COVID-19 dần ổn định, Ủy ban đã chủ động tổ chức giám sát 02 chuyên đề về việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021 và việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội. Kết quả giám sát góp phần làm căn cứ để thẩm tra các đề xuất về chính sách bảo hiểm xã hội cũng như việc thực hiện quy định tại khoản 3 của Nghị quyết 30/2021/QH15.

Thứ ba, trong hoạt động quyết định vấn đề quan trọng, Ủy ban đã phối hợp thẩm tra Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 571/NQ-UBTVQH15 về việc phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia; tham gia thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính, ngân sách giai đoạn 2023 - 2025...

Đây là những điểm nổi bật trong trong năm qua trong công tác của Ủy ban. Có thể nói rằng, Ủy ban Xã hội đã hoàn thành các nhiệm vụ theo phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và theo các chương trình, kế hoạch công tác năm 2022 đã đề ra, đóng góp vào thành công hoạt động của Quốc hội nói riêng và mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phóng viên: Những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay là khá toàn diện. Đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành; giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ. Từ thực tiễn hoạt động của Ủy ban, bà đánh giá thế nào về công tác phối hợp giữa các cơ quan trong công tác hoạch định, ban hành chính sách?

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tương đối đặc biệt, mở ra với nhiều thách thức khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta, đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ta.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp luật hằng năm, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ luôn phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác hoạch định, ban hành chính sách.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc biệt của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, biện pháp mới đã được ban hành để xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra, vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải luôn chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ để hoạch định và ban hành các chính sách đột xuất, đặc thù để kịp thời giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách đang đặt ra.

Đây cũng là nhiệm kỳ Quốc hội mà ngay từ đầu năm thứ 2 của nhiệm kỳ đã tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất và đầu năm thứ 3 tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 để quyết định những vấn đề quan trọng, cấp bách, đảm bảo tính kịp thời, thể hiện sự linh hoạt và quyết tâm của Quốc hội và sự đồng hành cùng với Chính phủ.

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp số 30 nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương phải chủ động bám sát tình hình thực tế, tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để kiểm soát tốt dịch COVID-19; cho phép Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đặc biệt, đặc cách, đặc thù, chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó dành 14 nghìn tỷ đồng để để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị COVID-19.

Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội”, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người sử dụng lao động. Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan cũng đã chủ động, linh hoạt, đổi mới phương thức hoạt động, sáng tạo trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, như làm việc từ xa, tổ chức các kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến để xem xét, cho ý kiến thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết, đảm bảo tiến độ, chất lượng, thực hiện có hiệu quả chương trình công tác, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh.

Đến nay, những kết quả về kinh tế - xã hội có thể đánh giá là khá toàn diện, có được kết quả này phải kể đến đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ, sự chung tay chung sức, đồng bộ của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân.

Phóng viên: “Chính sách an sinh xã hội phải nhận được sự đồng thuận, đồng hành của Nhân dân” - bà có suy nghĩ gì về quan điểm này?

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh: Bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, song song với phát triển kinh tế và là mục tiêu thúc đẩy xã hội phát triển toàn diện, bền vững. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định tầm quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển đất nước, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội và thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Thời gian qua, chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam đạt được những kết quả tích cực. Các chính sách xã hội từng bước được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực, thực hiện mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Chính sách xã hội được thể chế hóa các quan điểm của Đảng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, cơ bản bảo đảm tốt hơn các quyền tiếp cận và sử dụng các loại hình bảo hiểm; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về chính sách xã hội cũng còn một số hạn chế, cần được tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời một số văn bản mới của Đảng. Pháp luật về an sinh xã hội tuy bước đầu mở rộng phạm vi bao phủ, nhưng mức trợ cấp còn thấp, chưa theo kịp nhu cầu bảo đảm an sinh xã hội ngày càng đa dạng, phong phú và tăng nhanh đối tượng thụ hưởng. Pháp luật về y tế, chăm sóc sức khỏe, đời sống nhân dân, bảo hiểm, việc làm chưa được hoàn thiện đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh xảy ra đại dịch COVID-19. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, còn có sự chênh lệch giữa các vùng, miền; hộ nghèo mới phát sinh còn cao.

Xác định quan điểm mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân; tiếp tục nhất quán quan điểm phát triển xã hội với mục tiêu bao trùm, bền vững và cao nhất là vì con người và tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội và mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh dân chủ, công bằng, văn minh”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban Xã hội hướng tới xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội bảo đảm bền vững, công bằng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; đặc biệt đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia để tăng cường tính lan tỏa và hiệu ứng tích cực khi triển khai các chính sách an sinh xã hội, đồng thời cũng tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.

Phóng viên: Trong các nhiệm vụ, mục tiêu mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra, an sinh xã hội được xác định là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước trong thời gian tới. Với mục tiêu lớn lao đó, yêu cầu đặt ra đối với Ủy ban trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới là như thế nào, thưa bà?

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh: Năm Quý Mão 2023 là năm bản lề trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó thực hiện tốt an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Với những yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy ban đã xây dựng phương hướng nhiệm của Ủy ban trong năm 2023 và những năm tiếp theo, cụ thể:

Thứ nhất, trong công tác lập pháp, cần quán triệt quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013 trong công tác hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật. Đặc biệt chú trọng việc chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thụ hưởng phúc lợi xã hội toàn diện, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.

Trong năm 2023, tiếp tục thực hiện toàn diện các nội dung, chương trình công tác được giao năm 2022, tập trung trọng tâm đối với các nhiệm vụ xây dựng pháp luật theo các Nghị quyết về Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và UBTVQH. Cụ thể: Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Tiếp tục hoàn thiện việc tổng kết thực hiện một số luật, bao gồm: Luật Công đoàn; Luật Việc làm; Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân; Luật Bảo hiểm y tế; Pháp lệnh Dân số; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và các quan hệ xã hội mới phát sinh, quan hệ xã hội đã phát sinh nhưng chưa có luật điều chỉnh (như chuyển đổi giới tính, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, trang thiết bị y tế …) để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội và tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết liên quan…

Thứ hai, trong công tác giám sát, Ủy ban triển khai tổ chức 02 hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; Việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG, trong đó có Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật và ban hành văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, các nội dung Luật, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định, những vấn đề đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt các mục tiêu, chỉ tiêu về xã hội liên quan lĩnh vực Ủy ban được giao phụ trách…

Trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban tham gia thẩm tra các vấn đề quan trọng liên quan đến lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Ngoài ra, Ủy ban thực hiện công tác đối ngoại và các công tác khác của Ủy ban.

Bài học kinh nghiệm được rút ra qua năm công tác vừa qua đã khẳng định rằng, càng khó khăn, thử thách, chúng ta càng phải nỗ lực hơn. Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV tương đối đặc biệt, mở ra với nhiều thách thức đan xen với cơ hội, đòi hỏi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải luôn chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ để hoạch định và ban hành các chính sách đột xuất, đặc thù nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách đang đặt ra. Sự đoàn kết, đồng lòng, hợp tác của cơ quan hữu quan, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cũng có ý nghĩa rất quan trọng giúp bảo đảm đạt được các mục tiêu đề ra, đưa đất nước vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn để “về đích” trong thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm, 10 năm. Với những gì Ủy ban và các cơ quan khác của Quốc hội đã làm được trong năm qua, có thể khẳng định rằng, đoàn kết làm nên sức mạnh và khi có sự chung sức, hợp tác, chúng ta có thể đạt được những điều tuyệt vời.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Hồ Hương

Các bài viết khác