LẤY Ý KIẾN CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC ĐỐI VỚI HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG

20/12/2022

Sáng ngày 20/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo "Hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Giải pháp hoàn thiện". Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi chủ trì Hội thảo.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: CẦN CÓ THÊM BÁO CÁO VỀ Ý KIẾN CỦA CỬ TRI, DƯ LUẬN XÃ HỘI TRONG VIỆC XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

Tham dự Hội thảo còn có Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cùng các chuyên gia, nhà khoa học. Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhấn mạnh: Năm 2023, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ triển khai giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”. Mục tiêu của đợt giám sát chuyên đề này là phản ánh khách quan, trung thực việc thực hiện các chính sách, pháp luật về năng lượng trong thời gian qua để từ đó giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể nhìn nhận khách quan được những thuận lợi, khó khăn cũng như thách thức, hạn chế để đưa ra các giải pháp điều chỉnh kịp thời.


Toàn cảnh Hội thảo

Để triển khai tốt chuyên đề trên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo Hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Giải pháp hoàn thiện. Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về việc thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong thời gian qua, cũng như đưa ra các khuyến nghị, đề xuất trong việc phát triển năng lượng trong thời gian tới. Những ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học cũng là căn cứ, cơ sở để Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” được hiệu quả, thực chất hơn.

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã tập trung đóng góp ý kiến về việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực năng lượng và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Phát triển năng lượng tái tạo; Cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo...

Ông Nguyễn Đình Hiệp- Chủ tich Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam nêu quan điểm: Cho đến nay, Việt Nam đã xây dựng và ban hành một hệ thống cơ chế, chính sách và khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhiều rào cản đã được gỡ bỏ, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai có hiệu quả hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiên trong những năm qua đã bộc lộ những bất cập và thiếu sự đồng bộ của các của các văn bản hướng dẫn chi tiết bao gồm khung pháp lý, cơ chế phối hợp, quản lý nghiệp vụ, chính sách và công cụ tài chính... Điều này dẫn đến thị trường tiết kiệm năng lượng phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng tiết kiệm năng lượng còn rất cao của Việt Nam.

Vì vậy, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực năng lượng  và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả lực nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động sử dụng năng lượng,  đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ giữa chính sách phát triển năng lượng quốc gia với các chính sách có liên quan khác; đồng thời, khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.


Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các nội dung đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bao gồm các nhóm nội dung. Theo đó, cần chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sửa đổi hoặc bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn bao gồm đào tạo lần đầu, cập nhật kiến thức, đào tạo nâng cao… cho các tổ chức, cá nhân tư vấn hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, lực lượng kiểm toán viên năng lượng và cán bộ quản lý năng lượng tại cơ sở sử dụng năng lượng. Xây dựng mạng lưới liên kết chuyên gia, tổ chức đào tạo và doanh nghiệp, để phát huy nguồn lực và tạo điều kiện cho các tổ chức/doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong quá trình triển khai hoạt động tại địa phương.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đình Hiệp, cần xây dựng hành lang pháp lý, phát triển các công cụ tài chính hỗ trợ thị trường tiết kiệm năng lượng. Hình thành Quỹ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam để thực hiện chức cho vay ưu đãi, bảo lãnh, nhận ký quỹ, tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tài chính đầu tư… cho hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thu hút đầu tư cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo

Cho ý kiến vào việc phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, thủy điện, lưới truyền tải điện, ông Phan Duy An-Trưởng Ban Pháp chế (Tổng Công ty phát điện 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho rằng, việc xác định mặt nước hồ thủy điện là một dạng nguồn tài nguyên, cần phải được quản lý, đánh giá đầy đủ, hạch toán trong nền nền kinh tế, đúng như Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ ra: “Tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước. Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh tài nguyên; chú trọng tới việc phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo”.

Ông Phan Duy An-Trưởng Ban Pháp chế (Tổng Công ty phát điện 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Theo ông Phan Duy An, cần phải sửa đổi, bổ sung các Luật Đất đai, Luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, để có quy định cụ thể, thống nhất về giao, cho thuê đất lòng hồ thủy điện, thuê mặt nước hồ thủy điện (đối với trường hợp đã cho thuê đất lòng hồ thủy điện), nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về nhu cầu kinh doanh, khai thác và phát triển các dự án trên lòng hồ thủy điện hiện nay.

Đề cập về hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo. TS.Phạm Cảnh Huy- Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết,  trong thời gian gần đây, nhiều quốc gia cũng đã có những điều chỉnh, sửa đổi về chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo để bắt kịp với sự thay đổi của điều kiện thị trường. Từ thực tiễn, Việt Nam cần có mục tiêu cụ thể, chính sách ổn định và dài hạn nhằm thu hút đầu tư cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo. Một trong những chính sách quan trọng duy trì sự phát triển của thị trường điện tái tạo là cơ chế đấu giá đối với giá bán điện năng lượng tái tạo để không chỉ minh bạch hóa mà còn tạo nền móng phát triển bền vững cho thị trường năng lượng tái tạo.

