TỔNG THUẬT SÁNG 21/12: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2 QUỐC HỘI KHÓA XV

21/12/2022

2102 lượt xem

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, 8h00 ngày 21/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành rà soát công tác chuẩn bị và cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2023

TỔNG THUẬT CHIỀU 15/12: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT BÁO CÁO CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN CỦA QUỐC HỘI THÁNG 11/2022

Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, tại Phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rà soát công tác chuẩn bị và cho ý kiến về nội dung, chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2022 của Trường Trung cấp Luật Tây Bắc từ Bộ Tư pháp sang Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.

10h31: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất điều chỉnh giảm dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 lĩnh vực chi sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề của Bộ Tư pháp, và điều chỉnh tăng tương ứng dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2022 lĩnh vực chi sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề của tỉnh Sơn La để bố trí cho Trường Trung cấp Luật Tây Bắc. 

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính – Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

10h30: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe tờ trình Chính phủ và báo cáo thẩm tra, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về sự cần thiết phải điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 của Trường trung Luật Tây Bắc từ Bộ Tư pháp cho UBND tỉnh Sơn La; căn cứ thẩm quyền điều chỉnh dự toán,  cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết điều chỉnh dự toán.

10h27: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 của Trường Trung cấp Luật Tây Bắc từ Bộ Tư pháp sang Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La

Báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 của Trường Trung cấp Luật Tây Bắc từ Bộ Tư pháp sang Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, về Về căn cứ pháp lý, Trường Trung cấp Luật Tây Bắc được thành lập theo Quyết định số 1946/QĐ-BTP ngày 9/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và được chuyển giao nguyên trạng từ Bộ Tư pháp về Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La theo Quyết định số 431/QĐ-BTP ngày 22/3/2022.

Việc điều chuyển trường Trung cấp Luật Tây Bắc từ Bộ Tư pháp về UBND tỉnh Sơn La được thực hiện sau thời điểm Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 nên việc quyết định điều chỉnh giảm dự toán của Bộ Tư pháp và điều chỉnh tăng tương ứng dự toán của tỉnh Sơn La nhằm bảo đảm đúng quy định pháp luật, đủ căn cứ pháp lý để tiếp tục triển khai dự toán.

Về thẩm quyền, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc điều chỉnh không làm thay đổi tổng dự toán đã được Quốc hội phê duyệt và theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 52 Luật NSNN, việc điều chỉnh dự toán giữa Bộ Tư pháp sang tỉnh Sơn La thuộc thẩm quyền của UBTVQH. Do vậy, nhất trí với đề xuất của Chính phủ, trình UBTVQH xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất điều chỉnh giảm dự toán của Bộ Tư pháp và điều chỉnh tăng tương ứng dự toán của tỉnh Sơn La số tiền 3.780.746.368 đồng.

Có ý kiến cho rằng, theo quy định tại khoản 8 Điều 19 Luật NSNN, thẩm quyền điều chỉnh dự toán thuộc Quốc hội . Do vậy, đề nghị cần trình Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh dự toán của Bộ Tư pháp và tỉnh Sơn La.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, trên cơ sở các ý kiến nêu trên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách xin dự thảo Nghị quyết của UBTVQH theo hướng nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh giảm dự toán của Bộ Tư pháp và điều chỉnh tăng tương ứng dự toán của tỉnh Sơn La số tiền 3.780.746.368 đồng.

10h24: Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày tờ trình việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 của Trường Trung cấp Luật Tây Bắc từ Bộ Tư pháp sang Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc điều chuyển Trường Trung cấp Luật Tây Bắc về địa phương thực hiện sau thời gian Quốc hội phê duyệt dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bố ngân sách trung ương năm 2022, do vậy việc điều chỉnh dự toán của Bộ Tư pháp về Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La là cần thiết.

Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã thống nhất tiến hành các thủ tục để bàn giao kinh phí hoạt động của Trường. Do vậy, để đảm bảo kinh phí hoạt động của Trường Trung cấp Luật Tây Bắc; căn cứ quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết số 149, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 của Bộ Tư pháp, đồng thời điều chỉnh tăng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.

