UBTVQH THÔNG QUA PHÁP LỆNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN (SỬA ĐỔI)

13/12/2022

Sáng 13/12, theo chương trình phiên họp thứ 18, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua với sự thống nhất cao về Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).

TỔNG THUẬT SÁNG 13/12: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ ĐIỀU TẠI PHÁP LỆNH (SỬA ĐỔI) VỀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TAND

Kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Đảng góp phần xây dựng nền tư pháp ngày càng vững mạnh và chất lượng

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao làm rõ sau hơn 8 năm triển khai thi hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 09) đã bộc lộ một số hạn chế và bất cập. Thực tiễn cho thấy, Pháp lệnh số 09 không còn phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cũng như yêu cầu của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật cần thiết phải được nghiên cứu, sửa đổi.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình - đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Pháp lệnh phát biểu tại phiên họp

Tòa án nhân dân tối cao xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh. Theo đó, đa số ý kiến tán thành dự thảo Pháp lệnh và cho rằng cần sửa đổi toàn diện Pháp lệnh số 09 để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình triển khai, thi hành. Dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung mới 02 điều (Điều 7 và Điều 44), sửa đổi, bổ sung 42/42 điều. Ngoài 03 biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) dự thảo Pháp lệnh còn quy định biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng đối với người từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi theo quy định tại Điều 140a của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Có ý kiến cho rằng: Nghị quyết số 443/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30/12/2021 ban hành Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu và xây dựng Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 09. Do vậy, cần thực hiện theo đúng Nghị quyết số 443/NQ-UBTVQH15 là chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh số 09.

Tòa án nhân dân tối cao nhất trí với đa số ý kiến và thể hiện tại dự thảo Pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhất trí với việc sửa đổi toàn diện Pháp lệnh 09.

Toàn cảnh phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết của việc Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Pháp lệnh tại phiên họp này theo quy trình tại một phiên họp; đồng thời nhấn mạnh thêm, ngoài sự cần thiết như Tờ trình đã nêu thì việc sửa đổi toàn diện Pháp lệnh này còn kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, góp phần xây dựng nền tư pháp ngày càng vững mạnh và có chất lượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận hồ sơ dự án Pháp lệnh được Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan chuẩn bị đầy đủ, cụ thể, nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định, đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp cùng với các cơ quan có liên quan như Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao và cơ quan thẩm tra trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo và thẩm tra văn bản, hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp

Tán thành với Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về việc sửa đổi toàn diện Pháp lệnh, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, việc sửa đổi Pháp lệnh lần này không chỉ nhằm mục đích khắc phục những hạn chế, bất cập, chưa phù hợp của pháp luật hiện hành mà còn để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng trong hoạt động tư pháp. Việc ban hành Pháp lệnh mới mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra không chỉ trong trước mắt mà còn về lâu dài.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận cơ quan chủ trì soạn thảo là Tòa án nhân dân tối cao đã hết sức cầu thị, phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ dự án Pháp lệnh. Nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Pháp lệnh số 09 hay nói cách khác là ban hành mới để thay thế Pháp lệnh số 09 để quy định về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án tối cao với những lý do như đã nêu trong tờ trình của Tòa án tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng làm rõ, Pháp lệnh 09 được ban hành từ năm 2014, qua 8 năm thực hiện đã bộc lộ một số những bất cập, hạn chế mà ở thời điểm ban hành Pháp lệnh chưa nhìn thấy hết. Qua thực tiễn thấy có một số quyết định cần phải điều chỉnh.

Hơn nữa, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi năm 2020 với một số quy định mới, tác động đến nội dung của Pháp lệnh 09 thì không còn phù hợp. Từ năm 2015 đến nay Quốc hội cũng đã ban hành nhiều luật quan trọng, có nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh, như Luật Trẻ em, Luật Trợ giúp pháp lý, một số những luật khác. Đầu năm 2022, Ủy ban Thường vụ đã ban hành Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó có những quy định mới, những nội hàm tương đồng với quy định của Pháp lệnh 09, nhưng Pháp lệnh 09 chưa phản ánh đầy đủ, chưa đảm bảo đồng bộ với Pháp lệnh 01. Do đó, việc sửa đổi toàn diện Pháp lệnh này là cần thiết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Tất cả các ý kiến góp ý đều phải được tiếp thu hoặc giải trình có căn cứ pháp luật

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Pháp lệnh này không phải là pháp lệnh sửa đổi toàn diện thay thế mà là pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh số 09. Tuy nhiên quá trình nghiên cứu cho thấy Tòa án nhân dân tối cao đã kỹ lưỡng, nghiên cứu đầy đủ, toàn diện các vấn đề và nội dung dự thảo Pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội với phạm vi sửa đổi tất cả 42/42 điều của Pháp lệnh 09, bổ sung 2 điều mới. Trong đó cũng có những quy định rất mới có liên quan đến thẩm quyền của Tòa án nhân dân xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, quy định về đảm bảo thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính và một số quy định khác.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thống nhất với đề nghị của cơ quan trình là sửa đổi toàn diện Pháp lệnh này để thay thế Pháp lệnh 09; đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi toàn diện sẽ góp phần cũng đảm bảo quá trình thực hiện thi hành Pháp lệnh sau này được thuận lợi hơn.

Ngoài ra, cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều nội dung cụ thể để bảo đảm tính thống nhất của chính Pháp lệnh, vấn đề về thủ tục thân thiện, về bổ sung thời hạn giải quyết khiếu nại, về các trường hợp hoãn phiên họp, số lần hoãn, trường hợp buộc hoãn ngay và các thủ tục hoãn phiên họp; thủ tục xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị, trong đó có thủ tục hỏi, trình tự hỏi tại phiên họp; về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh

Sau khi cho ý kiến, với sự thống nhất cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua về mặt nguyên tắc dự thảo Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi) và nhất trí về nguyên tắc về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh để hoàn chỉnh thủ tục trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trong tháng 12/2022.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu dự họp, trên nguyên tắc tất cả các ý kiến phát biểu đều phải được tiếp thu hoặc giải trình có căn cứ pháp luật và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi) có 05 chương và 44 Điều. Trong đó, tại chương 1 về những quy định chung, quy định về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; trách nhiệm quản lý công tác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; chi phí, lệ phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Chương 2 quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Chương 3 quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại. Chương 4 quy định về khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Chương 5 quy định điều khoản thi hành và điều khoản chuyển tiếp./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác