TỔNG THUẬT SÁNG 14/12: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI) VÀ ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 30/2021/QH15
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một luật rất quan trọng, độ khó rất cao được Nhân dân và ngành y tế mong chờ. Trưởng Ban Công tác đại biểu đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong thời gian rất ngắn, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và Nhân dân đóng góp ý kiến đã hoàn thiện và bổ sung nhiều nội dung, trong đó có nhiều nội dung mới và khó.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp
Trưởng Ban Công tác đại biểu bày tỏ mong muốn với tinh thần nỗ lực cao, với các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra cùng các cơ quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện để có thể báo cáo tại Kỳ họp bất thường của Quốc ội trong thời gian tới. Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng Luật càng sớm được thông qua thì càng có thêm nhiều thời gian để Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định, các hướng dẫn, các văn bản để triển khai thực hiện.
Có cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng việc tích cực làm để thông qua tại Kỳ họp bất thường là tốt, nhưng đòi hỏi sự cố gắng của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, dự thảo Luật lần này so với kỳ họp lần trước và so với tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội đã có tiếp thu, giải trình, có nhiều điểm sáng rõ. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để bảo đảm chất lượng hơn.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) liên quan nhiều luật như Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 đến nay đã 33 năm và vẫn đang có hiệu lực thi hành. Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân có các chương quy định về khám và chữa bệnh, về y học, dược học cổ truyền dân tộc, quy định về thuốc phòng bệnh, chữa bệnh. Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ quy định về quyền được khám bệnh và chữa bệnh, điều kiện hành nghề của thầy thuốc, trách nhiệm của thầy thuốc, trách nhiệm của người bệnh, bắt buộc khám, chữa bệnh cho người nước ngoài, giám định y khoa…đều là những nội dung trong Luật Bảo vệ sức khỏe nêu rất cụ thể. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra tại kỳ họp nhưng đến nay trong dự thảo Luật vẫn đang còn có nhiều nội dung chồng chéo cần rà soát, cụ thể để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp
Liên quan đến phân cấp chuyên môn kỹ thuật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng chưa có nhiều bước tiến trong tiếp thu, chỉnh lý nội dung này trong khi đây là nội dung rất quan trọng gắn với tổ chức thực hiện, đặc biệt là quan hệ giữa các cấp bệnh viện. Câu hỏi lớn nhất Quốc hội đặt ra là một tổ chức cấp cơ sở ban đầu nhưng liệu đủ khả năng làm các khâu khác của cơ bản, của chuyên sâu? Trong luật quy định cấp nào nên làm việc của cấp đó thì liệu có phải là lãng phí không? Và liệu các quy định trong dự thảo Luật về vấn đề này có làm hạn chế quyền được khám bệnh, được lựa chọn nơi khám bệnh của người dân theo Hiến pháp quy định không? Đây là điều rất nhiều ý kiến băn khoăn đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.
Trước đó, trình bày Báo cáo Dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh (Điều 104), có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, nguyên tắc vận hành hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo 3 cấp chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo điều tiết toàn hệ thống chưa rõ ràng; đề nghị làm rõ mối quan hệ và sự kết nối giữa các cấp, hạng bệnh viện, quan hệ giữa công và tư; phân cấp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; trong một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể có cả 3 cấp hay từng cấp riêng biệt; đề nghị cân nhắc việc điều chỉnh cấp chuyên môn kỹ thuật để đảm bảo sự ổn định của hệ thống y tế như hiện nay và nên giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo Dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý cụ thể hơn theo hướng hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân được chia thành 03 cấp chuyên môn kỹ thuật: Một là, cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu; quản lý bệnh tật, phục hồi chức năng tại cộng đồng. Hai là, cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, điều trị nội trú tổng quát; đào tạo thực hành tổng quát, tổ chức cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho người hành nghề. Ba là, cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, điều trị nội trú chuyên sâu; đào tạo thực hành chuyên sâu, đào tạo liên tục chuyên sâu; chuyển giao kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời, quy định nguyên tắc tổ chức của các cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh theo hướng bảo đảm tính liên tục, liên thông trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được xếp vào một cấp chuyên môn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp nào phải đủ năng lực và tập trung thực hiện các nhiệm vụ của cấp đó. Để có thể triển khai hiệu quả và đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết về cấp chuyên môn kỹ thuật như thể hiện tại Điều 104 và quy định lộ trình thực hiện tại khoản 7 Điều 120 đến 01/01/2027.
Đồng tình với việc quy định về phân cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, đây là vấn đề lớn của dự thảo Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng đã xác định tại Nghị quyết 20-NQ/TW về về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật ghi nhận dự thảo Luật đã được chỉnh lý một bước sau Kỳ họp thứ 4, quy định cụ thể hơn nguyên tắc phân cấp chuyên môn kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý do đây là vấn đề lớn, quan trọng khi chuyển đổi từ phân tuyến theo 4 tuyến như hiện nay sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật thì với những quy định như dự thảo chưa đầy đủ cơ sở. Mặc dù dự thảo Luật có giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết nhưng với quy định của dự thảo Luật còn quá chung và quá nguyên tắc.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị nếu còn thời gian cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn và quy định đầy đủ hơn tiêu chí, điều kiện và các yêu cầu bảo đảm khác đối với từng cấp chuyên môn kỹ thuật để làm căn cứ. Đây là những quy định làm căn cứ để đánh giá và xếp các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước cũng như của y tế tư nhân vào từng cấp chuyên môn kỹ thuật tương ứng, đồng thời làm rõ cách thức kết nối giữa các cấp chuyên môn kỹ thuật, vì những quy định này phải phù hợp, phải hợp lý thì mới đảm bảo được yêu cầu về khám, chữa bệnh hay về cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Hơn nữa, những quy định này cũng liên quan đến thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích, giống như phân tuyến hiện nay, nếu đi đúng tuyến thì được hưởng bảo hiểm y tế, lệch tuyến thì mức hưởng sẽ khác. Trong phân cấp chuyên môn kỹ thuật thì liên quan đến vấn đề thanh toán như thế nào cũng là vấn đề phải làm rõ hơn để đảm bảo cơ sở tổ chức thực hiện./.