TỔNG THUẬT SÁNG 07/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Chú ý định hướng phân bố không gian cho các ngành công nghiệp
Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho biết, đối với định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng, xác định phát triển nền công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu... Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao (điện tử, sản xuất chip bán dẫn, công nghiệp sinh học...), công nghệ số, công nghệ mới. Chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp... Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên; phát triển các khu công nghiệp sinh thái và giảm dần các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra
Đồng thời, bố trí không gian công nghiệp theo hướng gắn với hệ thống đô thị, trung tâm dịch vụ để hình thành các hành lang kinh tế, các vùng động lực. Mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực phía Tây của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vùng trung du để giảm sức ép sử dụng quỹ đất tại vùng đồng bằng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến gắn với các vùng nguyên liệu, tài nguyên; mở rộng các cụm công nghiệp (chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp gia công, hỗ trợ...) gắn với các trung tâm phát triển ở khu vực nông thôn. Phân bố các khu, cụm công nghiệp với quy mô hợp lý, tập trung chuyên ngành, gắn kết sản xuất với dịch vụ công nghiệp; phát triển các tổ hợp công nghiệp chuyên sâu trong các lĩnh vực. Hình thành các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại; bảo đảm sự kết nối đồng bộ giữa khu công nghiệp với hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc lựa chọn các ngành ưu tiên hiện tại còn dàn trải, chưa thể hiện được định hướng ưu tiên, do đó, cần rà soát, thu hẹp danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó, định hướng phân bố không gian cho các ngành công nghiệp cần chú ý xu hướng dịch chuyển ra khỏi các vùng công nghiệp có mật độ cao (Đông Nam Bộ); dịch chuyển ra khỏi các vùng công nghiệp có nguy cơ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (khu vực ven biển). Đồng thời, đề nghị cần tiếp tục rà soát, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp tại Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra, đề nghị bổ sung, làm rõ hơn các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn là một khâu quan trọng, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ… và bố trí không gian và có phương án xử lý theo hướng phát triển các khu công nghiệp sinh thái và giảm dần các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, nhà máy có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Phát huy năng lực nội tại để có một nền công nghiệp thực sự mạnh
Quan tâm đến vấn đề này, thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phân tích, về công nghiệp, khác nhau dễ thấy giữa nước đang phát triển và nước phát triển, đó là chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Đất nước đang phát triển thì vẫn còn suy nghĩ tiền nào của nấy, các nước phát triển thì làm cái nào chất lượng ra cái đó. Nếu sản phẩm trên thị trường mà không cạnh tranh bằng chất lượng thì không chỉ người tiêu dùng bị thiệt hại mà những người làm ra sản phẩm chất lượng cũng bị cạnh tranh không lành mạnh, như bị giả thương hiệu, bị bán phá giá, làm cho các ngành sản xuất trong nước đi xuống. Thời kỳ mới mở cửa, nhiều sản phẩm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, không chỉ do chúng ta khéo tay đầu tư máy móc hiện đại mà còn do khách hàng yêu cầu các sản phẩm phải đạt được các yêu cầu kỹ thuật, các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế tại các cơ sở kiểm định tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, trong quy hoạch cần bổ sung nội dung phát triển hệ thống các trung tâm cơ sở kiểm định chất lượng sản phẩm tầm cỡ khu vực, có lộ trình hoàn thiện pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn tiệm cận với các nền kinh tế mà chúng ta muốn đưa sản phẩm đến với họ.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Cùng bàn về phát triển công nghiệp, đại biểu Trần Thị Thu Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết, theo định hướng của chúng ta thì đến năm 2030 thì vùng Tây Nguyên giảm đến 4,30 nghìn hecta đất nông nghiệp so với năm 2020, chúng ta phải gắn việc phát triển các ngành công nghiệp để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp thì cần có quỹ đất. Về quỹ đất để phát triển công nghiệp thì theo báo cáo định hướng đến năm 2030 vùng Tây Nguyên có diện tích đất khu công nghiệp là 3,15 nghìn hecta, chiếm 1,49 diện tích đất khu công nghiệp của cả nước, tăng chỉ có 1,57 nghìn hecta so với năm 2020. Theo đại biểu, diện tích đất công nghiệp như vậy thì tương đối thấp. Vì vậy, đại biểu kiến nghị tăng diện tích đất khu công nghiệp của Tây Nguyên lên trong giai đoạn tới cao so với con số 1,57 nghìn hecta đã được đưa ra trong báo cáo để tạo nguồn quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp tại khu vực Tây Nguyên.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nêu rõ, với lợi thế giao thông thuận lợi, nhất là lợi thế về cảng biển thì các tỉnh ven biển nói chung, đặc biệt là các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng có lợi thế để thu hút, phát triển các ngành công nghiệp nặng như là lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng tái tạo, trong quy hoạch tổng thể của vùng đã được quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp này. Trong định hướng quy hoạch của tỉnh, Bình Định cũng đã xác định thu hút các dự án năng lượng tái tạo, sản xuất thép công nghệ tiên tiến, tuy nhiên tỉnh cũng nhận thức sâu sắc rằng đây là những lĩnh vực rất khó, rất cần có sự tập trung đầu tư. Do đó, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, Trung ương cần có chính sách hỗ trợ các tỉnh nói chung, trong đó có Bình Định để triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án trên.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam chỉ ra rằng, đến năm 2045 mục tiêu của chúng ta là phát triển công nghiệp hiện đại và có thu nhập cao. Bây giờ chúng ta cũng cần nghiên cứu kỹ hơn, đánh giá kỹ hơn những tiềm năng, tiềm lực của chúng ta để chúng ta phát huy. Ví dụ như ngành công nghiệp, hiện nay trong mấy chục năm đổi mới, chúng ta đã xây dựng manh nha được một nền công nghiệp Việt Nam và đặc biệt là công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có những thời kỳ chúng ta thấy ta tự hào là công nghiệp đóng tàu của Việt Nam, nước Anh còn đặt chúng ta mấy con tàu. Nhưng trong quá trình quản lý, quản trị, đầu tư có thể là thực hiện chưa hiệu quả, một loạt các dự án chưa hiệu quả nhưng rõ ràng nó là tiền đề, là nội tại, nội lực của một nền công nghiệp Việt Nam. Vấn đề này đề nghị là chúng ta cũng phải nghiên cứu, không vì như vậy mà chúng ta bỏ đó mà phải có một chiến lược xây dựng để phát huy từ nội tại của chúng ta để có một nền công nghiệp thực sự.