TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH, NÂNG CAO TÍNH ƯU VIỆT CỦA CƠ CHẾ TỰ CHỦ TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP

06/01/2023

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một trong những nội dung trung tâm của Kỳ họp bất thường lần thứ hai. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm là về các quy định liên quan đến việc thực hiện tự chủ ở các cơ sở y tế công lập. Góp ý về dự án Luật này, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường trách nhiệm giải trình, nâng cao tính ưu việt của cơ chế tự chủ tại các cơ sở y tế công lập.

TỔNG THUẬT SÁNG 05/01: KHAI MẠC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV

Dự kiến sẽ được thông qua sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện kể từ Kỳ họp thứ 4, Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một trong những nội dung trung tâm của Kỳ họp bất thường lần thứ hai. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm là về các quy định liên quan đến việc thực hiện tự chủ ở các cơ sở y tế công lập.

Quan tâm đến vấn đề này, TS.Nguyễn Tố Tâm, Đại học Điện lực cho biết, việc thực hiện tự chủ bệnh viện còn gặp phải những bất cập, hạn chế, đặc biệt trong vấn đề quản lý tài chính. Cụ thể, đầu tư từ NSNN cho y tế còn thấp; cơ cấu chi còn bất cập, chi cho y tế cơ sở, y tế dự phòng thấp. Phân bổ ngân sách còn mang tính bình quân, chưa gắn với kết quả đầu ra, chưa gắn chặt với nhiệm vụ chuyên môn giao, một số chi phí chưa được kết cấu trong giá dịch vụ nhưng chưa được cấp ngân sách. Ngân sách trung ương dành cho chi Chương trình mục tiêu y tế - dân số còn thấp nên ảnh hưởng đến y tế dự phòng và hoạt động của y tế cơ sở.

TS.Nguyễn Tố Tâm cũng cho rằng, do chưa ban hành được Nghị định thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP nên còn khó khăn trong việc thực hiện quy định về Hội đồng quản lý theo Nghị định số 85/2012/NĐ-CP và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP mặc dù đã có Thông tư số 03/2016/TTBNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn vướng mắc về việc thành lập, bổ nhiệm các chức danh thành viên Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng theo tiêu chuẩn, mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý và Ban giám đốc... Giá dịch vụ chưa tính đủ chi phí (chi phí quản lý, chi phí khấu hao, lương vẫn tính theo mức lương cơ sở, nhân lực chưa đáp ứng chăm sóc toàn diện để có đột phá nâng cao chất lượng dịch vụ) nên khó khăn cho các bệnh viện không tuyển đủ nhân lực để đáp ứng chuyên môn, khó khăn trong việc vay vốn để đầu tư (giá dịch vụ BHYT chi trả chưa có khấu hao); vẫn chưa thực sự công bằng giữa khu vực công và khu vực tư.

Đề xuất hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, TS.Nguyễn Tố Tâm đề nghị cần có các công cụ để kiểm soát cân đối doanh thu - chi phí trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các công cụ phân bổ chi phí, phân bổ nguồn lực để đánh giá được hiệu quả tài chính được quan tâm nâng cao tính ưu việt của cơ chế tự chủ. Tăng cường trách nhiệm giải trình thông qua hệ thống báo cáo và giám sát khi đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ (thông qua Hội đồng quản lý - theo Điều 8, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và quy định trong tổ chức hoạt động của các ĐVSNCL).

Cùng quan tâm đến vấn đề này, ThS.Phạm Thị Thu Hồng, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, về cơ chế chính sách, Trung ương cần sớm ban hành đầy đủ hệ thống văn bản pháp luật, các văn bản hướng dẫn cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện thống nhất. Về tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý biên chế và tinh giản biên chế. Chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, khả năng của đơn vị theo quy định báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện (đối với đơn vị sự nghiệp không sử dụng kinh phí NSNN) hoặc báo cáo cơ quan cấp trên để phê duyệt và quyết định phương thức giao kế hoạch cho đơn vị thực hiện (đối với đơn vị sự nghiệp sử dụng kinh phí NSNN).

Về tài chính, ThS.Phạm Thị Thu Hồng đề xuất cần hoàn thiện các điều kiện cần thiết làm cơ sở đổi mới phương thức giao dự toán NSNN từ cấp phát sang đặt hàng. Khai thác các nguồn lực tài chính, mở rộng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với lĩnh vực y tế, ThS.Phạm Thị Thu Hồng đề nghị cần có sự hỗ trợ từ NSNN đối với việc hỗ trợ miễn, giảm chi phí điều trị cho Bệnh nhân nghèo không có thẻ bảo hiểm y tế vì bệnh viện còn khó khăn về kinh phí trong khi thực hiện tự chủ. Không nên giao tự chủ cho các bệnh viện đang trong thời gian xây dựng mới vì bệnh viện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu giảm, nên bổ sung thêm ngân sách để đảm bảo hoạt động tốt trong thời gian xây dựng (như các bệnh viện ở Quận 3 TP. HCM…).

Đề xuất một số biện pháp khắc phục vượt quỹ và vượt trần khám, chữa bệnh BHYT, ThS.Phạm Thị Thu Hồng cho rằng cần xây dựng phác đồ điều trị nhằm hạn chế chi phí cao do lạm dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật làm gia tăng chi phí. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát sự tuân thủ phác đồ điều trị. Xây dựng danh mục thuốc, vật tư phù hợp phác đồ điều trị và chọn lựa mặt hàng có giá hợp lý. Lưu ý việc lựa chọn mặt hàng thuốc, vật tư sẽ làm ảnh hưởng lớn đến quỹ định suất và trần thanh toán BHYT. Ứng dụng công nghệ thông tin để khắc phục nguyên nhân không thống kê đủ thuốc, vật tư và dịch vụ kỹ thuật đã sử dụng hoặc áp giá sai. Thực hiện các dịch vụ kỹ thuật đã được thẩm định của Sở Y tế, chuẩn hóa tên gọi dịch vụ kỹ thuật theo quy định, thống nhất tên gọi thuốc, vật tư để hạn chế bị thanh toán theo giá thấp nhất, bị xuất toán và áp giá sai, tuân thủ đúng quy trình mua sắm.

Minh Hùng

Các bài viết khác