PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH BẮC NINH VƯƠNG QUỐC TUẤN: BẮC NINH ĐÃ SẴN SÀNG MỌI ĐIỀU KIỆN TỔ CHỨC HỘI THẢO VĂN HÓA 2022

16/12/2022

Ngày 17/12, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ chính thức bắt đầu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, tỉnh Bắc Ninh đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện phục vụ Hội thảo, đồng thời sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch bên lề.

CÔNG BỐ ''HỘI THẢO VĂN HÓA 2022''

CỬ TRI ĐẶT NHIỀU KỲ VỌNG Ở HỘI THẢO VĂN HÓA 2022

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn

Khẳng định Bắc Ninh là mảnh đất giàu truyền thống, vùng đất địa linh nhân kiệt, với những trầm tích văn hóa dày đặc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, tỉnh vinh dự được chọn là địa điểm đăng cai tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấncho biết, Bắc Ninh là địa phương đầu tư lớn cho văn hóa và đã ban hành nhiều chính sách về văn hóa. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bắc Ninh cũng là một trong những địa phương sớm tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh. Ngày 29/8/2022, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 71-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

Trước đó, năm 2018, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc ban hành Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh; hỗ trợ chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Theo đó, nghệ nhân được hưởng thêm trợ cấp hàng tháng. Tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển quan họ gốc, quan họ thực hành. Chi ngân sách thường xuyên cho văn hóa, nguồn lực đầu tư cho văn hóa hàng năm của Bắc Ninh luôn cao gấp hơn 2 lần bình quân chung của toàn quốc.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, với việc đăng cai tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022, tỉnh Bắc Ninh muốn tiếp cận thêm kinh nghiệm, gợi ý để phát triển văn hóa Bắc Ninh. Bắc Ninh đã thành công thu hút phát triển công nghiệp, trong giai đoạn mới chúng tôi muốn tập trung phát triển công nghiệp văn hóa song hành phát triển kinh tế để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân, đưa Bắc Ninh trở thành điểm đến văn hóa.

Hiện nay, Bắc Ninh đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cơ sở vật chất, trang trí tuyên truyền, chuẩn bị trung tâm báo chí và điều kiện ăn nghỉ phục vụ các đại biểu tham dự Hội thảo. Tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị xúc tiến gặp mặt các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, giới thiệu đặc trưng văn hóa, ký kết với một số doanh nghiệp. Ngày 16/12, tỉnh khai mạc trưng bày “Lịch sử Bắc Ninh qua di sản tư liệu thế giới”, tổ chức canh hát quan họ, hoạt động đường phố. Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức các chương trình tham quan di tích lịch sử tiêu biểu trên toàn tỉnh phục vụ đại biểu tham dự Hội thảo...

Bắc Ninh - Kinh Bắc là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Nơi đây luôn lắng đọng và tích lũy nhiều tầng văn hóa của nền văn minh nước Việt. Những dấu tích lịch sử ấy được khắc họa đâu đó trong các trang tài liệu cổ như châu bản, mộc bản Triều Nguyễn... Dáng dấp, diện mạo của vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc dần hiện ra một cách rõ nét qua triển lãm “Lịch sử tỉnh Bắc Ninh qua Di sản Tư liệu thế giới”.

Nội dung Triển lãm gồm 3 phần, giới thiệu 120 tài liệu lưu trữ quý hiếm thuộc 2 khối châu bản và mộc bản Triều Nguyễn - những Di sản Tư liệu thế giới của Việt Nam, giúp công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Bắc Ninh xưa từ thời sơ sử cho đến triều Nguyễn.

Thông qua tài liệu ghi chép những đổi thay về địa danh, địa giới hành chính của vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc từ thời Hùng Vương dựng nước sẽ giúp công chúng nhìn lại những dấu mốc lịch sử quan trọng. Vùng đất này có tên là Bắc Giang, Kinh Bắc và Bắc Ninh từ bao giờ? Ai đã cho đặt tên như vậy? Những câu hỏi đó sẽ được giải đáp qua các tài liệu được giới thiệu tại triển lãm. Qua đó cũng cho thấy, dù đã nhiều lần thay đổi về tên gọi, địa giới hành chính nhưng Bắc Ninh vẫn luôn là vùng đất có vai trò, ví trí rất quan trọng cả về chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự của đất nước.

Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu nhiều tài liệu về dấu xưa tích cũ của miền đất này với những di tích lịch sử vừa mang nét văn hóa tâm linh, vừa thấm đậm truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Đó là Đền thờ Kinh Dương Vương - Đức thủy tổ của dân tộc Việt; Đền Đô - nơi thờ phụng 8 vị vua triều Lý; thành cổ Bắc Ninh hay các ngôi cổ tự rêu phong phủ dầy theo năm tháng như chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Dạm... Những di tích lịch sử ấy được ghi chép lại trong các thư tịch với nhiều thông tin quý giá. Những tài liệu được lựa chọn giới thiệu tại Triển lãm sẽ góp phần chứng minh cho câu nói: “Khí thiêng hội tụ tạo nên địa linh, trời đất giao hòa sản sinh ra nhân kiệt”…/.

Thu Phương