10h23: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành nội dung điều chỉnh dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2022 của Trường Trung cấp Luật Tây Bắc từ Bộ Tư pháp sang Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La

Phát biểu điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước…

Tiếp đến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 của Trường Trung cấp Luật Tây Bắc từ Bộ Tư pháp sang Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.

10h00: Nghỉ giải lao

9h35: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về báo cáo Rà soát công tác chuẩn bị và cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, một năm Quốc hội họp hai lần. Kỳ họp bất thường được tổ chức khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, hoặc Chủ tịch nước, hoặc Thủ tướng Chính phủ, hoặc là có 1/3 đại biểu Quốc hội đề xuất để giải quyết công việc có tính khẩn trương cần phải giải quyết ngay.

Về mặt chủ trương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đến nay Chính phủ chính thức đề xuất tổ chức Kỳ họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần thiết. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có văn bản đôn đốc; Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội căn cứ vào dự kiến nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 2 sớm có ý kiến bằng văn bản để Đảng đoàn Quốc hội sớm có báo cáo chính thức về chủ trương, dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp.

Về nội dung, căn cứ vào đề xuất chính thức của Chính phủ, đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức kết luận các nội dung sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Kỳ họp bất thường chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng theo quy trình, quy định của pháp luật, không vì tiến độ mà hy sinh chất lượng, coi nhẹ nội dung.

Theo đó, tại Kỳ họp bất thường trình Quốc hội xem xét một số nội dung như Tờ trình của Tổng Thư ký Quốc hội: Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đây là nội dung cần kíp nhất, quan trọng nhất quyết định vì sao lại có Kỳ họp bất thường. Xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách;...

Về lịch trình cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phiên họp trù bị Kỳ họp bất thường lần thứ 2 sẽ diễn ra vào chiều ngày 4/1, dành cả buổi sáng ngày 5/1 tiến hành phiên khai mạc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý các cơ quan thực hiện nhiệm vụ đảm bảo công tác hậu cần, về trật tự an toàn, an ninh sức khỏe cho đại biểu trong Kỳ họp. Trước và sau kỳ họp bất thường không tổ chức tiếp xúc cử tri mà tổng hợp ý kiến của cử tri thông qua báo cáo về công tác dân nguyện, gửi đại biểu Quốc hội.

Do thời gian từ nay đến ngày dự kiến tiến hành Kỳ họp còn rất ngắn, công việc cuối năm rất nhiều, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đề cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng nỗ lực ở mức cao nhất để kỳ họp diễn ra theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Chủ tịch Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương làm tốt công tác thông tin, truyền thông về ý nghĩa, tầm quan trọng và những nội dung của Kỳ họp.

9h34: Bộ  trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ đã có Tờ trình về dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội tính toán, cân nhắc nếu kịp có thể đưa vào chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai sắp tới.

9h27: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, việc tổ chức phiên họp Ủy ban tại Tp.Hồ Chí Minh là tạo điều kiện thuận lợi cho các đại biểu phía Nam, đồng thời cũng là địa điểm định trước để tổ chức hội thảo về đại biểu dân cử với chính sách pháp luật về dân số. Hội thảo này không chỉ diễn ra ở Tp.Hồ Chí Minh, mà sẽ được tổ chức vào năm sau tại miền Bắc và miền Trung.

Về chương trình Kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cần dành thời lượng một buổi để thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để tạo điều kiện các đại biểu phát biểu đầy đủ ý kiến của mình về dự án Luật quan trọng này, tạo sự đồng thuận cao đối với những nội dung Ủy ban đã tiếp thu, giải trình. 

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị sắp xếp lịch họp hợp lý để Ủy ban có thời gian tiếp thu ý kiến đại biểu, hoàn thiện dự án Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Ủy ban sẽ cố gắng hết sức, tích cực phối hợp cùng Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan để sớm hoàn thành tài liệu gửi tới các đại biểu, chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp bất thường sắp tới.

9h24: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý, đến thời điểm này Chính phủ chưa gửi hồ sơ tài liệu, đề nghị chuyển sang Kỳ họp thứ 5.