Hiện nay, Việt Nam chưa ban hành Luật Năng lượng tái tạo, các quy định về khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo đã được hình thành và nằm rải rác tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, do nhiều Bộ, ngành trực tiếp soạn thảo, theo dõi. Do vậy cần tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong quá trình hoàn thiện pháp luật để phát triển năng lượng tái tạo, qua đó sớm cụ thể hoá chủ trương trong Nghị quyết 140/NQ-CP năm 2020 ngày 02/10/2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng Luật Năng lượng tái tạo.


TS.Phạm Cảnh Huy- Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nêu quan điểm.

Theo TS.Phạm Cảnh Huy, cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo cần được thiết kế linh hoạt theo từng loại dự án cụ thể cũng như quy mô của các dự án để có thể điều chỉnh, nhằm đảm bảo hiệu quả của chính sách cũng như khuyến khích phát triển các công nghệ phát điện từ năng lượng tái tạo. Hơn nữa cơ chế phải kiểm soát được sự phát triển tại từng khu vực, từng vùng, miền theo từng giai đoạn. Tránh việc chỉ tập trung tại các vị trí thuận lợi cho việc kết nối lưới. Điều này có thể dẫn đến việc không đảm bảo tối ưu, không sử dụng hiệu quả và ảnh hưởng đến độ tin cậy của lưới điện như đã xảy ra trong thời gian qua.

Ngoài ra, Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật về các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo giải quyết được các vấn đề liên quan đến biện pháp kích thích lợi ích kinh tế, đi đôi với trách nhiệm bảo vệ môi trường, tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa năng lượng tái tạo và năng lượng sơ cấp là điều kiện cho năng lượng tái tạo được phát triển.

TS.Phạm Cảnh Huy cũng đề nghị sớm cụ thể hoá để triển khai việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo đối với các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng; nghiên cứu tích hợp Quỹ bảo vệ môi trường và Quỹ phát triển năng lượng bền vững, đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách để tạo nguồn và sử dụng quỹ này để hỗ trợ, trợ cấp cho dự án phát điện từ năng lượng tái tạo.

Các cơ quan hữu quan phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo; thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là dự báo, đánh giá tác động của chính sách. Cần có những quy định cụ thể trong đánh giá việc thực hiện chính sách, các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quản lý đối với phát triển năng lượng tái tạo.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học còn cho ý kiến đóng góp vào các nội dung: Thực trạng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường trong phát triển năng lượng; Đề xuất các quy định pháp luật về năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu để đạt được và khả năng đạt được các mục tiêu phát thải vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị COP26...


 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi khẳng định: Phát triển năng lượng là vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và các lĩnh vực. Qua thảo luận, trao đổi, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá về việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng cũng như Nghị quyết 41 và Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị trong vấn đề phát triển năng lượng và một số nội dung trọng tâm khác.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi, trong thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã cơ bản thể chế hóa các nội dung các Nghị quyết của Đảng và của Bộ Chính trị. Bước đầu, chúng ta đã hình thành được hệ thống chính sách pháp luật khá đồng bộ, thống nhất và bảo đảm tính khả thi trong vấn đề phát triển năng lượng. Tuy nhiên, việc sửa đổi một luật liên quan đến phát triển năng lượng cũng nhận được những ý kiến đóng góp để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung cho ý kiến vào các nội dung trong phạm vi rộng. Sắp tới, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tổ chức những Hội thảo bàn về những phạm vi chuyên sâu hơn, chi tiết hơn để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tốt hơn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến vào Hội thảo. Trong thời gian tới, Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” sẽ làm việc tại các địa phương để tham gia phối hợp, hoàn chỉnh hoạt động giám sát đạt hiệu quả, chất lượng. Vì vậy, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ là căn cứ quan trọng và sẽ đượng tổng hợp để Đoàn giám sát nghiên cứu những nội dung cụ thể trong đợt giám sát chuyên đề sắp tới./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:


Toàn cảnh Hội thảo "Hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Giải pháp hoàn thiện".


Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại Hội thảo với đề xuất các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp những nội dung thiết thực trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng. 

Ông Nguyễn Văn Vy -Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá thực trạng thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển năng lượng. 

Ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cho biết về các giải pháp khắc phục những bất cập của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Phạm Cảnh Huy - Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đề cập về thực trạng hệ thống pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo, trọng tâm là điện gió, điện mặt trời. 

Ông Phan Duy An - Trưởng Ban Pháp chế, Tổng Công ty Phát triển điện 1 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đề cập về thực trạng các quy định pháp luật chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng, mặt nước để phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, thủy điện, lưới truyền tải điện...

Ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề cập về phát triển năng lượng điện từ than. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương tham gia thảo luận tại Hội thảo.


Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi cho biết, trong thời gian tới, Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” sẽ làm việc tại các địa phương để tham gia phối hợp, hoàn chỉnh hoạt động giám sát đạt hiệu quả, chất lượng. Vì vậy, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ là căn cứ quan trọng và sẽ đượng tổng hợp để Đoàn giám sát nghiên cứu những nội dung cụ thể trong đợt giám sát chuyên đề sắp tới.

Bích Lan - Nghĩa Đức