PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 10 CỦA ỦY BAN KINH TẾ THẨM TRA QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA
Theo chương trình Phiên họp 18, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Ngay sau khi Chính phủ gửi hồ sơ, ngày 16/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10 thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo chương trình Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong bài phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 18, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 là một nhiệm vụ được đặt ra theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Đây là lần đầu tiên đất nước ta tiến hành xây dựng một quy hoạch kiểu như thế này, chưa có tiền lệ, do đó đây là việc rất mới và rất khó. Định hướng cho công tác quy hoạch này đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương trong đầu năm nay vào tháng 4 đã xem xét và thông qua định hướng chung. Dựa trên cơ sở định hướng chung đó Chính phủ sẽ cụ thể hóa thành quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm xem xét, chuẩn bị nội dung này để trình cho Quốc hội xem xét và quyết định. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đây là thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.
“Đây là nội dung quan trọng nhất, quyết định có hay không có tiến hành kỳ họp bất thường là phụ thuộc vào nội dung này. Vì theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch này là quy hoạch cấp cao nhất, chi phối các quy hoạch quốc gia khác như quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch vùng, quy hoạch của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều phải dựa trên quy hoạch cấp cao nhất này, do đó chúng ta không thể để muộn được”. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.
Chia sẻ với Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết, đây là lần đầu tiên Đảng ta định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia. Vì vậy, Chính phủ, Quốc hội cần tiếp thu tối đa chủ trương, quan điểm, định hướng chỉ đạo trong Kết luận 45-KL/TW ngày 17/11/2022 về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, việc ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia cần chi tiết, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện để các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện được ngay, mà không cần các văn bản hướng dẫn.
Phóng viên: Theo quan điểm của ông, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 có vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 200, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối đồng bộ và thống nhất rất cao. Tạo không gian phát triển và động lực phát triển mới, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Quy hoạch này là cơ sở để đất nước ta đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch Tổng thể quốc gia là cơ sở để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; là căn cứ để xây dựng, triển khai các chương trình, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài…
Từ những phân tích ở trên, tôi cho rằng, quy hoạch tổng thể quốc gia có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới.
Phóng viên: Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã thảo luận và gợi mở một số định hướng xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đó, Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Kết luận 45-KL/TW ngày 17/11/2022 về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông có thể cho biết quan điểm xuyên suốt, nổi bật của Đảng về lĩnh vực này?
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương: Đây là lần đầu tiên Đảng ta định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, trong đó đã xác định những quan điểm, mục tiêu và những định hướng quy hoạch cụ thể. Trong đó, Đảng nhấn mạnh mấy điểm quan trọng sau:
Thứ nhất, không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, đảm bảo liên kết vùng, nội vùng, nhằm khai thác lợi thế so sánh của từng vùng, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Thứ hai, bên cạnh phát triển tổng thể, thì Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng phải phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi và tiềm năng, lợi thế để phát triển thành những vùng động lực, thành những hành lang kinh tế, thành những cực tăng trưởng để tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả trong thời gian từ nay đến năm 2030.
Đồng thời, Đảng cũng xác định bên cạnh việc phát triển các vùng động lực hành lang kinh tế cực tăng trưởng, phải có một cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp để đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp các dịch vụ công cho các khu vực khó khăn, đặc biệt là dịch vụ y tế, giáo dục để từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng. Nghĩa là, bên cạnh việc tập trung nguồn lực, tập trung điều kiện để phát triển vùng động lực hành lang kinh tế cực tăng trưởng, phải đặc biệt chú ý đến những vùng, địa bàn khó khăn, nhất là cung cấp các dịch vụ công, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội.
Quan điểm thứ ba, Trung ương cũng nhấn mạnh Quy hoạch tổng thể quốc gia phải sử dụng một cách hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất, tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước. Quy hoạch tổng thể quốc gia lần này cũng nhấn mạnh cần phát triển kinh tế xanh, tinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, bảo về tài thiên nhiên, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học để chủ động phòng, chống thiên tai và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ tư, định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia của Trung ương nhấn mạnh tổ chức không gian phát triển quốc gia cần phát triển trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia, từng vùng, từng hành lang kinh tế và phát triển hệ thống đô thị làm thế nào phù hợp với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển một cách hài hòa giữa đô thị với nông thôn.
Quan điểm thứ năm, đó là Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng cần tổ chức không gian phát triển quốc gia gắn kết giữa không gian đất liền với biển, nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nhất không gian đất liền, không gian biển, khai thác hiệu quả nhất vùng trời, vùng biển của đất nước, khai thác cả không gian ngầm của quốc gia. Phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế quan trọng của khu vực và của cả nước, kết nối với lại hành lang kinh tế của quốc tế, để chúng ta chủ động, tích cực hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, thực chất, hiệu quả nhất.
Đặc biệt, Kết luận 45-KL/TW ngày 17/11/2022 về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh cần kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Trên đây là những điểm hết sức quan trọng mà lần này Trung ương đã định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia để Chính chủ, cho Quốc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Phóng viên: Hiện nay Chính phủ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp bất thường tới đây. Theo ông, Chính phủ cần tiếp thu, cụ thể hóa quan điểm của Đảng như thế nào để xây dựng được một Quy hoạch tổng thể quốc gia có chất lượng và đảm bảo tính khả thi cao?
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương: Theo tôi, Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia mà Hội nghị Trung ương 6 vừa thông qua là cho thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhưng thời điểm hiện nay đã là cuối năm 2022 rồi. Như vậy chúng ta đã mất 2 năm theo kế hoạch, chỉ còn 7 năm nữa là đến năm 2030. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần tiếp thu tối đa chủ trương, quan điểm, định hướng chỉ đạo trong Kết luận 45-KL/TW ngày 17/11/2022 về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Trung ương vừa thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 để sớm ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Việc ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia cần chi tiết, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện để các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện được ngay, mà không cần các văn bản hướng dẫn.
Ngoài ra, tôi cũng đề nghị,song song với việc ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2230, tầm nhìn đến 2050, Quốc hội cũng phải có điều kiện đảm bảo về nguồn lực để thực hiện quy hoạch một cách triệt để ngay từ đầu, tránh tình trạng quy hoạch chỉ nằm trên giấy.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!