Liên quan đến Quy hoạch tổng thể quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, qua tập hợp ý kiến, thẩm tra, phần phụ lục kèm theo dự thảo Nghị quyết có rất nhiều ý kiến. Tuy nhiên, thời gian để chuẩn bị cho nội dung này rất ngắn, chỉ có một ngày để tiếp thu, chỉnh lý. Vì vậy Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn các cơ quan của Chính phủ có kịp tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ, trên cơ sở đó, cơ quan thẩm tra xem xét những ý kiến đã được tiếp thu, chỉnh lý.

9h20: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 gấp và có nhiều nội dung quan trọng, do vậy đối với hai nội dung quan trọng là Quy hoạch tổng thể quốc gia và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần phải bố trí thời gian thỏa đáng và hợp lý, đồng thời phải đảm bảo chất lượng.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tăng thời gian thảo luận tại Tổ, tại Hội trường về hai nội dung này, còn tăng bao nhiêu thời gian thì cân đối với các nội dung khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ví dụ như với các nội dung về tài chính, ngân sách không có gì vướng, đưa ra Quốc hội thì cơ bản thống nhất cao.

Riêng về nắm tình hình Nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, trong công văn triệu tập ĐBQH của Tổng Thư ký Quốc hội, đề nghị các đoàn ĐBQH có hình thức thích hợp để nắm tình hình Nhân dân và có báo cáo để gửi Ban Dân nguyện tổng hợp và báo cáo Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, khi tổ chức tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Nhân dân rất quan tâm đến Kỳ họp bất thường này dù mới chỉ có dự kiến. 

Đồng thời Quy hoạch tổng thể quốc gia và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) còn nhiều ý kiến khác nhau trong Nhân dân và cử tri, do vậy Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị nên nắm tình hình Nhân dân thông qua các biện pháp thích hợp chứ không tổ chức tiếp xúc cử tri. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Mặt trận Tổ quốc và Đoàn ĐBQH phải có trách nhiệm tổng hợp tình hình Nhân dân trước và tổng hợp, coi đây là công tác dân nguyện trong tháng 1/2023 thì sẽ hợp lý hơn và có điều kiện để nắm tình hình Nhân dân trước, trong và sau Kỳ họp.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan (Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ) tổ chức tốt và chặt chẽ việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phải đảm bao an ninh, an toàn và không làm phức tạp thêm tình hình.

9h14: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng nên rút ngắn thời gian phiên trù bị, tiến hành khai mạc sớm hơn để trình bày đủ các báo cáo. Trong đó, cần bố trí cân bằng thời gian đọc Tờ trình và Báo cáo thẩm tra.

Về việc tổ chức thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần sắp xếp cách trình bày nội dung hợp lý, với hai nội dung về quy hoạch tổng thể quốc gia và về các vấn đề ngân sách, cần có báo cáo riêng về các nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần dành thời lượng lớn cho dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời cân nhắc dành thời gian hợp lý đối với nội dung liên quan đến ngân sách. Thời gian ngày cuối tuần giữa phiên họp cần để dành cho các Ủy ban làm việc, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện hồ sơ.

9h12: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ băn khoăn về phần thảo luận nội dung liên quan tới quy hoạch tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Theo đó, đây là vấn đề lớn nên chắc chắn sẽ nhiều ý kiến liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, nếu bố trí chung với một số nội dung khác thì dễ phân tán ý kiến. Theo Chủ nhiệm, đây là nội dung trọng tâm thông qua tại Kỳ họp lần này nên cần bố trí thời gian hợp lý để các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ đầy đủ và tiếp thu các ý kiến chu đáo.

Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, nếu bố trí thảo luận tại hội trường như dự kiến thì các vị đại biểu Quốc hội chưa nêu được hết ý kiến của mình. Do đó cần sắp xếp lại thời gian thảo luận của dự án luật này.

9h03: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ tán thành với các nội dung báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về dự kiến các nội dung của Kỳ họp tới; đồng thời thống nhất với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về vấn đề sắp xếp lại thư tự các nội dung của chương trình.

