HÀI HÒA LỢI ÍCH CÁC BÊN LIÊN QUAN TRONG THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM, DỊCH VỤ VĂN HÓA

28/12/2022

Vừa qua, Hội thảo Văn hóa 2022 đã được tổ chức thành công tốt đẹp với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Bàn về vấn đề phát triển văn hóa, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần có chính sách khuyến khích phù hợp, tạo điều kiện cho những người sản xuất và cung ứng dịch vụ văn hóa tham gia vào thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

SÁNG NGÀY 17/12: TỔNG THUẬT ‘’HỘI THẢO VĂN HÓA 2022’’

TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN TẠI HỘI THẢO VĂN HÓA 2022

Hài hòa lợi ích các bên liên quan trong thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo Văn hóa 2022, các chuyên gia cho rằng đối với việc hỗ trợ làng nghề, cần có chính sách hỗ trợ các làng nghề phát triển, đặc biệt là các làng nghề đã được công nhận, nằm trong danh mục cần được bảo tồn. Cụ thể, đối với các làng nghề chưa có khả năng tự phát triển thì hỗ trợ về kết cấu hạ tầng, đầu ra sản phẩm… Đối với các làng nghề có khả năng phát triển độc lập, tương đối bền vững thì có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các loại hình doanh nghiệp quy mô lớn hơn.

Về các chính sách đối với sản phẩm, cần thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm ra thị trường; xây dựng website giới thiệu, cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng làm cơ sở định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp; xây dựng “bản đồ” thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa để từng bước chuyên nghiệp hóa thị trường, đồng thời liên kết phát triển với ngành du lịch, tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Chính sách đối với các nghệ nhân tài năng, đặc biệt trong các lĩnh vực hội họa, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn…: đãi ngộ xứng đáng để các nghệ nhân, nghệ sĩ yên tâm sáng tác, biểu diễn tạo ra các tác phẩm có giá trị cao. Chính sách đối với lao động phổ thông tại các làng nghề: mở các lớp tập huấn để nâng cao trình độ, kỹ năng nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, từ đó gia tăng giá trị cho sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách cũng cho rằng, cần giải quyết hài hòa lợi ích của chủ thể sản xuất, cung ứng với các bên liên quan. Một số loại hình sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong thị trường văn hóa đã đạt được những thành công nhất định, như: Nghệ thuật biểu diễn (nhiều chương trình đã thu hút hàng triệu lượt khách đến thụ hưởng như “Tinh hoa Bắc Bộ”…); mỹ thuật Việt Nam đã có những bức tranh được bán với giá hàng chục ngàn USD; nhiều di sản văn hóa, du lịch đã thu hút hàng chục triệu lượt khách, trở thành “điểm đến” đối với nhiều du khách quốc tế, góp phần mở rộng, quảng bá thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam ra thế giới… Bên cạnh đó cũng có những loại hình sản phẩm chưa tạo dựng được vị thế trên thị trường. Do đó, cần xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích hài hòa, tránh sự phát triển quá thiên lệch giữa các ngành, sản phẩm văn hóa, chủ thể sản xuất, tạo cơ sở bền vững để khai thác tài năng các chủ thể sáng tạo, nhất là giữ chân các tài năng trẻ cống hiến cho ngành, cho địa phương, góp phần gìn giữ vốn văn hóa dân tộc.

Để đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đồng thời với chính sách quản lý thị trường phù hợp, hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng cần có chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi thiết kế nhiều mẫu mã sản phẩm trên cơ sở vừa giữ được nét truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Hỗ trợ đầu tư công nghệ hiện đại theo hướng kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ cổ truyền để tăng chất lượng, giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Cần có chính sách phát triển thị trường đối với từng sản phẩm, dịch vụ văn hóa chủ yếu

Bên cạnh đó, các chuyên gia ở nhiều ngành trong lĩnh vực phát triển văn hóa cùng cho rằng, cần có chính sách phát triển thị trường đối với từng sản phẩm, dịch vụ văn hóa chủ yếu. Cụ thể, đối với điện ảnh, cần tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Điện ảnh năm 2022 và các văn bản pháp luật liên quan phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia. Khuyến khích đầu tư tư nhân vào sản xuất các bộ phim có chất lượng, “ăn khách”, tăng dần tỷ trọng phim truyện Việt Nam chiếu tại các rạp để thúc đẩy thị phần phim trong nước trước sự áp đảo của phim nước ngoài. Nâng cao chất lượng đào tạo đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch, lý luận phê bình, quay phim, thiết kế mỹ thuật (sân khấu), kỹ thuật - công nghệ, diễn viên..., chú trọng đưa các tài năng đi đào tạo, bồi dưỡng ở những nước có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển.

Đối với nghệ thuật biểu diễn, các chuyên gia kiến nghị cần yạo điều kiện phát triển thị trường cho các tác phẩm sân khấu, chương trình biểu diễn, các sản phẩm âm nhạc... Đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để khuyến khích phát triển các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập. Hình thành các trung tâm trình diễn nghệ thuật đa năng ứng dụng công nghệ cao tại các thành phố lớn.

Các đại biểu dự Hội thảo Văn hóa

Đối với mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, cần đầu tư, xây dựng các công trình mỹ thuật công cộng có cảnh quan kiến trúc và giá trị thẩm mỹ cao vừa phục vụ nhân dân, vừa tạo điểm đến thu hút du khách, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Hình thành các trung tâm giám định và đấu giá tác phẩm mỹ thuật trong và ngoài công lập. Phát triển đội ngũ nghiên cứu phê bình lý luận văn học, giám tuyển mỹ thuật có trình độ tương đương với các nước trong khu vực và thế giới. Chủ động đầu tư, xây dựng các bộ sưu tập giới thiệu, quảng bá về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam có ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra các tác phẩm nhiếp ảnh hấp dẫn, đa dạng. Xây dựng một số mô hình triển lãm, hội chợ có thương hiệu quốc tế về xúc tiến quảng bá, mua, bán các sản phẩm, dịch vụ văn hóa và du lịch, thực hiện hợp tác, liên doanh, liên kết trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Theo các chuyên gia, đối với du lịch văn hóa, cần thúc đẩy liên kết thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa với thị trường du lịch. Bổ sung, ban hành chính sách khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch tâm linh, du lịch hội thảo...

Ngoài ra, đối với ngành thủ công mĩ nghệ, cần tạo cơ chế mở rộng quy mô các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực này; xây dựng các làng nghề  truyền thống xanh, phát triển bền vững; có cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng để phát huy tài năng các chủ thể sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ văn hóa; hoàn thiện chính sách, tạo môi trường, điều kiện để các sản phẩm thủ công mĩ nghệ có vị trí, vai trò quan trọng hơn nữa trên thị trường, trở thành một trong những trụ cột quan trọng cho thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa./.

Minh Hùng

Các bài viết khác