TRAO ĐỔI, THỐNG NHẤT VỀ CÁC NỘI DUNG TRONG DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI) VỚI CÁC LUẬT CÓ LIÊN QUAN

12/01/2023

Để phục vụ việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sau khi được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, sáng ngày 12/1, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức cuộc làm việc với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT BẢO VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

ĐỀ XUẤT CÓ BIỆN PHÁP HỮU HIỆU BẢO VỆ NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG BỊ LỢI DỤNG TÊN TUỔI ĐỂ GẮN VÀO QUẢNG CÁO SẢN PHẨM HÀNG HÓA

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi chủ trì cuộc làm việc. Tham dự cuộc làm việc còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cùng các cán bộ, chuyên viên của Ủy ban; đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Toàn án Nhân dân tối cao và các đơn vị liên quan.


Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với các cơ quan có liên quan.

Tại cuộc làm việc, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và các cơ quan liên quan trao đổi, thống nhất về các nội dung liên quan trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Tố tụng Dân sự và các luật có liên quan.

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Việc các cơ quan trao đổi, thống nhất về các nội dung liên quan trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với các dự án Luật và các luật có liên quan là để rà soát những nội dung chưa đồng bộ, còn chồng chéo giữa các luật để đảm bảo chất lượng dự án Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong Phiên họp vào tháng 2 tới, trước khi trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sẽ diễn ra vào tháng 5/2023.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi chủ trì cuộc làm việc với các cơ quan.

Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 07 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021. Các nhóm Chính sách này đồng thời cũng bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cẩu của Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22/01/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.


Các đại biểu tham dự cuộc làm việc.

Trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có một số nội dung cơ bản như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; Hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù; Hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với các cơ quan có liên quan.

Các đại biểu tham dự cuộc làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn chỉ đạo các Bộ ngành, cơ quan chú trọng tới sự thống nhất giữa dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với các luật có liên quan.

Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn đề cập về sự rà soát một số điều trong dự án Luật.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) Ngô Đức Minh cho ý kiến thêm về các điều khoản trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).


Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba nêu quan điểm xung quanh trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng số với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bà Lưu Hương Ly-Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp) đề cập về giải quyết tranh chấp, xét xử, thủ tục rút gọn đối với các vụ án liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (Tòa án Nhân dân tối cao) Hoàng Thị Thúy Vinh nêu quan điểm về vấn đề giải quyết các vụ án liên quan đến người tiêu dùng.

Ông Phạm Chí Trung – chuyên viên Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đưa ra qua điểm về trách nhiệm của các đơn vị trung gian trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Ngọc Hoa nêu ý kiến về rà soát các điều khoản trong dự án Luật.

Bích Lan - Nghĩa Đức