Về hình thức họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhất trí với việc họp tập trung để đảm bảo hiệu quả. Bởi tình hình dịch hiện tại đã cơ bản ổn định. Đồng thời, bày tổ thống nhất với việc không tổ chức tiếp xúc cử tri sau kỳ họp.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, những nội dung của chương trình kỳ họp vẫn cần phải công khai và đưa tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri được biết. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị có hình thức phù hợp để nắm ý kiến, kiến nghị cử tri liên quan đến các vấn đề nội dung Kỳ họp một cách phù hợp khi không tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp.

Về dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), qua nghiên cứu ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội hôm nay cũng như dự thảo Luật kèm theo hồ sơ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, các nội dung đã được các cơ quan tiếp thu tương đối đầy đủ ý kiến của Quốc hội. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng…

9h00: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Tiếp thu ý kiến Chủ tich Quốc hội và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, phiên trù bị sẽ rút ngắn thời gian (khoảng 30 phút), phiên khai mạc dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 8h30 sáng. Sắp xếp lại theo thứ tự quan trọng, theo đó nội dung về quy hoạch tổng thể Quốc gia đầu tiên, sau đó xem xét Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và các nội dung khác trong buổi sáng sang phiên khai mạc.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, chiều 07/01, dự kiến xoay quanh nội dung tài chính, ngân sách thì sẽ không có nhiều ý kiến. Do vậy có thể thảo luận tại đoàn, sau đó gửi UBTVQH báo cáo tiếp thu, giải trình. Sáng thứ 2 sẽ đọc báo cáo tiếp thu, giải trình và tiến hành bỏ phiếu hay tiến hành các quy trình như vậy sẽ phù hợp.

Về tài liệu và triệu tập, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, chậm nhất là ngày 28/12 gửi tài liệu và triệu tập cho các đại biểu Quốc hội.

Về báo cáo cấp có thẩm quyền, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, báo cáo Đảng đoàn Quốc hội về Kỳ họp bất thường lần thứ 2 sẽ phải gửi trước ngày 27/12 và đưa nội dung này vào ngày họp của Bộ Chính trị thì mới kịp tiến độ. Do đó, Ủy ban Pháp luật phải chuẩn bị sớm các nội dung để báo cáo Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến về Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị tiếp tục kiểm tra, xét nghiệm Covid-19 các đại biểu và công chức, viên chức, các Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội để đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ họp này.

8h53: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, thời gian tổ chức Kỳ họp bất thường là ngay sau Tết dương lịch, trước Tết âm lịch, cần thông báo sớm thời gian để các đại biểu sớm sắp xếp thời giant ham dự đầy đủ nhất.

Về nội dung liên quan đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Nghị quyết 30, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội tích cực ngày đêm để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, phải gửi tài liệu tới các đại biểu Quốc hội trước ngày 29/12 mới có thể trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị bố trí thời gian một buổi để thảo luận tại Hội trường về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đảm bảo dung lượng đầy đủ để các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về nội dung này. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần chú trọng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, đảm bảo sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh trong quá trình tổ chức kỳ họp.

8h45: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu

Đồng tình báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, đến nay, cơ bản các Bộ, ngành đã chuẩn bị tương đối đầy đủ, kỹ lưỡng hồ sơ các nội dung tại Kỳ họp bất thường. Qua các bước xem xét, thẩm tra, các Ủy ban của Quốc hội đã đánh giá hồ sơ trình đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Về quy hoạch tổng thế quốc gia thời kỳ 2021-2030, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đặc biệt quan tâm, dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến, đến giờ này, quy hoạch tổng thể quốc gia đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đối với nội dung liên quan đến Nghị quyết 30/2021/QH15 và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ Y tế đã nghiêm túc tiếp thu đầy đủ và toàn diện ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với một số nội dung khác, về xử lý bất cập tại các trạm BOT, Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang tiếp tục triển khai, đôn đốc các địa phương. Để chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ rút nội dung này để trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5/2023.

8h40: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành Phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tờ trình của Chính phủ phải thống nhất ý kiến, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội không cho ý kiến về nội dung còn ý kiến khác nhau của các bộ, ngành. Theo quy trình, các Tờ trình, báo cáo thẩm tra được trình bày tại tại buổi khai mạc Kỳ họp bất thường, không nhất thiết 9 giờ mới khai mạc, để dành thời gian nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra về quy hoạch tổng thể quốc gia, dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh, Nghị quyết 30, vấn đề về tài chính, ngân sách…

8h38: Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ phát biểu tại phiên họp

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết, đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ Công an đã phối hợp rất tốt với Ban soạn thảo và tham gia ý kiến nhiều lần.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ đề nghị điều chỉnh từ “trưng mua” thành “trưng mua huy động” để đảm bảo hợp lý, phù hợp với các luật khác. Đồng thời, bổ sung thêm nội dung về phát triển nguồn nhân lực là điều trị, điều dưỡng viên phù hợp với quy hoạch chung.

Liên quan đến việc đảm bảo an ninh, trật tự cho các cơ sở khám, chữa bệnh, đảm bảo an toàn cho người hành nghề làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ đề nghị cân nhắc điều chỉnh các quy định sao cho đồng thuận với các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

8h36: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông bày tỏ thống nhất với Bộ Tài chính về các nội dung liên quan tới tài chính chưa báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ họp lần này.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về vốn điều hoà giữa chương trình phục hồi với kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện nay mới có 5 tỉnh đề xuất. Trường hợp thứ nhất là chỉ điều chỉnh trong nội bộ, thứ hai là xem xét kéo dài giải ngân sang năm 2023. Do đó cần rà soát thêm tại các bộ, ngành; sau đó xin ý kiến Bộ Tài chính về báo cáo Chính phủ để tổng hợp đầy đủ nội dung.

8h34: Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu ý kiến

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính đã báo cáo các nội dung về bổ sung dự toán bổ sung nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, chi thường xuyên, điều chỉnh kế hoạch vay lại của các địa phương năm 2022, dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động mà chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế, Hải quan và có báo cáo về điều chỉnh dự toán từ Bộ Tư pháp sang Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, việc điều chỉnh trường trung cấp Luật Tây Bắc, đồng thời cũng đã có Tờ trình về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ Tài chính mong muốn báo cáo Quốc hội về việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới hạng mục công trình có quy mô nhỏ dưới 15 tỷ. Tuy nhiên về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ nhưng phía Chính phủ, trong các bộ, cơ quan trung ương còn có ý kiến khác nhau. Vì vậy đợt này chưa kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kỳ này và sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, trên cơ sở các nội dung UBTVQH cho ý kiến thì Chính phủ sẽ gom lại Tờ trình gửi đến Quốc hội, trên cơ sở đó sẽ phối hợp với Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội để có báo cáo thẩm tra và trình Dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

8h31: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại Phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện các hồ sơ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nội dung tiếp thu đến thời điểm này đã cơ bản đầy đủ và toàn diện, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã thể hiện được tinh thần, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện hơn.

Về báo cáo liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hồ sơ đã chuẩn bị đầy đủ, sẽ ban hành Tờ trình chung và ban hành Nghị quyết riêng của Quốc hội về nội dung này. Thủ tục hồ sơ đã tương đối sẵn sàng. Bộ trưởng mong muốn nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình xem xét, thông qua trong Kỳ bất thường sắp tới.

8h24: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp

Phát biểu điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành phần lớn thời gian cho ý kiến về Báo cáo Rà soát công tác chuẩn bị và cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Dự kiến, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội cho ý kiến về 5 nội dung: Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) Xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược; Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách; Công tác nhân sự.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể về nội dung trong báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nêu, công tác chuẩn bị, dự kiến nội dung, thời gian Kỳ họp bất thường, thời hạn gửi tài liệu, hình thức họp tập trung hay trực tuyến… Về vấn đề tài chính, ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất gom các báo cáo liên quan đếnv ấn đề tài chính thành một tờ trình và báo cáo thẩm tra và một dự thảo nghị quyết.

8h21: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường báo cáo việc thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung liên quan đến công tác tài chính

Báo cáo việc thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung liên quan đến công tác tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, tại phiêp họp thứ 17 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Tờ trình, báo cáo của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết,về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Thông báo Kết luận số 1858 ngày 12/12/2022. Theo đó, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Chính phủ đang chuẩn bị Tờ trình để trình ra phiên họp bất thường lần thứ hai. 

Bên cạnh đó, tại phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến Tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết của năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đang phối hợp hoàn thành các thủ tục để trình Quốc hội ban hành kết luận, đồng thời đôn đốc Chính phủ, nhất là Bộ Tài chính trên cơ sở kết luận của Chủ tịch Quốc hội lại thành một Tờ trình…

8h13: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo việc thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Ủy ban Xã hội đã phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng Kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Chỉ đạo Vụ chuyên môn tổng hợp ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật tại phiên họp thứ 18; Phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật liên tục từ ngày 15-19/12/2022.

Về nội dung tiếp thu, giải trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, các nội dung lớn của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật thống nhất tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội. 

Đặc biệt là quy định liên quan đến Hội đồng Y khoa Quốc gia, theo đó, dự thảo Luật quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có các nhiệm vụ: Chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh…

Về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, Ủy ban đã đôn đốc Bộ Y tế, cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng Báo cáo của Chính phủ về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp về y tế liên quan đến phòng, chống COVID-19 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trước ngày 01/01/2023 mà không kịp làm thủ tục gia hạn theo quy định của Luật Dược sớm hoàn thiện Báo cáo, Tờ trình gửi Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, tới đây, Ủy ban sẽ tổ chức Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 8 để thẩm tra chính thức Báo cáo và Tờ trình của Chính phủ vào ngày 22/12/2022 tại thành phố Hồ Chí Minh; Tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trên cơ sở Báo cáo (mới) và Tờ trình của Chính phủ, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các thành viên Ủy ban tại phiên họp toàn thể lần thứ 8. Chậm nhất là ngày 30/12/2022, Ủy ban sẽ hoàn thiện các Báo cáo thẩm tra Báo cáo và Tờ trình của Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.

8h05: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo Rà soát công tác chuẩn bị và cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2

Trình bày báo cáo Rà soát công tác chuẩn bị và cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, tại phiên họp thứ 17 và 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, xem xét một số nội dung Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Sau khi xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 để xem xét, quyết định một số nội dung: Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách;...

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, đối với nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý: Do Chính phủ chưa gửi hồ sơ tài liệu chính thức nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét, cho ý kiến; do đó chưa có cơ sở để trình Quốc hội xem xét nội dung này tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Về dự kiến chương trình kỳ họp, tại phiên họp thứ 17 (tháng 11/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất báo cáo Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào tuần đầu của tháng 1/2023. 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, do việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra vào thời điểm cận Tết Nguyên Đán, nên kỳ họp cần phải được tiến hành khẩn trương, tập trung cao độ để kết thúc sớm, tạo điều kiện cho các cơ quan, địa phương hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 cũng như triển khai các hoạt động phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên Đán Quý Mão. Theo đó, dự kiến kỳ họp khai mạc vào thứ Năm, ngày 5/01/2023 và bế mạc vào chiều thứ Hai, ngày 9/01/2023. Quốc hội làm việc 04 ngày, dự phòng 01 ngày.

Về hình thức họp, căn cứ nội dung dự kiến và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 17, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất phương án tổ chức kỳ họp theo hình thức tập trung cả kỳ tại Nhà Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng báo cáo về các điều kiện bảo đảm cho kỳ họp như: tài liệu, hoạt động tiếp xúc cử tri, các điều kiện bảo đảm khác…

8h01: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu Phiên họp

Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tiếp nối chương trình Kỳ họp thứ 18, hôm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc rà soát công tác chuẩn bị và cho ý kiến về nội dung, chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 của Trường Trung cấp Luật Tây Bắc từ Bộ Tư pháp sang Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La; cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét công tác nhân sự một số Ủy ban của Quốc hội.

Trước hết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc rà soát công tác chuẩn bị và cho ý kiến về nội dung, chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. Tham dự phiên họp có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi… cùng đại diện các ban ngành hữu quan. 

Tiếp đến, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo về nội dung, chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác